Giá đỗ nhà quê
Nếu tìm một ấn tượng của tôi về giá đỗ thì có lẽ là cách đây đã gần bốn mươi năm, khi tôi bầu bạn với ngọn đèn dầu và dăm quyển sách mà hăm he thi cử. Mẹ cứ bắt tôi bữa cơm phải có giá đỗ. Ở quê là thế, người lớn cứ tin thi cử mà đi kèm xôi - đậu - giá - đỗ thì thế nào cũng vượt vũ môn. Mà hiển linh thật, tôi nghiêm trang khăn gói vào đại học.
Giá đỗ không phải là món ăn sang trọng đắt đỏ khó tìm, nếu ở phố các chị cứ phải ra hàng rau cổng chợ thì ở quê các mẹ cứ đổ nhúm cát mịn vùi lên hạt đậu, tưới nước ủ kín ba hôm, bới lên thấy giá đã dài cỡ ngón tay, trắng muốt, căng mọng.
Song món giá bình dân hơn cả lại là giá đậu mọc tự nhiên. Kết thúc vụ tháng Ba, mấy đám nà bờ sông được xen canh một vụ đậu phụng. Sau kỳ thu hoạch, những củ đậu bị sứt gốc nằm im lìm trong đất đợi thời, một cơn mưa dông mùa hạ, hạt đậu cựa mình tách vỏ mọc lên những mầm giá bụ bẫm.
Lũ trẻ con mang cuốc lom khom cuốc cào thửa đất, không khó nhọc gì, chỉ chốc lát đã một thúng đầy những giá là giá. Giá đậu xào với nhộng hay với thịt heo mỡ là cả nhà đã có một bữa ngon bổ dưỡng. Món ngon dễ tìm này có sức quyến dụ đặc biệt với lũ bạn học xóm chợ của tôi.
Mùa hè chúng lại kéo lên vùng nông thôn, mà chúng gọi rất kênh kiệu là lên chơi nhà quê, để được tha hồ ngụp lặn với dòng sông Trầu xanh trong mát rượi và rồi được tranh nhau bới tìm những cọng giá đỗ múp míp. Kết thúc là bữa bánh tráng sắn cuốn, xúc với giá đậu xào nhộng ngon lành.
Giá đỗ xanh thì được dùng nhiều hơn vào các bữa ăn có tính sang trọng, bày một đĩa giá trắng muốt trên bàn, bên cạnh quả cà nướng, đĩa thịt heo ba chỉ, thêm món cá đồng, là đủ đầy để mời khách.
Ngày nay cái rau cái cỏ cũng đã chuyên nghiệp hóa, các chị các mẹ dành riêng một khoảng đất trống chuyên làm giá đỗ. Cách thức không khác xưa, chỉ một mẹo nhỏ: ô đất nào đã được trồng giá thì sau khai thác phải bỏ hoang độ vài ba tuần, là để mầm giá còn sót lại trong đất sau khai thác chết hẳn, nếu luân canh liên tục, mầm giá cũ sót lại chết đi sẽ làm úng cả mầm giá mới.
Được biết một lon đậu xanh chăm đúng cách sẽ cho ra chừng hơn ba cân rau giá. Tôi hỏi chị bán rau mỗi ngày bán được bao cân giá? Chị cười cười đáp: “Cũng độ mươi cân. Mà không chỉ giá đỗ không thôi, cả gian hàng rau củ quả nhà em một buổi cũng chỉ lãi hơn trăm nghìn đồng, phụ vào các việc chi tiêu gia đình. Thu nhập chính cũng vẫn là đồng ruộng núi đồi. Với lại công giá là công đứng, phải chăm sóc thu hoạch từng ngày, không rỗi công như các loại rau củ khác, cũng cực”.
Nghe tâm sự từ chị, tôi hiểu ra, để có được cái rau cái cỏ cũng lắm cần cù. Ôi những cộng giá rời ngày đi mót, ơi những đĩa giá xào thân thương ngày nào. Rồi chợt nghĩ, nếu như trong một bữa ăn nhà hàng, mình được gặp lại món giá xào nhộng như xưa thì sẽ ra sao nhỉ? Hẳn sẽ bộn bề tâm trạng...