Vấn vương chè dừa Cẩm Thanh
Tôi từng nhiều lần nghe bạn học kể về chén xí mà, tô cao lầu, bánh bao bánh vạc của người phố Hội. Thế nhưng, ẩm thực của vùng đất một thời là thương cảng này lại níu giữ hồn tôi bởi một món rất đơn giản, vừa quen vừa lạ: chè dừa nước Cẩm Thanh.
Tôi nhớ rất rõ lần đầu theo chân bạn về Hội An năm ấy và được hỏi: “Ăn chè dừa nước chưa? Má mình sẽ nấu đãi các bạn, đảm bảo không bao giờ quên”. Thú vị và ngỡ ngàng, đó là cảm xúc đầu tiên khi tôi thưởng thức từng muỗng chè.
Và đúng như lời bạn, tôi đã không bao giờ quên món chè dừa nước buổi chiều ngày hè năm đó. Chao ôi, ly chè như chứa trọn cả “thiên đường” quê hương với sắc trắng trong của cơm dừa, trắng đục của nước cốt dừa và màu vàng của đậu xanh. Đặc biệt, vị ngọt thanh của đường phèn hòa quyện vị bùi béo của dừa đã hơn 20 năm rồi vẫn còn vấn vương.
Sau lần về quê bạn chơi, rời khỏi Hội An, mỗi đứa chúng tôi thi thoảng cứ nhắc món chè dừa nước má bạn nấu ngày đó. Ấy vậy mà như duyên nợ, tôi lại được về công tác, sinh sống tại Hội An và thỉnh thoảng cùng cô bạn thưởng thức món chè dừa nước. Ngày nay, chè dừa nước được nấu quanh năm nhưng thời điểm bán chạy nhất vẫn là những ngày hè, khi nắng nóng đã trải khắp làng quê xứ Quảng.
Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà chè dừa nước Cẩm Thanh lại nổi tiếng, trở thành món ăn yêu thích của du khách gần xa và cả người dân bản địa. Hầu hết quán chè dừa nước tại Cẩm Thanh lúc nào cũng đông khách.
Không gian bên trong các quán đã xiêu lòng khách ngay từ thoáng nhìn đầu tiên bởi sự thanh lịch và mở ra cả khoảng xanh ngát rừng dừa nước trải dài. Du ngoạn trên những chiếc thuyền thúng, du khách có thể ghé lại bất kỳ quán chè dừa vừa “check in” cảnh sông nước Cẩm Thanh vừa thưởng thức vị ngọt mát lành được chế biến từ những trái dừa nước nho nhỏ.
Dù trải qua năm tháng, nhưng chè dừa Cẩm Thanh vẫn giữ nguyên cách chế biến dân dã, truyền thống. Chè gồm hai thành phần chính là đậu xanh và cơm dừa.
Đậu xanh vo sạch sau đó đem ngâm cho mềm, để ráo rồi trộn với tỷ lệ đường phèn phù hợp. Cho đậu vào xửng hấp chín, dùng cối tán nhuyễn, đánh cho bột đậu tơi lên sau đó để ra bát. Riêng dừa nước được người dân tách lấy cơm, để nguyên (nếu cơm dừa nhỏ) hoặc cắt thành từng miếng vừa ăn.
Sau đó cho vào thau và thêm một ít đường phèn, ướp trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Dừa nước sau khi đã ướp cho vào chảo, sên khoảng mươi lăm phút và đổ vào nồi nước dừa đang sôi (lượng nước dừa, độ ngọt tùy vào sở thích), không quên thêm vài cọng lá dứa tạo mùi thơm tự nhiên.
Tiếp tục nấu nồi chè chừng hơn hai mươi phút để vị ngọt thanh của nước dừa quyện vào cơm dừa.Lưu ý không nên nấu lâu sẽ làm cơm dừa nát, bay hết hương thơm.
Cuối cùng, múc hỗn hợp chè dừa nóng hổi ra ly hoặc chén; cho nước cốt dừa lên trên, thêm một ít đậu xanh là có thể thưởng thức. Ăn chè dừa thường dùng chén nếu thưởng thức chè nóng hoặc dùng ly nếu thích thưởng thức với đá bào.
Ai lần đầu tiên thưởng thức món chè dừa nước Cẩm Thanh sẽ bắt gặp nhiều cảm giác thú vị. Điều đặc biệt, chè dừa nước Cẩm Thanh không chỉ là món quà vặt tại chỗ mà mỗi ngày, từng gói chè được bọc cẩn thận theo tay du khách về làm quà cho người thân. Chè dừa nước Cẩm Thanh thực sự đã trở thành hương vị khó quên đối với nhiều du khách khi ghé thăm Hội An, nhất là những ngày hè tiết trời nắng nóng.