Nồng nàn hương xuân

TRIÊU NHAN 04/02/2019 05:49

Những hương rượu đặc trưng xứ Quảng ngày xuân như rượu sim Trà Đức - Đại Tân, rượu nếp than xã Dang (Tây Giang) góp phần cho xuân thêm ý vị…

Ông Nguyễn Bình có thâm niên 20 năm nấu rượu nếp Trà Đức theo kiểu truyền thống.  Ảnh: Triêu Nhan
Ông Nguyễn Bình có thâm niên 20 năm nấu rượu nếp Trà Đức theo kiểu truyền thống. Ảnh: Triêu Nhan

Bạn đã thử chưa, rượu nếp Trà Đức - tên của ngôi làng sát núi xã Đại Tân? Thức rượu quê kiểng nồng đượm hương vị độc đáo này lâu nay được chế biến từ giống nếp tiêu, nếp mỡ, nếp mù u có chất lượng cao. Thôn Trà Đức có ông Nguyễn Bình (ngoài 80 tuổi) đã 20 năm kinh nghiệm nấu rượu ngon, hương nếp còn nguyên, không chê vào đâu được.

Ở thôn Trà Đức và Mỹ Nam (Đại Tân, Đại Lộc) còn có loại rượu sim với nguyên liệu là trái sim rừng ủ, ngâm với đường cát (hay đường phèn) hoặc rượu gạo nguyên chất đem lại hương vị rượu vang thiên nhiên.

Mùa sim Đại Lộc bắt đầu từ khoảng tháng 6 tới tận tháng 9, tháng 10 âm lịch. Những đồi sim bạt ngàn của vùng Khe Tân (xã Đại Tân, xã Đại Chánh), ở Bằng Am - Khe Lim (Đại Hồng)  rất được mùa. Trái sim mọng được rửa sạch, cắt bỏ tai, để ráo, cho vào hũ sành, cứ một lớp sim rắc một lớp đường cát, để lên men tự nhiên trong khoảng 3 tháng, tạo vị  rượu si rô ngọt thanh, màu tím đỏ cay nhẹ, nồng nàn.
Các mẹ, các chị còn làm rượu sim theo công thức khác. Sim sau khi để ráo, dùng bao tay bóp nát trước khi cho vô hũ sành với tỷ lệ 1kg sim + 1kg đường cát trắng; đậy nắp kín, chờ lên men, ủ khoảng 2 tháng cho ra lớp nước mật gọi là mật sim màu hồng, uống có vị chua ngọt. Có thể thêm rượu nguyên chất vào để tăng hương vị cho hũ rượu với tỷ lệ 1 sim + 5 rượu. Không chỉ ngày tết, thức rượu này hay được sử dụng quanh năm như một vị thuốc chữa bệnh đường ruột, dạ dày, chữa trị các bệnh liên quan tiểu đường, thiếu máu, gút, theo kinh nghiệm dân gian. Vào mùa sim chín, đặc biệt là ngày tết, hai thôn Mỹ Nam và Trà Đức, nhà nào cũng có những hũ rượu sim, vừa để uống, vừa để biếu.

Ở vùng cao Tây Giang, ngoài rượu tà vạt, rượu tr’din, rượu ba kích, đẳng sâm thì có một loại rượu được chế biến tự nhiên từ cây nếp than, tập trung nhiều nhất ở xã Dang. Công đoạn chế biến loại rượu này cũng khá công phu, từ chọn nguyên liệu, ủ men, chưng cất, đem rượu chôn sâu dưới lòng đất, qua 1 - 2 tháng mới có thể sử dụng được. Gạo nếp than còn được gọi là “bổ huyết mễ”, là một loại gạo có thành phần dinh dưỡng, hàm lượng protein và chất béo cao gấp nhiều lần các loại gạo nếp dinh dưỡng khác, chứa tới 8 loại axit amin cùng carotene và các nguyên tố vi lượng cần thiết, rất tốt cho phụ nữ sau sinh, người gầy muốn tăng cân, người có bệnh tim mạch hay cao huyết áp. Dịp lễ, tết, đồng bào thường nấu xôi nếp than và rượu nếp than để đãi khách.

Ở xứ rượu hồng đào, có nhiều thứ rượu nồng nàn, dân dã góp phần tạo nên hương vị cho tết. Nhấp một chút rượu nồng cùng với bánh, mứt gừng hay đĩa tré, trưởi, cảm giác thật tuyệt. Nhưng “rượu ngon phải có bạn hiền”. Cầu trong hương xuân, ai cũng có tri kỷ để niềm hân hoan thêm trọn vẹn.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN