Bánh sắn ngày mưa...
Khi tiết trời chuyển sang đông với những cơn mưa dằng dai và không khí trở lạnh, đột nhiên lại nhớ thức bánh “trứ danh” một thời bao cấp thiếu ăn: bánh sắn.
Tùy vùng, bánh sắn được gọi bằng những cái tên khác nhau, chỗ kêu bánh chập, nơi kêu bánh chẹp bẹp hoặc “lạc quan” hơn thì người ta kêu bằng... bánh hoan hô. Dù khác nhau nhưng những cái tên ấy đều xuất phát từ sự mô tả cách thức làm thứ bánh này: lấy một ít bột sắn khô đã nhào nước cho vào lòng bàn tay, dùng tay còn lại ép, nén, dập, chập, vỗ... làm cho miếng bột bẹt mỏng ra thành chiếc bánh.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, vì thiếu gạo nghiêm trọng nên khoai, sắn trở thành lương thực thay thế. Ở quê tôi, khoai ít sắn nhiều nên các bữa ăn đều quy vào... sắn. Vào mùa thu hoạch, những bữa “cơm” toàn sắn tươi được chế biến nhiều cách: luộc nguyên củ, cắt lát hấp với hành lá, mài với nước rồi lắng lấy bột gói lá chuối đem hấp, hoặc bào sợi nấu với hến để cho ra một cái món nửa như cháo nửa như canh... Hết mùa, những bữa “cơm” lại luân phiên với sắn lát phơi khô: hết hấp lại luộc, hết luộc lại hấp.
Cho đến khi mùa chuyển sang đông, mưa lũ trắng trời thì sắn lát khô thường được đem xay bột để làm bánh chẹp bẹp. Sở dĩ bánh chẹp bẹp thường được làm vào mùa đông là bởi nó có thể vừa làm vừa ăn ngay trong bếp, nóng sốt và ấm áp vô cùng. Bắc một nồi nước lên bếp, đun cho vừa sôi tới thì ép bánh thả vào, vừa thả vừa dùng đũa khuấy nhẹ để chúng không bị dính vào nhau. Chỉ khoảng 5 phút kể từ lúc cho vào nồi là bánh chín, dùng vợt vớt ra chiếc rổ tre để bên cạnh, cả nhà ngồi quây quần quanh bếp lửa, vừa gắp bánh vừa thổi cho bớt nóng, rồi chấm vào chén mắm cái pha loãng để ăn...
Ngoài ra, bánh chẹp bẹp thường được làm vào mùa mưa là bởi lúc này ruộng đồng nhiều tôm cá. Ăn bánh luộc chấm mắm cái “chay” thì dễ ngán, vậy nên làm món bánh sắn nấu cá đồng. Cá đồng, thường là cá lóc, làm sạch vảy đem luộc, tuốt thịt ra riêng đem um lên với ít dầu phụng và hành lá rồi đổ phần nước cốt (được làm từ xương cá giã nhuyễn gạn qua nước luộc cá) vào, nêm nếm cho vừa miệng. Công đoạn cuối cùng là cho bánh sắn đã luộc xong trước đó vào nồi cá, đảo đều, để lửa liu riu một lúc cho bánh “bắt” nhưn, thấm gia vị thì dọn ra ăn.
Bánh sắn nấu với cá đồng, vị hăng nồng cố hữu của sắn bị át đi, chỉ còn lại cái bùi bùi hòa quyện trong cái béo của dầu phụng, cái tanh ngọt của cá, mùi thơm ngây ngây của hành lá, vị cay giòn của ớt tươi... Bưng bát bánh sắn nấu cá nóng hổi trên tay, vừa hít hà vừa ăn vừa nhìn ra ngoài trời mưa lạnh, những thương khó cơ cực hay giấc mơ cơm trắng cũng phần nào nguôi ngoai!...
Bây giờ sắn chủ yếu dành cho chăn nuôi. Muốn có ít bột sắn khô để làm bánh chẹp bẹp thì phải về quê tìm, đặt mua, nhưng không phải lúc nào cũng có. Ở quê bây giờ thỉnh thoảng cũng có người làm bánh chẹp bẹp, nhưng không phải để ăn no mà là để ăn chơi - ăn để thay đổi khẩu vị, để hồi niệm về một thời những bữa cơm thường ngày chỉ toàn là sắn. Mấy hôm nay trời mưa, không khí lại se se lạnh, chợt nhớ da diết góc bếp quê nghèo của mẹ ngày nào, nơi mà cả nhà cùng quây quần ăn bánh sắn thay cơm...