Ký ức cơm cháy
Bao năm rồi tôi vẫn không quên được mùi vị ấy, mùi của khói củi rừng, lá cây khô, vị của lúa gạo đồng quê, nắng mưa quyện hòa trong miếng cơm cháy vàng giòn của tuổi thơ thôn dã.
Giữa nhịp sống đủ đầy tiện nghi, đôi lúc lòng quay quắt thèm hương vị chất phác của những năm tháng bếp than đỏ lửa, khói lơ đãng bay là đà chái bếp. Nhớ một thời cơm cháy, tôi lại bồi hồi nhớ cái chum gạo cũ được cha kê phía dưới bốn hòn đá nhỏ, nhớ bóng mẹ lụi cụi hắt trên vách nhà lem nhem bồ hóng, lủng lẳng gióng tre. Miếng cơm cháy thảo thơm nào chỉ đơn thuần là những hạt cơm đáy nồi quá lửa, mà đâu đấy chứa đựng cả những buồn vui trong veo thời tôi còn non nớt, lưu giữ ký ức ngôi nhà cũ bàng bạc màu thời gian…
Đó là những năm tháng mẹ tôi còn nhọc nhằn vào rừng cây sau làng gom lá khô, củi mục về chất vô góc bếp, nhóm lửa thổi cơm. Khi cơm bắt đầu sôi ùng ục, mẹ giở nắp ra khuấy đều, chờ cơm cạn nước. Trong lúc chờ, mẹ gạt bớt lửa rồi đậy nắp lại đến khi cơm chín. Những buổi đi học về sớm, tôi hay xuống bếp chờ mẹ múc cho chén nước cơm nóng hổi, rắc vào đó chút đường cát ngọt lành. Chén nước cơm thảo thơm mùi gạo, mùi khói, tôi vừa thổi vừa húp xì xụp. Biết con thích ăn cơm cháy, mẹ dùng que sắt gắp vài cục than nóng đỏ đặt lên nắp nồi, hạt cơm cháy sẽ vàng giòn, mà cơm không bị khê.
Khi mâm cơm được dọn ra, bao giờ tôi cũng háo hức đợi khi nồi cơm gần hết, sẽ được ăn cơm cháy mẹ vét ở đáy nồi. Mẹ trộn muối với ít đường, rắc thêm đậu phộng rang đã bóc vỏ và giã thành hạt nhỏ, giòn rụm, thành món muối đậu ăn với cơm cháy. Miếng cơm cháy khi còn nóng vừa giòn vừa bùi bùi, màu vàng đượm. Nhớ những ngày thơ ấu ham chơi, đến giờ cơm, mẹ sai chị tôi ra bãi đất trống ngoài đồng gọi tôi về, bao giờ chị cũng dọa: “Về ăn nhanh chứ hết phần cơm cháy!”. Bây giờ, mỗi lần hồi tưởng lại những ngày tháng ấy, tôi thương đến nao lòng bàn tay mẹ dồn sức vét cơm, thương tiếng chị gọi từ xa, bóng ngả hanh hao giữa nắng chiều…