Dưới bóng cây bơ già
Dưới bóng cây bơ già sum sê ký ức, trái bơ với vị chân phương đã theo tôi, trở thành duyên nghiệp...
Cuối cùng, tôi quyết định trở về quê hương sau hơn mười lăm năm bươn chải ở đất khách. Nơi tôi chọn đặt móng nhà là một gốc bơ già cỗi đã chết cách đây vài năm. Tán cây bơ già đã từng ngả bóng mát cho đám trẻ chơi đồ hàng, nhảy lò cò, bắn bi… Đám trẻ ấy giờ đã thành cha mẹ.
Cạnh ngôi nhà, tôi dựng thêm một xưởng nhỏ - đó sẽ là nơi sấy bơ chín, ép dầu bơ, chế biến xà bông tự nhiên từ dầu bơ. Tôi phải dùng từ “sẽ” vì mọi thứ còn dở dang.
Bố cười an ủi “người ta quá tam ba bận, mình quá tam ba mươi bận cũng được, bé ạ”. Biết là vậy, mà tôi vẫn sốt ruột mỗi lần ra vườn, cứ vài bước chân lại giẫm bẹp một quả bơ chín già bị thương lái cố tình bỏ quên.
Vùng đất này vốn là điểm đến của người đi kinh tế mới vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Mẹ thút thít khóc khi thấy trước mặt là một cánh rừng, muỗi vắt lượn như rươi. Thấy nhiều người chết vì sốt rét, những người có tiền đã tiếp tục lên tàu di cư - đi tìm vùng đất hứa khác. Bố mẹ tôi ở lại, nguyên nhân duy nhất là… không có tiền.
Bố mẹ chỉ khai hoang, trồng vội khoai sắn lên một phần nhỏ miếng đất được Nhà nước phân phát. Phần lớn thời gian, họ đi làm thuê cho nhà khác, để lấy tiền mua gạo cho các con. Một lần, nhà chủ “đãi” bố mẹ bằng những quả bơ có trong vườn. Lần đầu tiên được thưởng thức, bố mẹ tấm tắc khen ngon, ăn xong còn xin hạt mang về nhà trồng. Cây bơ đầu tiên trong vườn mọc lên từ dạo ấy.
Đó là giống bơ sáp, vỏ mỏng, đầu quả bơ ngả tím khi gần chín. Phần cơm tách rõ ranh giới hai màu xanh và vàng. Xanh thì béo, vàng ngọt nhẹ. Thời ấy đói kém, đường sữa trở thành thứ xa xỉ.
Muốn ăn bơ thì chỉ cắt làm tư, bóc vỏ, bỏ miệng, cảm nhận vị béo ngọt tự nhiên. Có lần, mấy mẹ con “phát minh” ra món bơ chấm nước mắm. Thằng út ăn ba chén, nó khen, ăn cơm với bơ chấm mắm ngon hơn thịt.
Vài năm sau, tôi mới biết đến món bơ dầm đường hoặc sữa. Bơ dầm sữa, đập thêm tí đá viên là “đặc sản” vào những buổi trưa hè. Về sau, trong xóm có tivi, nghe trên tivi bên Tây có món bánh mì kẹp bơ, đám trẻ con cũng bắt chước, nằng nặc xin các mẹ một ngàn đồng mua bánh mì không.
Bơ dầm với đường cho nát, nhét vào ruột bánh mì đã chẻ đôi, chuyền tay nhau mỗi đứa cắn một miếng. Đứa nào cũng há miệng rộng để cắn được phần to nhất. Lớn lên, đám trẻ ấy vỡ lẽ, bơ bên Tây là loại bơ khác, bánh mì cũng là phải là bánh mì lát. Nhưng sao món bánh mì bơ “pha ke” từng hòa quyện ngọt ngào đến vậy.
Cây bơ sáp trở thành niềm tự hào của tôi mỗi mùa hè đến. Đám trẻ con tập trung dưới tán bơ, chia nhau những trái bơ còi - loại to bằng ngón tay cái nhưng vị rất ngon, hiếm khi có hạt. Sau mỗi lần ghé chơi, bọn bạn thể nào cũng được mẹ chia cho mỗi đứa một hai trái bơ già mang về vùi vào thùng gạo, háo hức đợi chuyển sang màu tím, bóp mềm tay là ăn ngay.
Còn nhớ, cây bơ bị tầm gửi bám dày trên ngọn trước lúc héo khô. Mùa hoa cuối cùng, đám hoa li ti màu vàng nhạt đua nhau rụng từng lớp, rồi đến lá, thân bắt đầu đen lại. Tôi buồn bã khi nhận ra sự rệu rã của cây bơ già. Bố hứa sẽ trồng lại cho các con một vườn bơ đầy trái.
Về sau, cả một dải đất được bố phủ xanh bằng giống bơ mới 034. Bây giờ, món bơ đã không còn chân phương như trong ký ức, mà được chế biến cầu kỳ. Salad bơ; bơ nướng trứng, phô mai, thịt xông khói; sinh tố bơ hay ke, bơ. Với salad bơ, sự hòa quyện cùng các loại củ quả tươi mát như cà chua, hành tây, thấm vị nước trộn chua ngọt đậm đà hấp dẫn.
Cầu kỳ hơn là món bơ nướng trứng, phô mai, thịt xông khói. Xẻ đôi trái bơ bỏ hột, thoa chút gia vị gồm muối, tiêu, dầu ôliu. Đập quả trứng gà ta vào trái bơ, xếp thịt hun khói xắt nhỏ lên trên rồi nướng khoảng mươi phút, sau đó rắc thêm phô mai, ngò rí nướng thêm năm phút là mùi thơm lan khắp nhà.
Cứ mỗi buổi chiều, khi mây trắng lờn vờn trên đỉnh núi Lubu màu bạc, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống, vườn trở thành một dải xanh ngắt bất tận chạy về phía núi, đẹp như bức tranh.
Ngắm nhìn bức tranh ấy, tôi biết ơn vì bố đã giữ lời hứa tưởng chừng qua loa khi xưa. Bố bảo người trồng cây chẳng bao giờ quên lời hứa của mình, vì đó là nhiệm vụ quay quắt cả đời họ, cũng như một cái cây xoay trở để mang lại trái lành. Tôi ngẩn ngơ, cũng đang nghĩ về một lời hứa.