Những mùa đót cũ
(QNO) - Ký ức ùa về trong tôi một buổi chiều nhạt nắng... Chiếc xe chậm chạp lăn bánh mặc cho dòng người lướt qua vô thức. Xa xa, thấp thoáng góc chân cầu Sài Gòn một bờ lau sậy đang uốn mình theo gió cố đón lấy những giọt nắng cuối ngày khiến tôi nhớ đến một màu hoa tím thẫm men triền núi đá: rừng đót quê tôi.
Mùa đót. Ảnh: BQN |
Đại Hồng (Đại Lộc) là nơi tôi lớn lên với những giai điệu ngọt ngào của xứ sở, với bãi bắp xanh rờn, với cánh đồng lúa vàng óng, với dòng sông Vu Gia lượn lờ. Nơi ấy, tôi đã nhìn thấy những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt mẹ, dáng còng còng cùng đôi chân tật nguyền của ba, nỗi khắc khổ của những con người lam lũ trên một miền quê nghèo.
Quê tôi núi trập trùng, triền đá bao vây, mọc nhiều loại cây, có những cây thấp lè tè như: rang, mua, sim, lau lách..., và nhiều vẫn là cây đót. Mùa đót quê tôi bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, khoảng mồng Năm, mồng Sáu tháng Giêng, và kéo dài đến hết tháng Hai, tháng Ba âm lịch. Thời gian này, mùa vụ rảnh rỗi, dư âm ngày tết vẫn còn đâu đó quanh làng xóm, bà con quê tôi rủ nhau bứt đót.
Dọc đường núi từ mỏ than đến Khe Lim, Suối Lấm, Khe Hoa..., hai bên đường hoa tím chen nhau đua nở. Nhưng để có được những bông đót đẹp, người hái phải vào tận các vùng rừng vừa cháy năm trước hoặc tìm dọc theo các triền đồi, triền suối. Đót có thể mọc cả vạt hoặc từng bụi riêng lẻ, cheo leo nơi vách đá. Cây không cao lại mềm như lau sậy, lá rất sắc, nên để hái được hoa là điều không phải dễ. Thanh niên khỏe mạnh, thì đi những ngách núi xa như đồi Bằng Am, Bằng Sim...; các cô, các chị thì tìm bứt đót ven mép sườn đồi gần hơn; lũ trẻ chúng tôi thì loanh quanh đủ chỗ.
Từ sáng sớm các mẹ, các chị đã rủ nhau vào rừng bứt đót, chiều chở về cân ký bán lại cho thương lái. Nếu như nhà nông có ngày mùa vui như thế nào thì Đại Hồng trong mùa đót cũng giống vậy. Đót phơi khắp nơi. Sân nhà, sân nhà thờ, sân chùa, sân vận động... được trải toàn đót là đót. Nhờ đó người dân mới trang trải được một số nợ nần, dù ít nhưng có còn hơn không. Ba tôi cũng cố đạp xe để bứt được một vài bó đót về làm chổi. Lúc bấy giờ, đót giúp người dân quê nghèo giải quyết những khó khăn trước mắt, hay lo chuyện “phải không”, ít ra cũng được vài tháng; rồi xin hẹn lại những bông hoa rừng đáng yêu ấy mùa sau...
Gần đây, quê tôi vắng dần những buổi bứt đót. Bao triền đồi không còn cây đót nữa, thay vào đó là rẫy thơm, rừng tràm, nhà cửa… Mỗi lần về thăm quê, núi đồi, bờ bãi, quê hương ngày một thay đổi. Ba tôi giờ đã về với mây ngàn núi biếc, không còn nguệch ngoạc đi bứt đót đồi quê. Mẹ tuổi cao heo hút với thời gian...
Dù tất cả đã xa xăm, nhưng hình ảnh về bao mùa bứt đót, về bóng dáng người cha tật nguyền đạp xe chở đót, ngồi giữa nhà bện chổi cứ luôn hiển hiện; và làm sao tôi có thể quên... để rồi mãi cho đến bây giờ vẫn còn âm ỉ trong ký ức những mùa đót cũ!
HỨA THỊ THẢO