Phải lòng mỳ Quảng

DIỆU NGỌC 04/12/2022 07:15

Món mỳ Quảng mộc mạc mà thương lâu, mà nhớ hoài, một khi đã trót phải lòng thì yêu sâu đậm...

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, một phần tư đầu tiên của cuộc đời đi “kéo ghế” nếm đủ vị bún bò. Ngày qua sông, tôi bắt đầu chặng đời mới ở Hà Nội, đi tìm nét duyên của phở Bát Đàn rồi phở Lý Quốc Sư.

Giữa thủ đô, mẹ tôi khắc khoải nhớ tô mỳ xứ Quảng, nên tôi đã có tô mỳ Quảng trọn vị đầu tiên... qua lời kể của mẹ.

Số mệnh thiên di lại đưa tôi đến với Sài Gòn, nhiều lần vô quán gọi tô hủ tíu Nam Vang rồi tự hỏi có phải món này là hồn cốt của phương Nam hào sảng.

Một nửa đời người có đôi lần tôi ghé Hội An, bước chân vội vã chưa chạm đến mấy nẻo đường xứ Quảng. Vậy mà lạ thay, món mỳ Quảng lại gieo trong tôi nỗi nhớ đậm thương sâu, như thể tôi đã được nuôi dưỡng từ bé thơ với hương vị mộc mạc ngọt lành từ miền đất ấy.

Chiến tranh đã chia tách gia đình người mẹ thứ hai của tôi khỏi quê hương Điện Bàn để ra Hà Nội, nhưng chiến tranh không thể chia tách những hương vị quê nhà trong lòng kẻ ly hương.

Giữa thủ đô, mẹ tôi khắc khoải nhớ tô mỳ xứ Quảng, nên tôi đã có tô mỳ Quảng trọn vị đầu tiên... qua lời kể của bà. Chưa hề mờ phai trong ký ức của tôi là hình dáng bà tất tả một sáng ở chợ về, mồ hôi nhỏ giọt, hớn hở cầm trong tay bắp chuối hột xanh non phơn phớt lớp phấn thanh tân.

“Con ơi, hôm nay mẹ nấu mỳ Quảng cho con ăn nhé. Có bắp chuối hột này là mẹ đưa được con về với quê mình”. Tôi nhìn thấy Điện Bàn trong đôi mắt tha thiết của bà khi nâng niu tô mỳ Quảng trên tay.

Từ đó, mỗi lần tôi ra chợ thấy thấp thoáng bắp chuối hột là tâm tưởng cả nhà sẽ về thăm xứ Quảng. Với tôi, phần hồn của món mỳ Quảng là ở dĩa rau sống đủ vị có bắp chuối xắt mỏng, lá cải con mởn xanh, vị húng quế thơm dịu và không thể thiếu trái ớt xanh cay nồng. Phải lo xong rổ rau thì tôi mới yên tâm rim chảo nhưn có tôm, thịt heo và trứng cút, có khi sang hơn thì tỉ mỉ gỡ thịt cua bể rón rén đảo cùng.

Sợi mỳ Quảng phiên bản Hà Nội được thái to bản từ bánh phở cuốn, thoa dầu để tách sợi rời nhau. Không tìm được củ nén khử dầu phụng thì tôi thay bằng tỏi phi khử dầu nành cho tô mỳ dậy vị.

Có lần lặn lội quanh chợ không tài nào tìm được bánh tráng, tôi đành thay bằng bánh phồng tôm rán giòn bẻ nhỏ, rắc lên tô mỳ cùng đậu phụng rang. Món mỳ Quảng của tôi chắc chắn là phiên bản lỗi, nhưng với mẹ tôi thì đó là cả bầu trời quê hương mấy chục năm qua bà khắc khoải ngóng về.

Sài Gòn có chợ Bà Hoa bán đủ đặc sản miền Trung. Những ngày đầu vào đất phương Nam, tôi thích thú nhìn sạp bán sợi mỳ Quảng có ba màu: trắng nguyên bản, vàng nghệ tươi, đỏ nâu gạo lứt.

Món mỳ Quảng phiên bản phương Nam của tôi lại có gia giảm đôi chút sắc màu, nhưng có một điều bất di bất dịch: hễ có bắp chuối hột là sẽ có món mỳ Quảng, để tôi kể con nghe những ân tình từ bà nội ngày xưa. Với con trai tôi, hễ ông bà nội vào thăm là cháu cầm chắc sắp được ăn mỳ Quảng, bởi đó là chuyến tàu mẹ đưa bà nội về với quê nhà.

Hơn tám chục năm thoảng qua gần như xóa trắng ký ức một đời người, bàn tay người con xứ Quảng nay đã run rẩy khi bưng tô mỳ Quảng, mà nhớ thương vẫn vẹn nguyên khi nhắc về một chốn vợi xa.

Tròn hai chục năm từ Bắc vô Nam, bàn tay của người không sinh ra trên đất Quảng cũng bao lần thay hương đổi vị để món mỳ đến gần phiên bản gốc. Món mỳ Quảng mộc mạc mà thương lâu, mà nhớ hoài, một khi đã trót phải lòng thì yêu sâu đậm.

DIỆU NGỌC