Giải nhiệt với rau câu chân vịt
Ngư dân đặt tên rau câu chân vịt bởi loại rong biển ấy có hình thù giống những ngón chân vịt. Ở vùng biển Cù Lao Chàm, rau câu chân vịt bám sát bề mặt những hòn đá hay rặng san hô và mọc rộ vào những ngày đầu hạ.
Chè rau câu chân vịt. |
Thời gian này, đợi khi thủy triều rút, ngư dân sống quanh đảo mang gùi đi hái rau câu. Dụng cụ rất đơn giản chỉ có một cái liềm nhỏ và một cái thau. Rau câu khi mới khai thác không có màu trắng, phải qua nhiều công đoạn sơ chế. Rong câu mới hái về, nhặt hết những thứ rong tảo khác lẫn vào, rửa sạch đất cát, lặt bỏ những vỏ ốc, sò còn bám vào rong. Tiếp tục giặt sạch bằng nước lạnh nhiều lần cho đến khi rong câu trắng mới mang đi phơi khô dưới nắng gắt.
Trong cái nắng chói chang ngày hạ, những bao rau câu theo gót chân người miệt biển tỏa ra khắp các chợ, đấy cũng là lúc các bà, các chị tranh thủ trổ tài nội trợ với loại rau mát lành này.
Rau câu chân vịt thơm, ngon, lành tính, nhiều dưỡng chất, thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường… nên phù hợp với mọi thể trạng, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Mỗi khi ăn uống nhiều dầu mỡ, dinh dưỡng thiếu chất xơ, ăn rau câu chân vịt rất có lợi. Hay những lúc bận bịu công việc, cháo gạo nấu với một ít rau câu chân vịt, vài củ khoai giúp xua tan mọi mỏi mệt. Món rau câu chân vịt trộn cùng với tôm, rau húng quế là món khoái khẩu của dân nhậu xứ biển. Nhưng có lẽ độc đáo nhất vẫn là chè rau câu chân vịt.
Trước khi nấu món này, phải đem rau câu ngâm nước cho nở ra và nhả hết các chất bẩn. Ngâm xong, rửa sạch rồi thêm một tí chanh để khử mùi rong biển, xả lại vài nước là nấu được. Gừng gọt vỏ giã nhỏ. Cho rau câu vào nồi đổ nước xâm xấp, nấu sôi lên, khoảng mươi lăm phút, cho đường cát vàng, gừng vào, quậy tan đường, rồi tắt bếp, đổ ra chén để nguội. Độ vài giờ sau, rau câu đông đặc lại thành chè có màu vàng thanh. Trong tiết trời nắng nóng, được thưởng thức một chén chè rau câu chân vịt mát lành thật không còn gì bằng.
THANH LY