Hoài niệm món "lòng thả" dừa
Có lẽ với nhiều người đây là món lạ nhưng riêng tôi món ăn ấy gắn ký ức tuổi thơ quê xứ và bóng cha chỉ còn trong hoài niệm...
Cứ mỗi đận tới ngày mùa là lòng tôi lại da diết nhớ. Nhớ những đụn rơm vàng, nhớ những sân lúa thon thót chiều mưa dông. Nhớ cái lưng trần của cha cùng rơm rạ. Nhớ chiếc nón cời gãy vành của mẹ. Nhớ những đôi chân hớt hải chạy gom vội mớ rơm cho kịp tránh cơn mưa chiều. Và thương món “lòng thả” dừa thấm vị tuổi thơ từ cha.
Mẹ ngồi sàng sảy mớ gié lúa, bụi bám đầy đôi tay gầy guộc. Trời đứng gió, hầm hập. Mẹ bảo khéo ổng lại trở chứng, mớ lúa này chưa khô, mớ khác đã về chất kín cả cái sân nhỏ. Miếng khoai luộc chấm muối mè đã lưng bụng từ khi nào, réo rắt. Cha hỏi đứa nào ăn dừa không, cha hái. Bé út nhảy cỡn lên thích thú. Cha hái hẳn một buồng, bảo để dành chiều chất rơm làm “lòng thả”.
“Lòng thả” dừa của cha có hai loại, ngọt và mặn. Cũng chẳng biết món ăn này xuất phát từ khi nào, ai nghĩ ra. Chỉ biết với miền đồng quê nắng gió, những cây dừa được trồng cách nhau tầm năm mét, trồng từ vườn ra ngõ, từ ngõ dọc bờ mương. Dừa non uống nước, dừa dày kho cá, kho thịt, dừa khô ăn với bánh tráng hoặc ngào đường cho giòn tan ngọt lịm. Nhưng tôi thích nhất vẫn là món “lòng thả” dừa.
Có ông bán cà rem đi qua, cha gọi lại, đổi mớ tôn hạt mè đã cũ nát. Là vì cha mới lợp được mớ rạ thay mới cho chuồng gà, nên thừa ra những vụn tôn không thể tận dụng được nữa.
Mấy cuộn thép gai hoen gỉ cha nhặt lại hôm phát quang cây cối sau vườn, cả dăm chiếc dép đã được buộc dây thép mấy bận đến không thể mang được nữa. Ông cà rem nhẩm nhẩm rồi thả vào chiếc xô tầm chục cây cả thảy.
Cha chặt dừa, khoét một lỗ nhỏ cho nước chảy, rồi vung tay rựa bổ dừa làm đôi. Cha lấy chiếc muỗng nạy từng miếng thả vào xô cà rem, cơm dừa vừa ăn, mềm và ngọt. Tuổi thơ tôi cuốn vào vị thần tiên của kem hòa với nước dừa tươi, béo ngậy của cơm dừa.
Chiều, cơn dông ầm ì, sấm rạch ngang trời. Những đụn rơm được đưa lên cây vội vã. Anh hai ở tít trên ngọn, vừa đi vòng quanh, tay vung những lọn rơm đều đặn. Cha bảo tôi đi mua mấy cái bánh tráng, mẹ ra sau hè hái ít rau răm, giã vài hạt tiêu để sẵn.
Cha mạnh tay rựa, từng nhát vỏ dừa đều đặn rời ra, để lộ một khoảng trắng mọng. Lần này không phải thả dừa vào cà rem mà là tí muối tiêu, rau răm và dăm miếng bánh tráng bẻ vụn.
Vị ngọt tự nhiên của nước dừa, vị bùi của bánh tráng, cái thơm nồng của rau răm lẫn hạt tiêu. Miếng cơm dừa không quá non cũng không quá dày, mềm mượt, ngọt lịm nơi đầu lưỡi. Đây đúng là món ăn độc đáo và thú vị vô cùng.
Bẵng đi một thời gian, chẳng ai buồn ăn dừa nữa. Lái buôn đến vườn mua với giá rẻ mạt, người ta cũng thờ ơ thôi dọn cỏ, để mặc dừa cằn cỗi, xơ xác. Những cây dừa bị đạo ôn, ngọn cứ lụi dần rồi chết hẳn. Cũng như cha đã không chịu được sự khắc nghiệt của bệnh tật mà ra đi vào một ngày đầy dông gió, để lại trong lòng mỗi người thân nỗi nhớ khó phai.
Giờ thì nước dừa đã là sự lựa chọn hàng đầu cho những cơn giải khát. Loại nước tinh khiết tự nhiên có mặt khắp nơi, từ hàng quán sang trọng hay vỉa hè, nông thôn hay những khu du lịch nghỉ dưỡng. Nhìn những quả dừa bị vứt lăn lóc khi đã rút sạch nước khiến tôi chạnh lòng.
Phải chi như ngày xưa, cha tôi đã bổ đôi, nạo sạch cơm dừa, cho vài cọng rau răm cùng bánh tráng, rắc lên chút muối tiêu với món thần thánh: “lòng thả” dừa… Tôi quay người đi mắt cay xè, tháp thoáng bóng cha và hàng dừa ngày cũ…