Mỳ Quảng nhưn gà 7.500 đồng/tô!

CHÂU NỮ 21/08/2022 06:45

Bao nhiêu năm nay quán mỳ bình dân Ánh ở thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn vẫn như vậy, hiếm khi nào vắng khách. Dù cách đây gần 2 năm, giá bán một tô mỳ có nhỉnh lên chút ít: 7.500 đồng, nhưng khách xa gần vẫn luôn dành cho quán cái tên thân thương: “Quán mỳ 5.000 đồng”.

Ông Trần Đình Ánh làm mỳ cho thực khách. Ảnh: DIỄM LỆ
Ông Trần Đình Ánh làm mỳ cho thực khách. Ảnh: DIỄM LỆ

Quán mỳ ở vùng quê mà mỗi ngày bán đến 1,5 tạ mỳ (cả mỳ lá và mỳ tô), quả là kỷ lục và là niềm mơ ước của bao quán ăn khác! Còn vì sao quán bán mỳ với giá 7.500 đồng mà không nâng lên 8.000 đồng cho… chẵn, ông Trần Đình Ánh (SN 1965) chủ quán cho biết, khách vào quán thường ăn mỗi người 2 tô, trả 15.000 đồng cũng coi như chẵn.

Với lại từ trước tới nay quán mỳ Ánh luôn bán với giá chỉ bằng nửa giá các quán khác. Khi nhiều quán mỳ bình dân bán giá 10.000 đồng/tô thì quán ông Ánh bán 5.000 đồng, nay các quán khác nâng lên 15.000 đồng/tô thì quán ông Ánh vẫn bán bằng nửa giá đó, chỉ 7.500 đồng.

Dù bán rẻ nhưng tô mỳ vẫn chất lượng và đủ các thứ của một tô mỳ chuẩn: nhưn gà, đậu phụng, hành lá, nước béo, rau sống chuối cây, ớt… Mới rồi ghé quán, tôi nghe mấy vị khách bàn bên cạnh gật gù: “Tô mỳ y như ri các quán khác bán ít nhứt cũng 15.000 đồng”.

Quán bán cả ngày, từ sáng sớm đã có khách, tới tối mới vãn. Có khi đông khách, tới 5 giờ chiều ông Ánh vẫn còn chặt gà, làm thêm nồi nhưn nữa. Mỗi ngày ông Ánh làm mấy nồi nhưn, đủ bán mấy trăm tô mỳ. Người dân trong vùng ăn sáng, người đi làm đồng cần ăn nửa buổi, đều ghé quán ông Ánh.

Nhiều người đi ngang huyện Quế Sơn, thế nào cũng ghé “quán mỳ 5.000 đồng”. Anh Vũ, tài xế xe du lịch ở Tam Kỳ cho biết, khi đưa khách tham quan các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức…, anh thường được khách đề nghị chở đến “quán mỳ 5.000 đồng”.

Vợ chồng ông Ánh dậy từ sáng sớm, xay bột, tráng mỳ, làm rau sống, um nhưn. Để có tô mỳ ngon, ngoài sợi mỳ dẻo, dai nhờ biết chọn gạo quê và tráng tay, thì phần nhưn cũng phải đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Mười (vợ ông Ánh) tráng và xắt mỳ, ông Ánh đảm trách nấu nhưn. Ông Ánh chia sẻ cách để có nồi nhưn gà thơm ngon theo cách riêng của quán: thịt gà sau khi chặt xong phải chần qua nước sôi, ướp các loại gia vị như nghệ tươi, sả sẻ, những thứ này đều trồng trong vườn nhà, um nhưn cho thấm xong thì múc ra và nấu nước nhưn riêng, phải thêm chút nước dừa để nồi nhưn có vị béo và mùi thơm.

Tô “mỳ năm nghìn đồng”.
Tô “mỳ năm nghìn đồng”.

Bà Mười cho biết, vợ chồng bà chủ yếu lấy công làm lời, bán số lượng lớn nhưng lời không nhiều, mỗi tháng kiếm được vài ba triệu đồng, tiền lời chủ yếu từ bán mỳ ký, chứ bán mỳ tô thì không lời bao nhiêu. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng ông Ánh không thuê người làm, từ sáng sớm, cả hai đã xay bột, tráng mỳ, rồi ướp, um nhưn, làm rau sống…

Rau sống chủ yếu là chuối cây, nhưn chỉ có loại duy nhất là nhưn gà. Khách của quán có cả người địa phương lẫn khách phương xa, đi theo đoàn và phần lớn khách đều tự phục vụ, nếu không muốn chờ lâu.

Nhưng dù khách đông hay không, thì vợ chồng ông Ánh bà Mười vẫn phục vụ chu đáo nhất có thể, không vì khách đông mà làm ẩu, từ chuyện cho mỳ ra tô, rồi cho thịt gà lên trên, chan nhưn và nước béo, rắc chút lá hành xắt nhỏ, sau cùng rắc đậu phụng giã giập.

Bà Mười bảo, khi thấy tô mỳ có đậu phụng là lúc đó mọi người có thể bưng ra ăn được rồi. Có khi chờ lâu, sẵn lò mỳ lá nóng hổi, khách vào bếp tìm hũ mắm cái rồi giằm thêm trái ớt, là có món mỳ lá mắm cái lai rai chờ mỳ tô. Đơn giản vậy thôi nhưng ai cũng hít hà khen ngon.

Khách của quán, hầu như ai cũng ngạc nhiên vì tô mỳ quá rẻ so với chất lượng. Khi có người hỏi: “Chắc chị bán mỳ cho vui chứ bán vậy sao có lời?”, thì bà Mười nói, đúng là vợ chồng bà bán mỳ vì sở thích và cũng có ý muốn giúp người ít tiền vẫn ăn được mỳ.

Ông Ánh nói thêm: “Chuối cây (làm rau sống) nhà trồng, gà nuôi, mỳ tự tráng… thì bán với giá như rứa là được rồi, miễn khách ăn vừa miệng và có khách lai rai là vợ chồng tôi vui lắm. Thu nhập không cao nhưng ở quê sống như vậy là đủ”.

CHÂU NỮ