Mùng Năm nhớ bún măng vịt
Dẫu đã trên 70 tuổi nhưng cứ mỗi mùa chợ Tết Đoan Ngọ, một mình ở quê má vẫn lụm cụm đi chợ từ sớm. Tết Đoan Ngọ thời hiện đại, ở hầu hết gia đình xứ Quảng vẫn còn niềm tin đó là ngày lành, bếp nhà luôn rộn ràng món ngon truyền thống. Tết Đoan Ngọ năm này má lại nấu món bún măng vịt.
Có lẽ không phải tự nhiên hay tình cờ mà ăn thịt vịt trở thành thói quen của nhiều nhà. Bước vào những ngày đầu tháng 5, khí trời trở nên oi bức, bây giờ cơ thể người thường xuất hiện một số bệnh do thời tiết gây nên.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt vịt có tính “âm và hàn” ăn vào mát, bổ dưỡng, có tác dụng quân bình nhiệt - hàn giữa trời và người. Vì vậy, ngoài tác dụng giúp giải nhiệt trong tiết trời đầu hạ nóng bức, các món vịt còn rất tốt cho sức khỏe.
Riêng bún măng vịt được điểm cộng so với các món khác chính là sự kết hợp độc đáo giữa bún tươi, thịt vịt, măng và các loại gia vị thường dùng. Nước nhưn trong và ngọt nhẹ, từng lát thịt vịt béo ngọt, có mùi thơm đặc trưng, măng tươi giòn ăn cùng sợi bún mềm và đủ loại rau sống, cảm giác ngon, đậm đà nhưng lại rất thanh vị, cuốn hút.
Trước đây khi chân tay còn khỏe má luôn có đàn vịt nuôi thả quanh năm ở vườn và con mương gần nhà. Đến sáng sớm Tết Đoan Ngọ, trong chiếc làn của má chỉ cần một túi bún to, thêm mớ măng chua, ngổ điếc… là đã có thể chế biến món bún vịt.
Sau những lần tôi mon men phụ má và rủ rỉ trò chuyện mới biết bún măng vịt ngon bắt đầu là do chọn được giống vịt cỏ - nuôi thả trên đồng ruộng. Giống vịt cỏ thường mỗi con chỉ hơn một ký nhưng thịt chắc và nhiều nạc, ăn lại thơm, giòn, ngọt.
Vịt phải “ăn già” tức đã trưởng thành, để món bún măng vịt đạt chuẩn thì phải chọn vịt từ sáu tháng trở lên, không ăn non như gà. Vịt sau khi đã qua các công đoạn sơ chế, rửa với chút rượu, muối, nước cốt chanh để khử mùi.
Cẩn thận còn có thể dùng tay lấy gừng tươi đập dập chà xát lên toàn bộ thân vịt trong khoảng vài phút rồi rửa sạch lại với nước. Bỏ vịt vào nồi nước sôi, canh lửa to, nêm chút muối, gừng và sả. Vịt luộc chín vớt ra không teo tóp mà căng mướt, da vàng óng, có mùi thơm đặc trưng.
Sau khi đã có nước luộc vịt, bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn với hành, tỏi bằm, nhanh tay cho măng vào xào. Nêm muối, nước mắm, đường cho vừa với khẩu vị. Măng đã luộc chín chỉ cần xào sơ khoảng vài phút cho măng thấm dầu và gia vị là được.
Trút hết phần măng vừa xào vào nồi nước luộc vịt, cho thêm tiết vịt đã cắt miếng. Nấu sôi nồi nước, nêm nếm lại gia vị một lần nữa. Cuối cùng cho bún ra tô, xếp thịt vịt lên trên, múc nước vịt có cả măng và tiết vịt chan lên, rắc thêm chút hành lá, rau mùi thái nhỏ và hạt tiêu.
Dọn món lên mâm kèm dĩa rau sống, thêm chén mắm gừng chấm vịt cho đậm vị. Món bún măng vịt điệu đà ấy vậy kể ra cách chế biến cũng chẳng cần cầu kỳ gì đâu, miễn là có kinh nghiệm và quen tay.
Bao năm rồi mà người làng tôi vẫn lấy bún măng vịt làm món “chủ lực” trong ngày Tết Đoan Ngọ nắng nóng. Đúng là tô bún măng vịt “ảo diệu” thật! Chỉ dăm phút sau khi ăn, mồ hôi lấm tấm trên trán, cảm giác mệt mỏi dường như tan biến mất.
Thế mới biết tại sao mấy đứa bạn xa quê mỗi lần điện về, sau phần “tương tư” nhớ nhà, thương quê là tới… đoạn chép miệng, Tết Đoan Ngọ này thèm món bún măng vịt quá mày ơi!