Nơi mỳ Quảng "lên ngôi"

SONG NGUYÊN 31/08/2016 09:58

(QNO) - Một bà cụ nói giọng Quảng “cho tôi một ký mỳ”. Cô bán hàng nhanh nhảu đeo đôi găng tay, cho vào bao một mớ mỳ khô sợi nhỏ như bún, vàng ươm. Bà cụ thấy thế bảo “mỳ Quảng á cô!”. “Sao bà không nói là mỳ Quảng ngay từ đầu?” - cô bán hàng thắc mắc.

Ở miền Nam, mỳ Quảng phải gọi đúng tên. Nếu gọi là mỳ thì chỉ có thể là sợi mỳ ăn cùng với nước lèo hủ tiếu. Ở Quảng Nam, người ta thường gọi mỳ Quảng ngắn gọn là mỳ. Còn nếu là mỳ gói thì phải gọi rõ ràng là mỳ gói, để phân biệt với mỳ Quảng. 

Mỳ Quảng. Ảnh: internet
Mỳ Quảng. Ảnh: internet

Giọng Quảng của cụ lọt thỏm giữa mênh mông đất trời và con người phương Nam. Chợt thấy yêu cụ, yêu người quê mình, yêu xứ mình đến lạ. Thấy tôi cũng mua một cân mỳ, cụ nhìn trìu mến, có lẽ cụ nghĩ tôi là người Quảng, là đồng hương. Đáp lại nụ cười đầy thiện cảm của cụ, tôi mạnh dạn hỏi cụ bằng “giọng Quảng rin”: “Mỳ Quảng bữa ni, cụ làm nhưn chi?”. “Mì lươn cô à. Hôm qua trời mưa, người bắt lươn ngang nhà, con trai tui kêu vô mua. Rứa còn cô?” Tôi trả lời cụ làm mỳ sườn non với tôm. “Có nén với dầu phụng chớ cô?”. Tôi dạ, rồi chào cụ.

Tôi tạt vào hàng rau mua ít giá, rau cải con, rau húng. Thú thật, tôi chưa từng thưởng thức mỳ lươn. Xem ra mỳ Quảng quê mình thật ít kén chọn nước nhưn. Nhớ ngày nhỏ ở quê, thỉnh thoảng ba đi thăm đồng, bắt được con cá tràu lơn lớn là nhất định bảo mẹ làm mỳ. Ở quê nhà nào cũng sẵn củ nén với dầu phụng (nếu thiếu hai thành phần quan trọng này, sẽ không phải là tô mỳ Quảng đúng điệu). Rau rác thì quanh vườn. Mỳ chạy ra chợ là có. Một bữa mỳ đơn giản nhưng rất đậm đà. So với bún bò hay phở, mỳ Quảng thật “dễ tánh”. Nhưn mỳ thì đa dạng, có thể là thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm tươi, cá tràu hay lươn tùy thích. Thèm nhưn nào thì chọn nhưn đó, tiện nhưn nào thì làm nhưn đó. Còn bún bò thì nhất thiết phải thịt bò. Phở thì cũng là thịt bò hoặc thịt gà. Bấy nhiêu đó cũng thấy thương mỳ Quảng, yêu mỳ Quảng say sưa rồi!

Chị hàng xóm của tôi mở tiệm mỳ Quảng bình dân được 3 năm. Tôi hỏi chị khách ổn định không? Chị bảo, ban đầu chủ yếu phục vụ khách Quảng, nhưng bây giờ thì khách “50 - 50”, tức là một nửa người Quảng, nửa người tứ xứ. Chị kể, một hôm có ông khách người miền Nam tới tiệm chị, ông bảo ban đầu nghe mỳ Quảng, hiếu kỳ muốn ăn. Cảm nhận của ông là nước nhưn hơi ít, mỳ không chần qua nước sôi nên tô mỳ không phải kiểu vừa thổi vừa ăn như bún bò, phở, hủ tiếu, mà tô mỳ chỉ âm ấm. Nhưng khi mỳ chạm đầu lưỡi, mùi thơm ngào ngạt, hương vị đậm đà, ngay cả rau sống của mỳ Quảng cũng thật đặc biệt, đã khiến ông bắt đầu thấy ấn tượng. Rồi bảo: “Mỳ Quảng cũng tùy người nấu, như cô, tôi “chịu” liền!”.

Người Quảng vào Sài thành nhiều, và mỳ Quảng trở thành món ăn ưa thích của không chỉ người Quảng, mà của nhiều vùng miền khác. Vui nhất là mỗi khi tụ tập đồng nghiệp (phần lớn là người miền Nam), mỳ Quảng thỉnh thoảng là sự lựa chọn của số đông. Vào bàn ăn, ai cũng bảo món một mỳ “thần thánh”, đậm đà, dễ ăn. Với tôi, đó là niềm tự hào thật khó diễn tả bằng lời.

Sài thành đất rộng người đông, bảo đảm mỳ Quàng “mọc” ở Sài thành nhiều hơn ở xứ Quảng. Vấn đề là người ta chọn lựa quán ngon, quán ruột ở mỗi quận, huyện, để khi tiện thì ghé thưởng thức.

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN