Quả ngọt xứ Tiên
(QNO) - Xứ Tiên thơ mộng lạ lùng, nổi tiếng với nhiều đặc sản: lòn bon, quế, chè, tiêu, dâu đất, thanh trà… Trong những loài hoa thơm quả ngọt ấy, lòn bon là loại trái cây sạch và hiền.
Cây lòn bon thường được trồng thành từng vườn. Đó là loại cây thân gỗ, nhiều nhánh, thích nơi đất khô và mát (người Tiên Phước gọi là đất rập). Tháng năm, cây ra hoa. Hoa mọc ra từ nhánh cây với vô số chuỗi nhỏ li ti mà cứng cỏi. Tháng chín âm lịch, từng chùm quả chín vàng ươm, ẩn hiện trong vòm lá. Nhìn từ dưới gốc cây, một màu vàng tươi tỏa ra từ nách cây đến từng nhánh nhỏ. Trông thật hấp dẫn.
Mùa quả lòn bon. Ảnh Internet. |
Lòn bon là loại trái cây lành. Độ chín ngon nhất của nó là khi trái màu vàng chuyển dần sang trăng trắng, vỏ phủ lớp lông tơ mỏng mịn màu xám, mỗi trái có 5 múi. Trong đó một múi có đường cong như hình chiếc móng tay ấn vào. Tương truyền, đó là dấu ấn đoàn quân chúa Nguyễn khi đến vùng Quảng Nam gặp loại trái quý. Khi chín, quả có vị ngọt thanh. Thưởng thức lòn bon, phải rành từ cách bóc vỏ. Người sành sẽ bóc từ phía dưới bóc lên, vỏ không bị xơ mà sẽ xòe ra như đóa hoa vàng; sau đó nếm dần từng múi, không ăn hạt vì có vị đắng. Ngậm múi lòn bon, nghe vị ngòn ngọt, chua chua thanh thanh thấm dần vào lưỡi, mê hoặc bởi vị ngon hiếm có của lòn bon. Điều rất lạ là loại trái cây này có thể ăn bất cứ lúc đói hay no, cũng không sợ xót hay nặng bụng. Lòn bon Tiên Phước không ngọt lịm như bòn bon Thái.
Lòn bon còn có tên gọi rất đẹp: nam trân (ngọc quý phương Nam), hay một tên gọi khác phụng quân mộc (cây gặp vua). Cây lòn bon cũng đã được khắc thành một biểu tượng trên Nhân đỉnh ở Đại Nội, Huế. Có lẽ nhờ thế cho nên lòn bon có sự quyến rũ riêng, vừa sang trọng, vừa dân dã, vừa đậm đà.
Mùa lòn bon, khắp các khu vườn ở miền trung du Tiên Phước như bừng lên một sức sống mới. Trên nhiều nẻo đường Tiên Thọ, Tiên Châu, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh…, các cô thôn nữ bày bán từng thúng quả, trông thật vui mắt. Nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là chợ Tiên Phước. Từ sáng tinh mơ, khu chợ đã đông đúc và tấp nập với những xe, những gánh lòn bon và tiếng người xôn xao, ồn ã. Để từ đó, lòn bon theo các thương lái xuống Tam Kỳ, ra Đà Nẵng, ra Huế hoặc vào tận TP.Hồ Chí Minh.
Nhưng, lòn bon đâu chỉ để ăn cho vui, người Tiên Phước biết còn tạo thêm giá trị cho quả với hương vị lạ như gỏi lòn bon, rượu lòn bon... để sản phẩm lan tỏa rộng hơn.
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN
(Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước)