Mùng 3, rảo bước chợ quê

HOÀNG LIÊN 30/01/2020 11:18

Trên khắp rẻo đất xứ Quảng, những phiên chợ cầu may đầu năm phần lớn đều họp vào sáng mùng 3 Tết. Tuy các phiên chợ chưa đông đúc như thường nhật, các mặt hàng được bày bán không nhiều, nhưng theo cư dân bản địa sẽ mang lại sự may mắn, mạnh mẽ trong năm mới...

Một góc chợ quê Hòa Mỹ sáng mùng 3 Tết.  Ảnh: HOÀNG LIÊN
Một góc chợ quê Hòa Mỹ sáng mùng 3 Tết. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Từ 5 giờ sáng, các bà, các mẹ người thì tranh thủ quang gánh với rau quả, trầu lộc, cau buồng; người thì bưng mớ rau, mớ cá; người thì chở, gánh những bao nông sản gồm dưa leo, khổ qua, bắp nếp ngọt, nông sản được trồng trên bùng biền ven sông Vu Gia ra chợ Hòa Mỹ (xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) bán.

Phiên chợ đầu năm ở xã Đại Nghĩa diễn ra rất sớm và chỉ đông trong vòng vài tiếng đồng hồ rồi tan. Cả người bán lộc, bán cái may mắn lẫn người mua ai nấy vui vẻ, giá cả thuận bán vừa mua, bởi ai cũng muốn mua may bán đắt.

Như thường lệ, nhiều người đến chợ trước tiên tìm đến những mẹt trầu, cau chỉ để mua lộc. Trầu lộc được các bà, các mẹ chọn lựa rất kỹ càng, mỗi nhánh lộc 3 - 5 lá, tươi xanh, nõn nà trong sương sớm. Có cả chục người bán cau quả, trầu lộc rải rác quanh chợ.

Những cô gái đến chợ cũng không quên ghé những mẹt chứa đầy muối sống được chia thành những bịch nhỏ để mua một bịch với giá 3 - 5 nghìn đồng như để mua sự mặn mà, cái duyên, cái sự đằm thắm trong năm.

Từ chợ Hòa Mỹ, rảo qua chợ Phú Thuận (xã Đại Thắng, chợ lớn vùng B Đại Lộc) hay lên phà đầu năm sang bên kia là chợ Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên), những phiên chợ đầu năm cũng đầy ắp tín ngưỡng cầu may của cư dân bản địa.

Cụ Huỳnh Thị Hai (76 tuổi, sống gần chợ Phú Thuận), tuổi già nhưng vẫn giữ thói quen cứ đến sáng mùng 3 là dậy thật sớm ra chợ rảo bước mua được nhánh trầu lộc, vài quả cau cho bằng được.

“Đã là lệ rồi, mấy chục năm qua tôi vẫn giữ thói quen đi chợ mua lộc, mà không chỉ tôi, nhiều người già, người trẻ ở quê cũng hay đi chợ mua lộc. Trầu lộc, cau lộc hay muối, cá tràu đều được xem là lộc tài đầu năm, ít tôi cũng phải mua cho bằng được các thứ ấy” - cụ Hai chia sẻ.

Vượt đèo phường Rạnh - vùng phân chia ranh giới giữa hai huyện Duy Xuyên và Nông Sơn, sau gần chục cây số chạy xe máy, chợ Trung Phước (Nông Sơn) cũng hiện ra trước mắt.

Phiên chợ cầu may đầu năm ở vùng này cũng chỉ tấp nập người bán hoa quả, trầu cau lộc, muối lộc và cá sông... Người xứ Quảng quan niệm, đầu năm kiêng kỵ ăn những món ăn kém may mắn như trứng, tôm, cua, ăn những món ăn đắng, chát, chua, cay nên những phiên chợ cầu may cũng sẽ vắng những loại này.

Để đến chợ sớm, các bà, các mẹ vùng này phải chuẩn bị ngay từ chiều tối mùng 2 Tết các vật phẩm như trầu nhánh ngụ ý chỉ tài lộc, rồi mớ cá đánh bắt từ sông có thể của người thân trong gia đình đánh bắt từ đêm mùng 2 Tết hoặc có thể mua lại của các vạn đò để đi chợ bán kiếm lời.

Người dân thượng nguồn sông Thu vùng Duy Xuyên, Nông Sơn còn cố gắng tìm mua cho được một ít cá mương vào phiên chợ đầu năm, bởi quan niệm của vùng là cá mương rất mạnh mẽ, may mắn quanh năm (có câu “mương may chày rủi”, nghĩa là ăn cá mương thì may, ăn cá chày thì rủi).

Người Việt quan niệm, năm mới, ai nấy thong dong đi qua “ba ngày tết, bảy ngày xuân” để cả năm được thong dong, hanh thông. Trong thời gian này, nhiều người cũng lựa ngày lành để khởi sự, để “mở hàng” công việc đầu năm, kể cả người buôn bán ở chợ cũng tranh thủ bán “mở hàng” sáng mùng 3 Tết. Không biết tự bao giờ những phiên chợ vào sáng sớm mùng 3 Tết đã trở thành những phiên chợ cầu may mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng.

HOÀNG LIÊN