Món ăn… tha hương!

CHÂU NỮ 25/06/2023 09:19

Một chiều mưa ở Sài Gòn cách đây chừng mươi lăm năm, tôi ngồi vỉa hè một con đường ở quận Gò Vấp ngó ra đường, nhìn xem trong số những chiếc xe xuôi ngược, có chiếc xe nào mang biển số 92, bất chợt thấy tấm biển ghi nguệch ngoạc “Mỳ Quảng” nằm xa xa ở phía đối diện, tôi có cảm giác quê nhà thiệt gần.

Mỳ Phú Chiêm - món thương món nhớ. Ảnh: C.N
Mỳ Phú Chiêm - món thương món nhớ. Ảnh: C.N

Chưa bao giờ chữ “Quảng” trong tấm biển “Mỳ Quảng” đơn sơ kia, khiến tôi thấy thân thương chi lạ và có cả sự đồng cảm, khi nghĩ những tô “mỳ Quảng” cũng… tha hương như tôi lúc đó.

Ngay tối đó, tôi “về quê” bằng cách ăn tô mỳ Quảng ở xứ người. Tô mỳ Quảng ở Sài Gòn hẳn nhiên không giống như tô mỳ Quảng mẹ nấu cho cả nhà ăn mỗi cuối tuần sum họp, nhưng ít ra, vừa lấp đầy khoảng trống nhung nhớ trong tôi.

Hình bóng cha tôi lom khom xay bột, anh chị tôi tước chuối cây làm rau sống, mẹ ngồi tráng mỳ gợi bao hoài niệm. Đúng là “miếng ngon nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai”.

Cũng như khi tôi ở Tam Kỳ, thấy quán nào có treo biển “Thịt heo bánh tráng Đại Lộc” là thấy như mình “gặp” lại quê nhà. Hay như bạn tôi, bốn năm học đại học ở Huế, mỗi lần đi qua mấy quán bán đồ ăn Huế ở Tam Kỳ là kể chuyện những chiều mưa xứ Huế ăn tô cơm hến cay sè và rủ rê “làm tô cơm cho đỡ nhớ Huế”.

Chính nhờ những món ăn tha hương, mà người xa quê đỡ nhớ quê, người ở quê cũng được thưởng thức đặc sản các địa phương ngay tại quê mình. Quảng Nam quê mình, giờ muốn thì có thể ăn không chỉ nhiều món ngon các vùng miền trong nước, mà còn cả món Tây Tàu.

Nhưng ăn đâu chỉ để ăn, để thỏa mãn cơn thèm, cơn đói hay để biết món ăn của xứ người như thế nào, mà, ăn uống thì được nâng lên tầm văn hóa, nên mới có cái gọi là “văn hóa ẩm thực”.

Qua đồ ăn thức uống mỗi vùng miền, thực khách có thể biết thêm đời sống vật chất và tinh thần, phong cách sống của người dân bản địa. Bởi, theo một chuyên gia ẩm thực “văn hóa ẩm thực là cách ăn, văn hóa dinh dưỡng, món ăn đặc trưng của từng dân tộc, vùng miền, quốc gia, cách trang trí và cách thưởng thức ẩm thực…”.

Chiều quê. Ảnh: Hà Nguyễn
Chiều quê. Ảnh: Hà Nguyễn

Một số tài liệu liên quan về văn hóa ẩm thực cho biết, lịch sử có ảnh hưởng nhiều đến văn hóa ẩm thực. Đồ ăn thức uống ngày càng đa dạng theo nhiều thời kỳ lịch sử. Yếu tố địa lý cũng tác động nhiều đến văn hóa ẩm thực nên mới có món ăn châu Á, châu Âu, về miệt biển chủ yếu là thủy sản, tới vùng cao thì có thịt rừng.

Ngoài ra, khí hậu hay tôn giáo cũng ảnh hưởng nhiều đến văn hóa ẩm thực. Ngày nay, khi đất nước hội nhập quốc tế, thì cũng có sự giao thoa giữa cách chế biến đồ ăn thức uống. Vậy nên bạn đừng ngạc nhiên khi ăn món Tây mà nghe mùi… nước mắm. Ấy là sự du nhập và giao thoa văn hóa.

Trở lại với món ăn… tha hương. Phi Khanh, bạn cùng quê với tôi, hơn hai mươi năm sống ở Sài Gòn, thì gọi những món Quảng ở Sài Gòn là món tha hương: mỳ Quảng tha hương, bánh tráng thịt heo tha hương, bê thui tha hương. Món tha hương khác với quê mình ở chỗ, muốn tìm nguyên liệu nguyên chất như ở quê không dễ, nên món tha hương cũng tội nghiệp như người tha hương.

Khó có thể chế biến món “tha hương” đúng y vị quê nhà nhưng thưởng thức để cảm nhận vị quê và mỗi lần ăn đặc sản Quảng ở phương xa thì nỗi hoài hương canh cánh trong lòng. Đó cũng là lý do những ngày có giỗ chạp, người Quảng mình ở nơi xa vẫn nấu những món quê, vừa ăn vừa rưng rức nhớ quê để cảm nhận vị quê nơi đất khách.

Chợt nhớ nhà văn Vũ Bằng viết trong “Miếng ngon Hà Nội”: “Người sành ăn, người biết ăn ngon cũng thế, ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm tháng này sang tháng năm kia”. Xa quê, ăn món quê, để càng thêm nhớ quê.

CHÂU NỮ