Bánh tráng đập
Thói quen của tôi mỗi khi đi học về là chạy ngay vào bếp, thể nào cũng có bà tôi đang ngồi bên lò tráng bánh và dành sẵn cho tôi những tấm bánh ướt còn bốc hơi trên miếng nẹp tre. Tôi lấy thẩu mắm nêm mẹ làm sẵn rót ra chén. Và thế là cái bụng đói cồn cào của tôi thôi... gào réo! Nhìn thấy tôi ngồi nhai bánh ngon lành bà lại cười hiền và nhắc chừng tôi ăn từ từ kẻo nghẹn. Bà hay kể ngày xưa bà còn khỏe, bánh tráng xong, bà cho vào gánh quảy đi bán để nuôi mẹ và dì Út ăn học. Ông tôi mất trong chiến tranh nên mỗi mình bà tần tảo nuôi con. Ngày trước, món bánh tráng đập của bà là món được nhiều người ưa chuộng và cũng là món quà quê quen thuộc của trẻ con trong làng.
Nguồn: internet. |
Bà kể, có hôm bán ế ẩm bà lại quảy xuống chợ, đường xa nhưng được cái bà con dọc đường mua giúp để ăn giữa buổi. Món bánh tráng đập của bà làm khá đơn giản, chỉ cần chập miếng bánh ướt lên bánh tráng mỏng giòn rồi dùng tay ép đập nhẹ cho dính lại là có thể xé quấn chấm với mắm nêm bà pha sẵn ở nhà. Mắm bà làm rất ngon, chỉ có mẹ tôi là người duy nhất làm được hương vị y như của bà vậy. Mắm cá cơm trộn chút dứa bằm nhỏ thêm ớt tỏi, đường và đậu phụng giã nát. Đặc biệt để mắm dậy mùi rồi phi thêm dầu phụng với tỏi trộn chung vào tạo cho mắm có mùi thơm ngào ngạt khó cưỡng. Khi nếm mắm nêm, đầu lưỡi đã cảm nhận ngay được vị cay cay ngòn ngọt và beo béo của đậu phụng quyện với miếng bánh giòn rụm nghe tuyệt vời trên cả tuyệt vời! Với tôi, ít có món nào đậm đà hương vị quê như món bánh tráng đập mắm nêm do bà tôi chế biến.
Khi bà tôi già yếu, mẹ tôi lại thay bà quảy gánh đi bán bánh tráng đập. Dì Út ở nhà phụ bà tráng bánh. Có hôm tôi thấy bà la rầy dì Út vì pha bột không đúng liều lượng làm bột bị loãng, bánh tráng không đạt chất lượng. Những tưởng công việc tráng bánh không có gì khó nhưng hóa ra không phải vậy, nó đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mẩn mới tạo được những sản phẩm thơm ngon. Ngày còn bé, tôi thường hay giúp bà lấy củi cho vào bếp lò. Bà bảo với tôi rằng, muốn bánh ngon thì không được xem nhẹ khâu nào, ngay cả gạo cũng cũng phải chọn lựa kỹ càng. Ngày ngày bà vẫn ngồi bên bếp lò thầm lặng như vậy, tay vẫn đều đặn tráng từng chiếc bánh. Tôi luôn hình dung những gì bà suy nghĩ khi đang tráng từng chiếc bánh đều tăm tắp...
Khi bà mất vì tuổi cao sức yếu, mọi thứ đều được mẹ và dì Út tiếp nối giữ nghề. Mẹ trở thành người thay bà ngồi vào vị trí ấy, vẫn nét mặt thầm lặng trong tiếng tí tách của than củi. Mẹ cũng như bà điềm tĩnh và nhẫn nại dù những giọt mồ hôi vẫn rịn ra từng dòng mặn chát.
Rồi dì Út tôi đi lấy chồng. Dì theo chồng về sống ở làng xa và mang theo cái nghề tráng bánh được bà truyền dạy, chỉ có khác là dì không còn vất vả tráng bánh bằng bếp lò vừa vất vả vừa nóng bức như bà và mẹ. Dì sắm hẳn một cái lò tráng bánh bằng điện, rất gọn nhẹ mà tráng bánh được nhanh hơn. Dì bày biện chiếc bàn nhỏ và vài chiếc ghế ở chợ quê làm nơi bán bánh tráng đập cho bà con đi chợ quê ghé vào lót bụng trước khi trở về nhà. Thi thoảng tôi theo mẹ sang nhà dì thăm chơi, được dì đãi món bánh tráng đập. Nhiều người bảo bánh của dì thơm ngon nhưng tôi vẫn thấy bánh do bà tráng ở lò bếp than vẫn ngon hơn. Không biết có phải vì tôi quá yêu góc bếp ấy với dáng người gầy gò của bà mà thiên vị? Đám trẻ con ở làng tôi dần lớn lên, chúng tôi có quá nhiều món quà vặt để lựa chọn. Nhưng với tôi món bánh tráng đập chấm mắm nêm của bà và mẹ vẫn đọng mãi trong ký ức để mỗi lần đi đâu đó xa quê, nhắc món bánh tráng đập tôi lại thấy mình như đang ở quê nhà, trong căn bếp ấy với bà và mẹ như ngày còn bé…
THIÊN ÂN