Ấm nồng nước sả chanh
Trong màn mưa bay bay, cái màu đất như sậm vàng hơn và càng bám chặt vào những củ sả căng tròn. Cẩn thận cắt bỏ gốc sả chi chít rễ con, gỡ hết các bẹ lá bọc ngoài, rồi ngay ngắn đặt từng bó trên nền sân gạch, với giọng qua hàng chè tàu: “Thím để đây tí con mang vào nấu nước chanh sả giải độc, giải cảm nhé!”.
Nhà tôi chỉ cách nhà thím chồng một khoảng sân nhỏ. Mỗi lần nghe mùi thơm của sả, chanh từ chái bếp nhà thím theo mái tôn thoảng qua là biết chắc bên đó chú hoặc các em đang bị cảm. Ngay từ ngày mới bước về làm dâu, thím đã biết tỏng tôi ghiền món nước sả chanh nên mỗi lần nấu thế nào cũng ới tôi qua.
Và tôi còn nhớ rõ cái cảm giác chộn rộn sáng sớm nay, vừa thức dậy, cả người uể oải chưa muốn rời khỏi giường đã nghe hương thơm nồng nàn mùi sả, chanh vừa chín tới. Như thường lệ, định chạy sang thím để được chia phần cứ như thể chỉ cần chậm một chút, cái nồi nước to đùng ấy sẽ hết.
Nhưng chợt giật mình cả khu phố đang trong diện cách ly vì Covid-19, vậy là đành chịu. Nhưng như đi guốc trong bụng tôi, thím đã “kịp” gửi cho tôi dăm bó sả, vài quả chanh vậy là tha hồ mà nấu uống phòng cảm cúm, nhất là dịp tiết trời đang bước dần chuyển sang thu.
Sả là loại cây dễ trồng, một năm có thể trồng hai vụ, thích hợp với nhiều loại đất. Nhưng kể từ khi khúc sông quê tôi trở thành điểm du lịch hút khách, quán cà phê, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng… mọc lên san sát, cả khu phố duy chỉ nhà chú thím còn được mảnh vườn nhỏ trồng các loại cây trái.
Nhờ vài lần lăng xăng phụ thím nấu nước sả chanh mà tôi học được nhiều bí quyết, bắt đầu từ quy trình trồng sả. Sả tuy dễ trồng nhưng để đạt chất lượng cao, tụ nhiều tinh dầu phải đảm bảo một số kỹ thuật trồng như cần được vun gốc kết hợp bón thêm phân hữu cơ sinh học, gốc sả càng già càng có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn.
Trong căn bếp của thím lúc nào cũng có sẵn đường phèn. Thím cho lượng đường phèn vừa đủ vào nồi nước. Trong khi đợi nồi nước đường sôi, thím tranh thủ rửa sạch sả, loại bỏ hết lá, đập dập rồi cho vào nồi. Nấu nồi nước sả chanh không được quên thêm vài lát gừng đã cắt sợi. Nồi nước sôi chừng mươi phút tắt bếp rồi từ từ cho vào từng chén. Vài ba phút sau cho một lượng nước cốt chanh vừa uống vào.
Tôi thích ly nước trà sả chanh nóng hổi của thím ngay từ lần nhâm nhi đầu tiên, vị ngọt thanh vừa đủ, không gắt không ngán, thơm nồng nàn. Đặc biệt, nước sả chanh còn được xem như là một vị thuốc quý vì cả sả, chanh và gừng đều chứa chất có khả năng diệt khuẩn, giải độc, giúp tăng tiêu hóa.
Chiều nay, tiết trời xứ Quảng chuyển mùa lạnh se se, ngồi trong gian bếp nhỏ vừa nghe mưa rả rích rơi trên ô cửa, vừa thưởng thức ly nước sả chanh mà nghe lòng ấm áp...