Bánh in An Thiện
Gần đây, bánh in An Thiện (Tam Nghĩa, Núi Thành) được nhiều người tìm đến vì hương vị đặc biệt.
Bánh in An Thiện nhìn bề ngoài không khác bánh in truyền thống, cũng không khác bánh in mà “làng nào cũng có”: được đúc từ khuôn gỗ hoặc khuôn nhôm, trắng muốt từ bột nếp. Nhưng khác biệt ở hương vị. Một mùi thơm của nếp và mùi thơm “bí truyền” do bàn tay người làng An Thiện tạo riêng. Bánh khi ăn có sự hòa quyện giữa vị ngọt đường phên trắng với nhân đậu đen bên trong và những thứ hương liệu khác làm bánh in An Thiện khác hẳn bánh in truyền thống. Bánh ngọt dịu, mềm dẻo chứ không cứng và khô. Nhiều người còn bảo, bánh in An Thiện hơi giống vị bánh Mochi của Nhật. Bà Trần Thị Cúc, người làng An Thiện, nói: “Bột nếp phải là bột nếp quê hạng nhất. Nhân đậu đen cũng vậy, lựa hạt đậu chắc mẩm, trơn bóng được trồng ở quê”. Bột nếp trắng, đường phên được nhào cho đều tay để hai thứ ấy được hòa trộn thật mịn. Còn nhân bánh thì đêm trước đậu đen được ninh thật nhừ, sau đó quết nhuyễn với đường mật. Để chiếc bánh thơm ngon đặc trưng, bà Cúc và những phụ nữ trong làng phải mua quế và một số hương liệu tự nhiên cho vào bánh trong công đoạn làm bánh. “Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng tôi có bày cho nhiều người khác làm họ cũng làm không ngon được như bánh của làng tôi” - bà Trần Thị Cúc chia sẻ. Cũng vì được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên nên mỗi khi bán bánh cho khách, bà Cúc đều dặn khách chỉ dùng bánh trong 20 ngày từ khi ra lò.
Bà Trần Thị Cúc cho rằng, các công đoạn làm nhân, trộn hương liệu tự nhiên sẽ quyết định chất lượng bánh. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Những người từng ăn bánh in ở đây một lần đều tìm về làng Bình An để đặt mua. Theo bà Cúc, nhiều phụ nữ trong làng cũng làm bánh bỏ mối dài hạn vì bánh in làng An Thiện đã có chỗ đứng. Nhưng hỏi chuyện đặt thương hiệu cho bánh, bà cười hiền lành: “Bánh làm ra để ăn chơi, để giữ cái vị nhà quê trong dịp tết, dịp giỗ hay đãi khách thôi. Ai muốn tự làm, làng tôi cùng bày cho chứ đâu có giấu giếm”.
ĐOÀN ĐẠO