Hương vị quê nhà trong chén chè trôi nước của nội
(QNO) - Chè trôi nước của nội có lẽ là món ăn đọng lại trong tôi hương vị quê nhà đậm đà nhất. Hình như đó không chỉ là món ăn, mà là cái tình nội dành cho đứa cháu gái bé nhỏ. Chỉ cần được về nhà trong những ngày giá lạnh, được nhìn thấy nội, được ăn chè trôi nước của nội, thì dường như tôi chẳng còn gì ao ước nữa...
Khi những cơn mưa rả rích ùa về trên mái hiên, trời bắt đầu se se lạnh, món chè trôi nước của nội luôn là món ăn vặt ưu tiên hàng đầu của tôi, đọng lại trong tôi hương vị đậm đà và chỉ có thưởng thức những món ăn "nhà làm" như vậy, mới vực dậy tâm trạng không được thỏa mái của tôi.
Một “người lớn” ở tuổi 18 như tôi thường ngày thích lân la mọi ngóc ngách, ghé thăm từng vỉa hè để tìm kiếm những quán ăn vặt hiện đại với nhiều món khoái khẩu, nay phải lặng ngắm những cơn mưa nặng hạt giữa mùa dịch bệnh, hẳn cảm thấy khó chịu. "Ăn gì bây giờ?" vẫn luôn là câu hỏi tôi đặt ra mỗi lúc ngoài trời trở lạnh, và câu trả lời ưu tiên hàng đầu của tôi luôn là: “Món chè trôi nước của bà nội”.
Mỗi lần vòi vĩnh chè trôi nước, tôi luôn được nội đáp ứng ngay và tôi cũng lè kè xem nội làm. Để cho ra được chén chè thơm ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn. Trước tiên nội vo và ngâm nếp tầm 6 đến 8 giờ.
Mặc dù bột nếp được bày bán rất nhiều ở chợ, nhưng nội vẫn tự làm bột để vỏ bánh dẻo dai hơn. Ngày tôi còn bé, nội lấy nếp bỏ vào cối đá rồi hì hục giã, bây giờ công nghệ hiện đại hơn, nội cũng không còn khỏe nữa nên cho gạo nếp vào máy xay sinh tố xay thành bột.
Tôi thích nhất là bước nhào bột để làm vỏ bánh, nội đeo bao tay vào rồi cho bột nếp vào tô, bóp đều để bột không bị vón cục, cho thêm một chút muối để vỏ bánh mặn mà hơn. Sau đó, tôi giúp nội đổ nước ấm vào tô, đậy nắp và ủ chừng vài ba phút để bột nở đều.
Trong lúc chờ bột nở, bà cháu tôi hàn huyên tâm sự. Khi bột nở đều, tôi thường lăn xăn giành phần nặn vỏ bánh vì nom công đoạn này giống hệt trò chơi nặn đất sét ngày bé tôi từng mê mẩn. Mỗi cục bột bé tí được vo tròn lại, sau đó đè xuống cho thật phẳng. Nặn được chừng một mâm thì tôi lại lẽo đẽo theo nội ra sau bếp để chuẩn bị công đoạn tiếp theo.
Những ngày đông thế này chui vào bếp để cùng nội xào nhân bánh trôi thì không gì ấm áp bằng. Lần nào nhìn sang nền đất cạnh bếp củi, tôi cũng thấy một tô đậu xanh đã được nội ngâm sẵn, đặt trên miếng lá chuối từ lúc nào.
Đậu xanh có thể dùng làm nhân chay hoặc nhân mặn cho bánh trôi. Riêng tôi nghĩ, không gì có thể đậm đà hơn những chiếc bánh trôi nước nhân đậu xanh mặn được xào chung với hành tím phi giòn.
Nội tôi mang tô đậu xanh đã ngâm sẵn cho vào nồi bắc lên bếp luộc cho thật nhừ, sau đó cho vào cối giã nhuyễn trộn đều với chút nước, đường, muối, lẫn chút nước cốt dừa béo ngậy. Cuối cùng là cho dầu ăn vào chảo để phi hành tím, khuấy đều cùng với nhân đậu xanh đã chuẩn bị.
Tôi vẫn hay trầm trồ mỗi khi nhìn nội khuấy nhân bánh trong ánh lửa bập bùng, tựa như nội đang thắp lên ngọn lửa của tình yêu và giữ cho nó mãi ấm nóng trong gian bếp gia đình suốt mấy chục năm nay!
Nhân bánh trôi sau khi xào và viên thành từng viên thì được bọc với lớp vỏ thành những chiếc bánh hoàn chỉnh. Một chén chè trôi nước nhất định cần đến nước đường để dung hòa mọi thứ. Nội tôi hay dùng đường tán - loại đường quê tôi ai ai cũng có trong nhà vài bát, cho vào nồi đun sôi với nước, vài miếng gừng xắt lát mỏng.
Suốt thời ấu thơ cho đến tận bây giờ, tôi chưa từng được thưởng thức mùi hương nào ngào ngạt và ấm lòng đến thế. Dẫu có ở chốn thị thành xa xôi với bao nhiêu của ngon vật lạ, chỉ cần ngửi thấy mùi nước đường nấu với gừng của chè trôi nước, là tôi muốn gạt tất cả sang bên để về nhà.
Để hoàn thành chỉn chu một nồi chè trôi nước mất chừng một buổi chiều. Múc chè ra chén, nội không quên rắc lên ít mè đã rang thơm và giòn. Khoảnh khắc tôi mong chờ nhất là khi chiếc mâm đầy ắp những chén chè, trọn vẹn và đong đầy như chính tình yêu nội dành cho tôi.
Chè trôi nước phải ăn nóng mới ngon. Giữa tiết trời lạnh lẽo, hít hà mùi thơm của nước gừng, thổi nhẹ dăm ba hơi rồi múc một chiếc bánh trôi cho vào miệng, hương vị như vỡ òa và tan ra, cảm giác hạnh phúc xuất hiện.
Tôi thích chè trôi nước vì nó ngon, và vì đó là cả tấm lòng của nội gửi vào từng chén chè. Nội làm chè trôi nước mỗi khi tôi về thăm nhà hay chính hương đồng cỏ nội nơi chén chè đã dẫn dắt trái tim tôi quay trở về quê hương, nơi có gia đình sum vầy, tôi cũng không biết nữa.
Có lẽ tôi là một đứa trẻ may mắn vì vẫn còn được thưởng thức những món ăn mang đậm phong vị của tình người, phong vị của thôn quê xứ Quảng, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chỉ cần được về nhà trong những ngày giá lạnh, được nhìn thấy nội, được ăn chè trôi nước của nội, thì dường như tôi chẳng còn ao ước gì nữa...