Mua... ký ức

CÔ GIANG 16/02/2015 11:33

Tôi nhớ tầm đầu tháng Chạp, ngoại đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh tết. Từng vị bánh ngoại làm cứ miết vào ký ức tôi. Nào bánh tét, bánh rò, bánh da, bánh in, bánh ít lá gai. Nào bánh nổ, bánh khô khổ, bánh tổ. Rồi mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai. Chừng nớ loại bánh mứt với hàng tá nguyên liệu từ bột gạo, bột nếp, trứng, đường… và hàng lô dụng cụ từ lá gói, khuôn đúc, rọ đến xoong nồi, than củi. Ngoại và dì cứ túc tắc chuẩn bị. Nguyên liệu được ngoại chọn lựa kỹ từ mỗi mùa đậu, lúa... Thứ gì ngoại cũng trồng trong vườn nhà, ngoại nói để đi chợ bán cho vui, còn lại chủ yếu dành tết làm bánh. Chia cho mỗi đứa một ít. Ấy là hồi ngoại còn. Từ hồi ngoại đi theo tổ tiên, mười năm rồi, tôi không còn được thưởng thức hương vị tết đó nữa.

Tháng Chạp gói bánh.                      ảnh: Lê Vấn
Tháng Chạp gói bánh. Ảnh: Lê Vấn

Trong các thức bánh tết ngoại làm, tôi nhớ nhất vị bánh ít lá gai. Khác với cách làm bánh ở một số nơi, không chỉ lấy nước lá gai mà lấy cả lá làm nguyên liệu. Tôi nhớ, ngoại tôi thường ngồi tỉ mẩn tách hết gân lá, rửa sạch, xắt nhỏ như kiểu xắt lá thuốc rê, đem luộc rồi vắt khô. Từng mớ, từng mớ lá gai sau đó được ngoại giã  nhuyễn. Rồi cho tiếp bột nếp ướt vào giã. Cứ giã một chặp, ngoại lấy dầu phụng bôi vào chày để có thể giã tiếp. Khi hai thứ ấy đã quyện vào nhau đến không thể phân biệt được đâu là lá, đâu là nếp thì ngoại cho đường vào và lại tiếp tục giã. Công việc nhào nặn ấy, tôi hình dung cái cối xanh xanh đen đen một hỗn hợp nguyên liệu bánh ít lá gai như cõi hỗn mang của loài người khi đất trời chưa phân định. Tôi ngồi nhìn, chờ đến công đoạn gói bánh và hấp bánh để có thể lăng xăng giúp ngoại lấy lá chuối, thoa dầu, bỏ nhưn… Nhưn của ngoại là mè chứ không phải nhưn đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ như các hàng quán bán bây giờ. Ngoại rằng, chỉ có lá gai ở vùng phù sa của sông Vu Gia mới có thể làm ra loại bánh vừa dẻo vừa thơm như vậy.

Tôi nhớ, nhà nghiên cứu Trần Văn An có viết rằng, lối ăn uống của người xứ Quảng, Đàng Trong ngay từ thế kỷ mười bảy đã rất thịnh soạn và ngon miệng. Xứ này, là vùng đất giàu có về sản vật, đa dạng về môi trường sinh thái và tập quán ẩm thực. Xứ này lại sớm có quá trình mở cửa giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nên các thế hệ cư dân Quảng Nam đã từng bước tích tụ, làm nên nếp ẩm thực khá phong phú, mang nhiều sắc thái độc đáo. Riêng với các loại bánh đã có hàng trăm thức. Mùa nào thức ấy. Vào những ngày lễ tết, giỗ chạp thường nấu một số món ăn riêng. Đó là ngày xưa. Tôi tạm làm vạch ngang những năm 90 của thế kỷ hai mươi trở về trước cho cái ngày xưa đó. Bây giờ, quanh năm không thiếu thức bánh nào. Thành ra, cái vị riêng cho tết hình như cũng nhạt đi nhiều.

Ra chợ, lắm khi tôi mua một thức quà bánh, hay trái cây chỉ để mua một mùi ký ức. Hồi bé, những thức ấy đã cắm vào tôi, dùng dằng đến tận mai kia mốt nọ, không biết đến khi nào dứt. Chị tôi ly hương, vào tận vùng rừng núi Bình Phước mưu sinh. Mỗi năm một bận được về quê, thể nào cũng ra chợ mua vài chục bánh ít lá gai đem đi. Chị cũng như tôi, muốn mua cho mình một chút ký ức, ngày tết xa lơ…

CÔ GIANG

CÔ GIANG