Đường về quê ngoại
Đường về quê ngoại tôi đã thôi cách trở đò giang ngót ba chục năm rồi, từ khi có cây cầu Quảng Huế bắc qua sông Vu Gia, nối liền hai xã Đại An quê nội và Đại Cường quê ngoại. Từ ngày có cầu, chúng tôi không còn phải đánh vật với con dốc dựng đứng đi xuống bến sông, mùa mưa thì thôi khỏi nói, lơ tơ mơ là trợt như chơi, còn mùa nắng thì cát bụi bám đầy chân, rồi gọi đò ơi hỡi để sang nhà ngoại...
Đường về nhà ngoại không dễ đi, nhưng niềm háo hức khiến tôi quên mệt nhọc dù phải qua đò, rồi qua cây cầu ván gần như mục nát đến mức tôi chẳng bao giờ dám nhìn xuống bên dưới, chỉ có thể nghe tiếng nước chảy róc rách, rồi băng qua cánh đồng lúa, mới tới nhà ngoại.
Ông Kháng, ông Từ ở bên kia sông luân phiên thay nhau chống đò. Hai ông chẳng ngần ngại chèo ghe đưa khách sang sông, dù chỉ có một người khách nhí, là tôi, kiểu như hai ông cũng hiểu lòng của đứa trẻ thơ vậy.
Dường như lúc nào bà ngoại cũng luôn sẵn sàng chờ đón chúng tôi, chờ tiếng gọi “ngoại ơi!” từ xa. Khi thì ngoại để dành mấy trái ổi, mấy trái bồ quân, hay thơm, mãng cầu, chanh giấy. Đất vườn nhà ngoài rộng, mấy cậu dì làm nhà quây quần trên đất vườn của ngoại. Mỗi khi ăn món gì ngon ngon, chỉ cần ới một tiếng là con cháu đông đủ, chỉ có mẹ tôi lấy chồng bên kia sông nên ít có dịp xúm xít hơn.
Nhà ngoại hướng mặt ra sông Thu Bồn. Những bữa tắm sông đã tưới mát tâm hồn tôi, theo tôi cả trong những bữa phố xá nhộn nhịp để thấy lòng an yên. Nhà ngoại tôi cũng như bao ngôi nhà khác ở đây, nền nhà được đắp thật cao để tránh lụt, còn ngoài rộc (vườn) thì thấp.
Ngoài vườn, ngoại tôi trồng một ít cây ăn trái lâu năm chung quanh, còn lại dành để tỉa bắp, đậu. Ngoại tôi rất lạ, có thứ gì trong vườn ngoại cũng không muốn bán, dù lúc đó nhà ai cũng túng thiếu, bán cây trái trong vườn có thể mua được vài con cá, lạng thịt. Câu cửa miệng của ngoại là “để dành cho bầy trẻ”. Dù “bầy trẻ” của ngoại có đứa không còn là trẻ con nữa, như chị dâu tôi, lúc đó đã con bồng con bế...
Tiếc là ngoại trở thành cánh hạc trắng về trời khi cây cầu đúc kiên cố nối quê nội - quê ngoại chưa thành hình. Chúng tôi về nhà ngoại, dĩ nhiên, không còn đi trên con đường cũ, không còn đi qua cây cầu ván rung rinh sợ đến rợn người, mà là bon bon trên đường bê tông rộng thoáng. Đường dẫn vào nhà ngoại cũng đã có tên, là những đường số 4, đường số 5... Quảng Đại.
Và giờ đứa trẻ trong bầy trẻ của ngoại là tôi đã con cái đuề huề. Nhưng khi gõ những dòng này, “đứa trẻ” ấy vẫn thèm và nhớ vô cùng những món quà ngoại dành cho “bầy trẻ”, nhớ dáng hiền từ của ngoại khi ra cổng đưa đón cháu và thèm lắm, thương lắm, tha thiết lắm... hai tiếng “ngoại ơi!”.