Hương vị Quảng giữa miền sơn cước

KHƯƠNG QUỲNH 12/08/2023 06:12

(VHQN) - Ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này, người Quảng dù tha hương nhưng “hương Quảng” chẳng thể nhạt đi, mặc năm tháng cứ vụt trôi như gió lộng qua miền sơn cước...

Người Quảng đi du lịch ở Tây Nguyên. ảnh: P.V
Người Quảng đi du lịch ở Tây Nguyên. ảnh: P.V

Hồi nhỏ, ba mẹ tôi kể vui rằng, khi cả gia đình theo đoàn tàu kinh tế mới vào Tây Nguyên, làng người Bắc bị “thả nhầm” xuống vùng đất cạnh làng người Quảng đã sinh sống trước đó. Cuối cùng, bọn trẻ con chúng tôi lớn lên, đi học cùng nhau, vô tình đám trẻ người Quảng buộc miệng “răng rứa” và được đáp lại bằng “ừ nhỉ” của mấy đứa gốc Bắc.

Tưởng chất Quảng đã phai đi, nhưng khi tôi về nhà bạn chơi, cha mẹ con cái vẫn nói chuyện bằng giọng Quảng đặc sệt và dọn mời khách mấy món Quảng chẳng lẫn vào đâu. Sau này, lang thang ở Tây Nguyên, tôi lại nhận ra dáng dấp thân quen của những vùng đất từa tựa nơi mình đã lớn.

 Một dạo đi phượt ở Đà Lạt, đúng đợt trời mưa như trút, phải nằm dài ở trong phòng. Bác chủ homestay gọi xuống, rủ làm chén cơm với món cá nục kho nghệ “gia truyền”. Tôi nhận ra ngay gốc gác Quảng của bác.

Bác hỏi lại: “Răng mi biết?”. Nhìn đĩa cá kho vàng ươm đã mềm xương, điểm vài trái ớt đỏ au, dậy lên mùi thơm của củ nén, nghệ, tôi đã thấy quen lắm, tựa hồ như thuở nhỏ đã ăn ở nhà má Bảy - mẹ thằng Nam nơi xóm Quảng quê mình.

 

Bác chủ nhà cười phớ lớ vì bắt được “sóng”, lần sau lại mang lên cho hũ dưa món. Đương mùa củ cải Đà Lạt còn non, bác gái thu về, gọt vỏ, xóc muối, lại rũ sạch, phơi một hai nắng rồi mới đem nấu nước mắm đường mà ngâm.

Bao nhiêu chất đường tự nhiên của củ cải ngậm hết vào trong, thấm thêm vị mằn mặn của mắm đường, vị cay nồng của tỏi ớt. Miếng củ cải giòn dai sần sật, đậm vị miền Trung.

Bác gái muối cả chục hũ, gửi xuống cho đám con cháu đang sinh sống ở phương xa. Bác bảo, ở thành phố chẳng thiếu thứ gì, nhưng chúng gọi điện về, cứ hỏi “củ cải có chưa má?”, nghe là biết chúng nhớ hương vị quê nhà.

Một chiều, trên đường đi Ninh Thuận, chúng tôi nghỉ lại ở thị trấn lưng đồi Dran (Đơn Dương, Lâm Đồng) - thị trấn nhỏ nằm dưới chân đập Đa Nhim xanh biếc. Tha thẩn ở chợ Lạc Nghiệp, gặp ngay hàng bánh xèo đang tỏa khói nức mũi.

Chị chủ quán dọn ra dĩa bánh xèo giá thịt nóng hổi, vàng ươm màu nghệ, ăn chung với rau sống, cải xanh. Dĩa bánh xèo dễ gặp ở bất kỳ hàng quán nào, nhưng khi nhìn chén mắm pha với chút gừng và đậu phụng nhuyễn thì biết ngay chị là người Quảng.

Thị trấn yên bình, mát mẻ này từ xa xưa đã từng thu hút và giữ chân những dòng người di cư từ Nam - Ngãi - Bình - Phú vào sinh sống (cụm danh từ chỉ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bây giờ).

Bởi vậy, Tết ở Dran cũng sẽ có thịt gà đồi, mứt hồng vuông, mứt dứa đặc trưng núi rừng, nhưng chẳng thể thiếu mấy mẹt mứt gừng nguyên củ vàng ươm phơi trước sân, hũ thịt ba chỉ ngâm mắm, bánh tổ, bánh thuẫn... gợi nhớ gốc gác quê xứ.

Lần nọ cùng đứa bạn cấp ba rong chơi ở Quảng Sơn (Đắk Nông), ghé quán cơm bình dân, nhìn một lượt mấy món bày trong tủ, nó ngơ ngác hỏi chủ quán: “Sao con nghe có mùi lòng xào nghệ mà không thấy ở đây”. Cô chủ quán chỉ vào mâm cơm của gia đình mới dọn ra, đúng là có món lòng xào nghệ thật.

“Ăn luôn, thêm chén thêm đũa chứ có chi đâu hè”, cô nhiệt tình chào mời, bạn tôi cũng thiệt tình ăn. Hai người trò chuyện rôm rả bằng giọng Quảng đặc sệt, người ngoài nghe để hiểu hết cũng phải có “bằng C tiếng Quảng” chứ chẳng đùa.

Bánh lăn, xôi đường là những món ăn chỉ dấu xứ Quảng.
Bánh lăn, xôi đường là những món ăn chỉ dấu xứ Quảng.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, người Quảng nhập cư không chỉ mang theo ước mơ “an cư lạc nghiệp” như tên khu chợ “Lạc Nghiệp” ở Dran mà còn mang cả những điều thân thuộc quê cũ.

Bởi vậy, ở bất kỳ Gia Lai, Kon Tum hay Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, người ta hẳn cũng từng tấp lại bên quán nhỏ ven đường, ăn tô mỳ Quảng kèm với vài loại rau sống đang vào mùa ở nơi ấy, nhưng sợi mỳ vẫn phải bóng mượt, dậy lên mùi dầu phụng thơm lừng.

Những món ăn dân dã đậm chất xứ Quảng như ghi lại dấu ấn của cha ông từng đi khai phá núi rừng thuở lập làng lập ấp. Phải có lý do, người ta mới rời quê hương đã muôn đời thâm căn cố đế. Nhưng cũng phải thương nhớ quê nhà, họ mới giữ lại điều thân thuộc, dù đã tiếp nhận thêm nhiều thứ mới, ở vùng đất mới. Bạn tôi gọi đó là “hương Quảng”.

KHƯƠNG QUỲNH