Thương nhớ kẹo gừng tuổi thơ
Chị em tôi có một tuổi thơ dẫu thiếu thốn nhưng thật đầm ấm gắn với chái bếp, nơi mà ngày nào dáng gầy gò của mẹ cũng in bóng. Ở đó, bên những món ăn thường ngày, mẹ tranh thủ lúc rảnh rỗi việc đồng án lụi cụi nhen bếp, quạt lò, chuẩn bị những món ăn vặt được làm từ nguyên liệu vườn nhà, trong đó tôi thích nhất là kẹo gừng má làm.
Kẹo gừng - trong trí nhớ của tôi, là những lần chị em tôi lẽo đẽo theo má ra vườn đào gừng. Đấy cũng là thời điểm tiết trời miền Trung se se lạnh. Mùi hương nồng nồng, cay cay, thoang thoảng trong gió báo hiệu những ngày cuối đông đầu xuân. Giữa tiết trời se lạnh, vị cay cay của kẹo gừng má làm là sức hút mãnh liệt đối với chị em tôi.
Kẹo gừng má làm tưởng tuy dễ nhưng nếu không khéo, sơ ý sẽ mất đi hương vị ấm nồng của gừng và vị ngọt thanh nhẹ của đường. Gừng vừa đào lên, chọn những củ không quá già và không bị hư bên ngoài, rửa sạch đất bám trên vỏ, các khe và chân nhánh gừng. Tuyệt đối để nguyên củ gừng, không bẻ nhỏ các nhánh ra vì như vậy kẹo sẽ đẹp hơn.
Tỉ mẩn dùng dao nhỏ cạo hết vỏ, ngâm nước lạnh chừng vài giờ, sau đó vớt gừng ra xẻ làm đôi để xăm cho dễ. Bí quyết làm kẹo gừng củ ngon của má tôi chính là ở công đoạn xăm và luộc gừng.
Trước khi xăm phải xoa muối vào để gừng mềm. Trong quá trình xăm gừng phải vừa xăm vừa xả cho hết mủ thì gừng mới trắng. Có khi má tôi để nguyên củ gừng, dùng bàn xăm bằng sắt hoặc dùng cây kim xăm kỹ lưỡng vào củ, điều này giúp cho gừng dễ “ăn đường” no nê.
Gừng sau khi xăm phải mềm, nhưng không được nát hay cong queo, bỏ vào trong nước vẫn thấy căng phồng như lúc chưa xăm. Vừa xăm xong thả gừng vào bát nước đã cho một ít cốt chanh, mang ra phơi nắng độ vài giờ, xả nước lạnh thật kỹ, ép khô rồi đem luộc.
Khi luộc gừng phải cho thật nhiều nước để khi sôi, gừng tự đảo trong nồi theo sự cuộn tròn của nước để gừng chín đều. Cuối cùng ép gừng thật khô lần nữa mới bỏ vào rim. Má tôi dùng lửa than đỏ hồng để rim kẹo và cần mẫn múc từng muỗng nước đường tưới lên những củ gừng màu trắng vàng.
Mẻ kẹo gừng được chăm chút cho đến khi nước đường khô dần, vón lại trắng óng ánh quanh những củ gừng săn chắc. Khi kết thúc, trải kẹo ra mâm, dùng tay nắn củ gừng cho tròn giống củ gừng sống, sấy lại trên than vùi tro cho củ mứt hoàn toàn khô .
Ngày tháng trôi nhanh, đã bao mùa tháng Chạp đi qua, ba má cũng đã già rồi, chị em tôi lớn lên, trưởng thành cùng với món quà vặt kẹo gừng độc đáo có “một không hai” của má ngày nào. Chiều nay, cơn gió lạnh ngày tháng Chạp từ cửa sông hắt lên, trong hương thơm mùi gừng thoảng qua, tôi nhớ vô cùng bếp lửa hồng trong chái bếp nghèo ấm áp năm xưa, nơi có cha mẹ và cả em trai, nơi đầy ắp kỷ niệm một thời, như một cuốn phim quay chậm, day dứt.