Thịt heo kho cà na
Mỗi khi nhà có thịt heo, bao giờ mẹ tôi cũng kho với những thứ khác như: mít non, cà na, chuối chát, măng, khế… Quê tôi gọi đó là thịt kho độn, vừa tiết kiệm lại vừa ngon miệng.
Trái cà na chín là thức quà sạch được hái về từ trên núi, thân hình bầu dục nhọn, to gần bằng đầu ngón tay cái. Lớp vỏ cà na trơn láng căng mịn, màu xanh nhạt, có vị chua và chát. Mẹ rửa sạch rồi đem luộc, cho ít muối hạt vào nhằm hạn chế vị chua, chát. Sau đó, dùng dao khía dọc bóc lấy phần vỏ. Thuở bé, tôi thường lấy hạt cà na chẻ làm đôi, dùng gai khui phần nhân bên trong để ăn có vị bùi bùi rồi đóng xuống nền đất để tạo thành hình trái tim, hoa thị... Thịt heo quê thì không gì sánh bằng, mẹ chọn thịt ba chỉ đem rửa sạch, để ráo rồi xắt lát thành từng miếng vừa ăn, ướp các loại gia vị.
Bắt chảo lên bếp, phi nén rồi cho thịt vào kho tầm 10 phút để thấm đều, sau đó cho cà na vào xào, đổ ít nước, vặn lửa liu riu, sôi lúp búp, lúc này từng miếng cà na bắt đầu mềm mại, dậy mùi. Khi ấy, cả không gian ngậy lên mùi thơm của dầu phụng, của nghệ tươi, của nén hòa quyện cùng hương vị đặc trưng của cà na lan tỏa khắp nơi. Nhắc nồi thịt kho cà na ra khỏi bếp, mẹ đảo đều tay, rồi bài trí ra dĩa, rắc thêm nắm lá hẹ, lá nghệ, ngò tây hoặc lá gừng đã được thái nhỏ lên trên cho thêm phần hấp dẫn. Chính hương vị này đã tạo nên “linh hồn” của món ăn.
Theo kinh nghiệm dân gian, ngoài làm thức ăn, cà na còn có tác dụng giải độc, chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm. Ngoài ra, trái cà na tươi còn có hàm lượng canxi cao, phốt-pho, sắt và vitamin C nên là thức ăn rất thích hợp với trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai, những người trung cao niên cơ thể bị suy nhược và là bảo bối cho cánh đàn ông khi say rượu.
Thưởng thức món dân dã đậm chất quê, lòng tôi như nhắc nhớ những kỷ niệm nghèo khó của thời xưa cũ. Và tôi, tiếp bước mẹ, dù đã có gia đình riêng nhưng trước khi vào bếp, tôi rảo bước sau vườn kiếm tìm những sản vật quê nhà để bữa ăn thêm đậm vị.