Bánh tráng sắn xúc mít trộn
Mít là cây ăn quả được người dân Tiên Phước cũng như vùng trung du xứ Quảng trồng trong vườn nhà, trên nương rẫy… Và mít non là nguyên liệu để chế biến món ăn dân dã không thể thiếu trong các đám tiệc, được nhiều người ưa thích: Rau trộn mít xúc bánh tráng sắn.
Rau trộn mít. |
Đàn bà con gái ở quê tôi ai cũng có thể làm được món ăn này, bởi nó đơn giản, không đòi hỏi phải kỳ công chế biến. Tuy nhiên, làm món rau trộn mít để mọi người thưởng thức đều tấm tắc khen ngon, quả không phải là chuyện dễ.
Mẹ tôi bảo, để làm món rau trộn mít, phải lựa trái không quá non, không già mới hái. Bởi trái quá non chỉ toàn cùi và xơ, còn trái chuẩn bị dầy, hạt lại có lớp vỏ lụa cứng bao bọc, cũng không dùng được. Chế biến có hai cách, tùy theo sở thích của mỗi người, mỗi nhà. Cách thứ nhất, gọt vỏ, cắt ngang trái mít làm đôi, sau đó cắt dọc mỗi nửa trái mít ra làm sáu miếng, đem rửa sạch để cho ráo nước. Dùng dao cau bén ngọt xắt miếng mít thành những lát mỏng, rồi gộp những lát mít mỏng ấy lại xắt vụn ra như những cọng tăm. Làm xong “công đoạn” này, cho ngay “sản phẩm” vào nồi nước sôi trên bếp luộc chừng mươi, mười lăm phút, thấy mít xắt cọng tăm vừa chín tới là nhấc nồi xuống đổ vào rổ rá. Lấy đũa tãi đều ra cho mau nguội rồi dùng hai bàn tay vốc từng nắm mít luộc vắt thật ráo nước. Bấy giờ mới thực hiện “công đoạn” cuối cùng để có món ăn chơi dân dã: Cho dầu phụng đã khử nén, hạt đậu phụng rang giã giập, tiêu, ớt, muối hầm, mì chính, rau ngò tây, rau húng quế, rau răm xắt nhỏ vào, trộn đều là xong.
“Ở quê, phần đông người ta chọn cách thứ hai để làm rau trộn mít” - mẹ cho hay. Cách thứ hai chỉ khác ở việc sơ chế nguyên liệu. Trái mít non để nguyên vỏ, cắt ngang làm đôi rồi cắt dọc mỗi nửa thành sáu miếng. Lấy lá ngái chùi mủ, rửa sạch, cho vào nồi bắc lên bếp luộc. Canh chừng những miếng mít luộc vừa chín tới, vớt ra rổ rá để nguội rồi mới chế biến. Lúc này, gọt vỏ từng miếng mít luộc, xắt lát mỏng rồi gộp lại xắt nhỏ. Rau trộn mít chế biến theo cách này kém bắt mắt vì không có màu sắc bã trầu nhạt, không vụn đều như những cọng tăm. Bù lại, nó giữ được vị ngọt của mít non nên ngon hơn hẳn. Và nữa, quá trình nhồi trộn gia vị cũng là khâu quan trọng. Đảo xới phải thật đều, cho muối hầm phải ước lượng chính xác, nếu không, chỗ nhạt chỗ mặn. Vì vậy, đàn bà con gái làm rau trộn mít cần khéo tay hay mắt mới chế biến được món rau trộn mít “ăn vừa miệng” khiến ai cũng phải tấm tắc khen ngon.
Rau trộn mít xúc với bánh tráng sắn ăn mới tuyệt vời. Bẻ bánh tráng sắn xúc rau trộn mít khi nhai nghe âm thanh giòn rụm hòa quyện với vị béo của dầu phụng, vị bùi của đậu rang giã dập, vị cay thơm của tiêu ớt, vị chua dịu nhẹ của chanh… làm cho người thưởng thức cảm thấy hưng phấn khi ăn món quê dân dã.
Bây giờ món quê dân dã đã vượt ra khỏi lũy tre làng trở thành món ăn đặc sản ở các nhà hàng nơi phố thị. Tuy nhiên, hương vị của nó cũng đã vơi đi ít nhiều vì tay nghề chế biến không bằng dân quê…
N.T.MỸ