Cơm nắm mo cau
Sáng nay, tôi dậy sớm, nằm nghe mưa và mắt ngó nghiêng cây bông giấy trên ban công nhà hàng xóm, tự nhiên bỗng thèm ăn cơm nắm quá chừng.
Tại trời mưa chi vào lúc sáng sớm như này làm cho những người xa quê lại tràn nỗi nhớ quay quắt. Nhớ hồi anh em tôi còn nhỏ, cứ thích ăn cơm nắm. Mà chỉ thích mỗi cơm được gói trong cái mo cau. Mỗi lần mấy anh em quây quần lại, rút cọng dây chuối, mở gói mo cau thơm lựng mùi cơm mẹ nấu đều cảm thấy mình đang sắp bước vào một cuộc phiêu lưu xa nhà.
Hồi đó mỗi buổi trưa mùa cau rụng lá, anh em tôi hay ngồi trước ngõ vừa chơi vừa chờ chiếc bẹ cau vàng khô rơi xuống, lựa lấy cái bẹ thiệt đẹp; thích cái bẹ cau có nhiều vân, màu vàng nhạt vàng đậm loang ra, chọn kỹ rồi cắt thành cái mo.
Buổi tối, mẹ tôi ngồi tước bớt cho mỏng. Sau đó, mẹ cất cái mo được tước mỏng trong kệ bếp. Anh em tôi háo hức chờ đợi tới sáng mai. Mẹ tôi làm cơm nắm rất ngon. Mẹ nói muốn cơm nắm ngon, tức là phải rất mềm mịn, chứ không thể còn những hạt cơm lổn nhổn. Nên đầu tiên là cơm phải thật dẻo, có thể hơi nát một chút, rồi đến cách nắm của từng người.
Hai bàn tay người nắm phải vò cơm cho đều, rồi nắm theo hình mà mình thích. Tôi thích nắm cơm dài dài một chút; anh tôi lại thích tròn tròn như cái bánh. Trước khi nắm, mẹ thường nhúng mo cau vào nước cho mềm; rồi cho cơm vào bẹ cau. Tôi thích mê mùi thơm của cơm nóng quyện với mùi mo cau thoảng thoảng. Đó là thứ mùi thơm ngon lành và vô cùng no đủ.
Mọi người thường ăn cơm nắm với muối mè. Còn tôi thích ăn cơm nắm với nước mắm nướng. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in mùi nước mắm tự tay mẹ tôi làm, được bỏ trong vài lớp lá quế tươi, đặt trên bếp than hồng. Trời ạ, thơm đến lạ kỳ. Mùi thơm từ lá quế, từ cơm nóng gói trong cái mo cau, mùi thơm từ nước mắm được nướng trên than hồng quyện vào nhau trở thành thứ hương vị không thể nào quên được. Nghĩ thôi cũng đã thấy thèm. Giữa những tất bật và xôn xao phố thị, tôi vẫn thương về miền Trung, thương về chiếc mo cau in dấu tuổi thơ lấp lánh. Trong cơn mưa Sài Gòn.