Mùa ốc lể - mùa ký ức

LÊ BẢO NGỌC 16/04/2023 06:03

Nhiều người xứ khác thường hỏi, ốc lể có chi ngon mà tới mùa người Quảng ai cũng rộn ràng? Họ không biết rằng, những con ốc bé xíu lại chất chứa cả hương vị biển, hương vị quê nhà khó phai nơi đầu lưỡi...

Ốc lể là món ăn vặt gây thương nhớ.
Ốc lể là món ăn vặt gây thương nhớ.

Mỗi năm, khi mùa đông qua đi, tiết trời ấm hơn, lác đác ở chợ, ở phố, nghe tiếng rao “Ốc lể đây, ốc lể đây”, tôi lại háo hức rủ rê người nhà, với xóm, với đồng nghiệp, rằng mùa ốc tới rồi, hôm nào tụ tập lể ốc một bữa nhé.

Thuở xưa, đi nhiều nơi, gặp nhiều bạn bè ở các tỉnh khác, khi tôi tự hào tràn trề giới thiệu cái món đặc sản là những con ốc bé xíu đủ màu sắc như nút áo, được luộc chín rồi bỏ thêm xíu sả, trộn xíu muối ớt muối tiêu, bạn bè tôi ai cũng tròn mắt “thế thì có bổ béo ngon lành chi đâu, mỗi lần ăn chỉ có một xíu, mà mắc công tốn sức nữa”.

Nhưng lần nào tôi cũng lắc đầu, bảo món ăn này chỉ có dân Quảng mới hiểu nó ngon ở chỗ nào và dù có cố gắng tới mấy, tôi vẫn không thể nào cắt nghĩa cho những-người-không-phải-dân-Quảng hiểu được món ăn này nó quyến rũ thần kỳ ra sao.

Rất lâu về sau, có lần tôi đọc được bài viết của một người em mà tôi thương quý “tôi tự hỏi tại sao những món ăn ở quê luôn ngon hơn ở thành phố, em tôi trả lời, là tại anh ăn ký ức”. Đọc câu đó, tôi mới nhận ra, ừ, thì ra người ta mê ốc lể, cũng một phần vì người ta đang ăn ký ức.

Ký ức là những ngày bé xíu xiu đâu chừng 7, 8 tuổi, bà nội đi chợ về, đàn cháu ùa ra đón, lục giỏ của nội lúc nào cũng có mấy lon ốc bé xinh bà mua cho ông.

Ông nội đã già thiệt già, hai mắt đã mờ không còn tinh tường nữa, nhưng bàn tay vẫn thoăn thoắt cầm gai chanh lể từng con ốc nhỏ. Lũ cháu ông, đứa nhỏ thì chờ ông lể xong để lấy vỏ ốc chơi đồ hàng, đứa lớn thì ngồi thi xem ai lể nhanh hơn và đứa nào thi với ông cũng… đầu hàng.

Ký ức là tiếng cười của đám con nít khi ngồi nghe ông kể những trò nghịch ngợm của ba tôi và mấy chú lúc bé, kèm lời rầy rà của bà nội khi nói ông đang bày cho cháu quậy. Là tôi quần đùi tóc khét nắng, cầm cái gai chanh cặm cụi tập lể những con ốc đầu tiên dưới ánh mắt đang cười của ba.

Vươn khơi. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG
Vươn khơi. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG

Mấy năm sau, khi tôi đã trở thành “nhà vô địch” lể ốc nhanh của xóm, ba cũng bệnh nằm tại giường, chân tay không cử động được. Một trưa mùa xuân - mùa ốc, tôi chợt hỏi ba, ủa ba có thèm ốc không ba? Ba chỉ cười, mắt lấp lánh “Sao không, ba là cháu nội ông Trúc (là ông cố tôi) mà, thèm ốc có dòng”.

Câu chuyện này tôi lúc nào cũng kể lại với bạn bè như một niềm tự hào be bé, rằng “truyền thống gia đình” tôi là thèm ốc lể. Cũng trưa đó, tôi ngồi tỉ mỉ lể từng con ốc nhỏ xíu, đút cho ba để ba đỡ thèm, người đã mấy năm trời không thể cầm cây gai khêu ốc được nữa.

Ký ức của tôi là những mùa ốc được tụ tập bạn bè, đồng nghiệp, sau giờ làm mua vài lon ốc, lên quảng trường mát rượi, ngồi lể ốc và nói cười rổn rang. Là những trưa nắng tôi và đứa bạn thân nháy nhau mua hai lon ốc rồi tới quán cà phê quen, hai đứa ngồi lể kể đủ chuyện trên trời dưới đất cho đến giờ làm chiều. Giờ đứa bạn thân đã suốt ngày ôm cậu nhóc ở nhà, mỗi trưa đi qua gốc sưa mát rượi ở quán cà phê, vẫn còn luyến tiếc những tháng ngày xưa cũ.

Mùa ốc năm nay, tôi làm dày thêm ký ức của mình bằng những buổi chiều tà khi vừa ra khỏi bệnh viện, mua mấy lon ốc í ới gọi cả xóm, có cả những đứa nhóc đang gọi tôi bằng cô, cả những anh chị gần nhà. Hoặc thò đầu qua nhà sát vách, hóng hôm nay chị có mua ốc về luộc không.

Những con ốc được ngâm sạch cát, chị luộc nhanh rồi trộn với muối ớt cay sè, rồi cả xóm ngồi xúm lại, vừa lể ốc vừa nhìn hoàng hôn xuống. Đám trẻ con nghịch những chiếc vỏ ốc đủ màu. Còn tôi, vừa ăn ốc vừa để lòng mình lãng đãng trôi về những ngày xưa. Phải rồi, là tôi đang ăn ký ức…

LÊ BẢO NGỌC