Mùa săn "cộc cộc"
Khi con sông Trường hiền hòa trở lại sau những trận mưa dài, thì phía bãi nà vừa qua mùa thu hoạch sắn, lại đến một “vụ mùa” khác thật đặc biệt của người dân xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My): mùa săn sùng đất.
Người dân Trà Giang đào đất tìm bắt sùng trên bãi đất nà ven sông Trường.Ảnh: T.C |
Con “cộc cộc” - từ mà các thương lái Tiên Phước vẫn dùng để chỉ loại sản vật đặc biệt này - vài năm trở lại đây, đã mang về một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân bản địa.
Đào sùng giờ rạng sáng
Từ chỉ dẫn của những người chuyên thu mua sùng đất ở tận xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước), tôi ngược nguồn tìm về thôn 4 của xã Trà Giang, nơi mỗi ngày có hàng tạ sùng đất được người dân mang về từ bãi nà. Bãi nà nằm bên kia sông Trường, có tên gọi là vườn Su, nơi mấy tháng trước còn là những ruộng sắn của người dân. Sau mùa thu hoạch sắn, sùng đất ăn phần thân, rễ sắn hoai mục, lớn nhanh, béo núc. Loài sùng đất này không lạ. Chỉ lạ ở mỗi cái tên mà thương lái nơi đây dùng để gọi, là con “cộc cộc”. Từ khi được săn lùng, thu mua với giá có khi lên đến hơn 100 nghìn đồng mỗi ký, cơn sốt đào sùng đất bỗng rộ lên ở ngôi làng nhỏ này. Chính xác là khoảng bốn, năm năm trở lại đây, khi nghề đào sùng đất bắt đầu trở thành một công việc hái ra tiền trong mùa mưa lụt. Cả đồng nà bát ngát bên kia sông Trường, ngổn ngang những dấu cuốc. Như một đại công trường, vết đất chưa kịp cũ lại tiếp tục được lật xới lên để bắt sùng. Ông Phan Phước Quang (47 tuổi), một người dân bản địa cho hay, mùa này là mùa phát triển của sùng đất. Thường, mỗi năm mùa săn sùng chỉ kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 11. Thời điểm này, con sùng đất phát triển mạnh, thân mập mạp chắc sữa, có giá trị cao. “Từ ngày con sùng này được thu mua, mới đầu chỉ vài chục nghìn đồng một ký, sau lên đến hơn một trăm nghìn đồng, dân bắt đầu đổ xô đi bắt sùng. Công việc này đơn giản, không tốn quá nhiều công sức, nhưng một ngày có thể kiếm được vài ba trăm nghìn” - ông Quang cho biết.
Nắng lên. Ở đồng nà vườn Su, ông Quang vẫn đều tay cuốc tìm sùng. Ông cho biết, ngày cao điểm, có cả trăm người cùng nhau đào xới trên đồng nà này. Đồ nghề, vỏn vẹn chiếc cuốc cùng một cái xô đựng sẵn ít nước. Cứ lật tìm từng nhát cuốc để bắt sùng, những chỗ cỏ bị lấp hoai mục, hoặc sót lại củ sắn, rễ sắn, thường là nơi có nhiều sùng nhất. Những người lớn tuổi như ông Quang, thường rủ nhau ra bãi nà vào lúc rạng sáng. “Khoảng 2 - 3 giờ sáng là í ới nhau đi đào sùng. Giờ đó chỉ cần cây đèn pin, lại mát mẻ, đến tầm 6 - 7 giờ sáng là xách xô về. Ban ngày còn làm được việc khác, còn số sùng đào được, mấy tay thương lái đến tận nhà thu mua, khỏe re” - ông Quang cho hay. Nhiều học sinh cũng tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, theo ba mẹ ra đồng nà từ sáng đến chiều để đào sùng bán cho thương lái. Theo bà con ở đây, loài này được cho là ấu trùng của con bọ rầy. Trước đây, họ chỉ đào sùng để loài này khỏi cắn phá sắn, khoai, sau đó đem làm thức ăn cho… gà. Vài năm trở lại đây, thương lái bắt đầu đến tìm mua sùng, sau đó cơn sốt săn lùng mới rộ lên. Nhà nào cũng có sẵn cuốc, sẵn xô, đến mùa là rủ nhau đi đào sùng kiếm thêm thu nhập.
Săn lùng “đặc sản”
Con sùng đất trở thành “đặc sản” ở Trà Giang, trước hết, phải nhờ công của các thương lái từ Tiên Phước lên tìm mua, rồi đặt hàng. Tôi theo chân chị Trần Thị Kim Phương (38 tuổi, ở thôn 8 xã Tiên Lãnh) đến nhà anh Dương Hiển Thương (32 tuổi, thôn 4, xã Trà Giang) - người được chị nhờ thu gom giúp số sùng đất mà người dân đào được - để mua chở về xuôi. Đều đặn mỗi ngày, chị Phương vượt hàng chục cây số từ Tiên Lãnh lên Trà Giang để mua sùng. Con sùng đất bán chạy đến mức, có ngày chị chở gần 200kg về vẫn bán sạch. Dân đào được bao nhiêu, thương lái thu gom hết. Nhiều người còn ra sẵn bãi nà, chờ người dân đào được sùng là mua gom ngay tại chỗ. Sùng sẽ được rửa sạch, cho vào bao đựng sẵn nước, rồi chở về bán lại cho các quán ăn, nhà hàng ở địa bàn Tiên Phước và một số vùng lân cận. “Sùng đất thì ở đâu cũng có, nhưng chỉ có loại sùng trên đất nà này mới đảm bảo tiêu chí sạch, bổ dưỡng, được nhiều người truyền tai có tác dụng giúp sung mãn thể lực nên được tiêu thụ khá mạnh. Khác với loại sùng đất thường ở trong các hố phân trâu, phân bò, hoặc ổ rơm, sùng đất ở đây to hơn, bề ngoài rất ít lông, thân trắng sữa, không hôi và đen như loại kia, do đó trở thành đặc sản rất được ưa chuộng” - chị Phương cho hay. Sùng đất đang là món ăn được săn lùng, cung không đủ cầu. Chị Phương phải dặn mối một số người quen để có đủ hàng cung ứng cho khách.
Thương lái gọi con sùng đất là “cộc cộc”, được thu mua với giá từ vài chục đến hơn một trăm nghìn đồng mỗi ký. |
Chừng như “đọc” được sự e ngại của chúng tôi về chuyện con sùng đất được các quán ăn săn lùng, anh Dương Hiển Thương trổ tài chế biến món sùng đất. Sau khi rửa nhiều lần bằng nước sạch, sùng đất được ngắt bỏ phần ruột, rồi luộc sơ qua. Sau đó, chủ nhà ướp thêm gia vị, chiên giòn. Con sùng đất sau đó được cuốn với lá lốt, chấm muối tiêu xanh. Món này ăn ngon giòn hơn cả dế cơm, mà lại có vị béo như con nhộng tằm. Ngoài ra, còn có một cách chế biến khác là nướng với than hồng rồi chấm muối tiêu. Đây cũng là cách mà các nhà hàng chế biến phục vụ thực khách ở khu vực Tiên Phước và các vùng phụ cận. “Món này người ta hay đồn thổi là rất bổ, có tác dụng không kém… “Viagra”. Từ ngày biết giá trị cùa loại này, dân ở đây cũng hay chế biến để đãi khách mỗi khi có dịp. Công dụng thì chưa rõ, nhưng chỉ biết có bao nhiêu sùng thì thương lái mua hết, bất kể ngày mưa ngày nắng” - anh Thương nói.
Nắng tràn phía bãi đất nà. Ngày cuối thu, cái lạnh hình như chưa chạm tới vùng cao, nên quá trưa, những người đào sùng ở vườn Su đã tất tả ra về chờ chiều nắng dịu. Một thứ “lộc trời” ngay bên kia sông Trường, đã và đang giúp cho người dân Trà Giang bớt phần vất vả, khi có thêm chút thu nhập sau khi mùa màng đã vãn.
THÀNH CÔNG