Cánh đồng Ngô Cang

TIÊU ĐÌNH 15/05/2022 07:27

“Phước Đức gàu nan, Ngô Cang đan lờ”’, đó là câu nói để chỉ hai nghề truyền thống của làng Phước Đức và Ngô Cang thuộc xã Quế Châu (Quế Sơn) của chúng tôi một thời. 

Nghề đan lờ truyền thống ở làng Ngô Cang (thôn Phú Đa, xã Quế Châu, Quế Sơn). Ảnh minh họa
Nghề đan lờ truyền thống ở làng Ngô Cang (thôn Phú Đa, xã Quế Châu, Quế Sơn). Ảnh minh họa

Nghề đan lờ bắt đầu từ việc thả lờ bắt cá trên cánh đồng Ngô Cang, dần dần về sau mới phát triển thành thương hiệu chiếm lĩnh thị trường nhiều nơi. Cánh đồng Ngô Cang rộng hơn so với những nơi “ruộng kề chân núi’’ thường thấy ở vùng trung Quế Sơn.

Nguồn nước chính tưới cho cánh đồng xuất phát từ Hố Bềnh thuộc hệ núi Hòn Tàu. Nước từ cánh đồng Ngô Cang đổ xuôi về sông Ly Ly nên giữ được khá lớn lượng cá sinh sôi hằng năm. Ký ức tuổi thơ tôi cực kỳ sâu đậm với nhiều cách bắt cá khác nhau trên cánh đồng thân thuộc này.

Những xâu lờ được chuẩn bị treo sẵn ở mái hiên, chái nhà từ những tháng nắng. Khi cơn mưa đầu mùa thả nước về trắng đồng thì bất kể ngày đêm, chúng tôi phải tranh thủ bắt những con cá to từ dưới sông sâu, suối khe lên đồng để đẻ.

Đầu mùa thả lờ đón cá lên, cuối mùa thả lờ đón cá xuống. Nếu cá đầu mùa không nhiều nhưng thường con nào cũng to mập thì cuối mùa cá lớn, cá nhỏ, cá vừa… đều tìm mọi cách rời khỏi đồng để đến nơi trú ẩn an toàn trước khi mùa nắng đến. Bấy giờ chỉ cần đắp bờ giữ nước lại, rồi đột ngột trổ cạn là có bao nhiêu con đều theo dòng mà lọt vào miệng đó, miệng lờ...  

Cánh đồng Ngô Cang đẹp nhất là ở vào hai thời điểm: mùa gặt và sau gặt. Cánh đồng xanh mướt chuyển sang vàng lúa oằn trĩu, dịu nhẹ mùi hương theo gió thoảng. Những chi tiết quen thuộc này tôi đã từng dựa theo sách vở để mô tả trong bài tập làm văn khi còn học ở trường làng.

Cánh đồng Ngô Cang xưa chỉ gieo cấy hai vụ lúa. Do không làm chủ được nguồn nước tưới nên sau khi thu hoạch vụ đông xuân thì cánh đồng bị bỏ “phơi nắng” một thời gian khá dài. Đây là lúc các nhà trường cũng bắt đầu nghỉ hè nên trâu bò và trẻ con từ trên rừng, trường học tha hồ đổ xuống đồng để ngày đêm vui chơi đủ trò.

Thường thì chơi u u, đá bóng, thả diều, bắt châu chấu… đều gắn với việc chính là khoanh mũi thả trâu bò thoải mái gặm cỏ. Đứa nào không có việc cũng cố xin với cha mẹ đi hốt phân trâu bò để nhập hội. Nhiều khi mặt trời đã qua bên kia đỉnh Hòn Tàu, trâu bò đã nhớ chuồng mà cuộc vui, trận cười vẫn còn dây dưa.

Trời sinh thật thú vị, trên cánh đồng thỉnh thoảng lại thấy nổi lên một vài tảng đá to. Có tảng cao nhọn để luyện kỹ năng leo trèo mạo hiểm. Có tảng bằng phẳng, trải rộng để làm bàn ăn vặt hay ngồi nghe kể đủ thứ chuyện. Những đêm trăng sáng, nơi đây thường dành cho khán giả ngồi xem các trận bóng quyết định giữa đội bóng nhí xóm Mới và xóm Lò rèn.

Cánh đồng Ngô Cang vẫn còn đó, cho dù người xưa số còn số mất vô thường. Mà dường như cánh đồng không được thở hít sâu, ung dung và thoải mái như thời nào. Không còn mấy tảng đá đời người, không còn nhiều cá, trâu bò, trẻ con điểm xuyết những nét lạ cho một bức tranh đồng quê quen thuộc.

Mỗi lần nước từ Hồ Giang đổ về là người và máy móc như quíu chân, ồ ạt chạy đua với thời gian. Xong, lao động chính lại đổ vào những việc khác. Có phải cũng không còn được bao nhiêu người trẻ, người già đủ thanh thản tâm hồn trước khá nhiều áp lực cuộc sống để ung dung dạo ngắm cánh đồng?

TIÊU ĐÌNH