Mang bản sắc Quảng vào Nam

XUÂN HIỀN 02/06/2023 06:41

Hàng trăm năm trước, trong cuộc “hành phương Nam”, các giá trị đặc trưng của văn hóa truyền thống Quảng “thiên di” vào Nam và bám rễ đất này. Giờ đây, trong cuộc hội ngộ của người Quảng xa quê, lại trở thành không gian để vang ngân... bản sắc Quảng. 

CLB Bả trạo Bình Minh sẽ mang các giá trị đặc sắc của nghệ thuật bả trạo giới thiệu đến đông đảo bà con phía Nam. Ảnh: X.H
CLB Bả trạo Bình Minh sẽ mang các giá trị đặc sắc của nghệ thuật bả trạo giới thiệu đến đông đảo bà con phía Nam. Ảnh: X.H

Rộn ràng hội Quảng

Những nơi nào tụ hội đông đảo người Quảng, thì nơi ấy thường có hội. Hội là tiếng trống rộn rã mở màn, là hồi trống chầu giục những đôi chân, là “gió xuân phảng phất nhành tre/ mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi”. Hay hội chính là những đôi chân trần khỏe khoắn say sưa và đầy tự hào của bản làng Cơ Tu, những vũ nữ Apsara huyền hoặc mê đắm lòng người.

“Lựa chọn văn hóa làm đầu câu chuyện, những bản sắc xứ Quảng được chúng tôi lựa chọn để biểu diễn và hoạt động xuyên suốt trong “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam” lần thứ 3 cũng là cách để tiếp nối và hiện thực hóa Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về khẳng định văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội. Ở đâu, nơi nào, văn hóa chính là biểu hiện cao nhất của sự kết nối các giá trị của con người”.

(Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc sở VH-TT&DL)

Và hội người Quảng mang đến Sài Gòn những ngày này, còn có lòng tự hào nước non trong điệu hò bả trạo của miền biển cát trắng Thăng Bình. Tất cả đều là những giai điệu hội lễ mà người Quảng Nam bằng giọng nói hào sảng và chân thành gọi tên là bản sắc quê xứ. 

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, lần thứ 3 tổ chức “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh”, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên văn hóa được chọn lựa để làm chiếc cầu kết nối.

Người Quảng sẽ dễ dàng ngồi cùng nhau, cảm cùng nhau trong giai điệu quê nhà. Nghệ thuật và văn hóa truyền thống với tính chất cội nguồn của xứ sở, đã khiến nó mang trong mình sứ mệnh xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian.

Ở Sài Gòn mà như đang trong một cuộc hội làng mình. Ở Sài Gòn nhưng tình quê không hề phai lạt, bởi có tiếng cười trong chiếu bài chòi, có niềm rung động mạnh mẽ trong vũ điệu rừng núi, có tiếng khẳng định chắc nịch về chủ quyền nước nhà trong câu hò bả trạo.

Lần này, hoạt động trình diễn nghệ thuật dân gian đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như hô hát bài chòi hay nằm trong quần thể di sản như múa Apsara, hoặc hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư của ngư dân ven biển Quảng Nam, múa tâng tung da dá, trình diễn trống chiêng và nghi thức dựng cây nêu, những người làm văn hóa Quảng Nam mong rằng bà con người Quảng xa quê sẽ tự hào với những bản sắc truyền thống của quê nhà...

Câu lạc bộ (CLB) hát múa bả trạo Bình Minh được lựa chọn trở thành đại diện cho cộng đồng cư dân ven biển xứ Quảng vào Nam.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình nói: “Đến với hát bả trạo cũng là dịp để con người trao truyền những kinh nghiệm, tái hiện cách thức lao động trên biển từ ngàn xưa, đồng thời cũng là chỗ dựa tâm linh khi con người đối mặt với thiên nhiên, với biển khơi đầy sóng gió.

Dù là người Quảng Nam nhưng tôi nghĩ sẽ có nhiều người xa quê không thể hiểu hết các giá trị ẩn sâu của loại hình nghệ thuật bả trạo. Lần này, chúng tôi chọn trích đoạn đặc sắc của hò bả trạo trong lễ hội cầu ngư để mong phần nào giới thiệu được bản sắc độc đáo này đến với người dân khắp nơi” - ông Hùng chia sẻ. 

Không thể thiếu gian trò chơi bài chòi đối với mỗi cuộc hội của người xứ Quảng. Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch tỉnh cho biết, tổ chức hội bài chòi lần này, với Đoàn Ca kịch khác những lần trước.

“Như thể chúng tôi đem quà quê đến cho người thân mình vậy. Các anh chị em nghệ sĩ rất háo hức chờ đợi đến ngày được vào tham gia chương trình “Những ngày văn hóa đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh”. Mong muốn của đoàn là kết nối để lan tỏa nghệ thuật bài chòi truyền thống của Quảng Nam cho nhiều thế hệ người Quảng tại miền Nam” - bà Mây chia sẻ. 

Không gian ký ức

Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh nói, ý tưởng tạo dựng một không gian ngập tràn ký ức quê nhà được Ban chấp hành Hội đồng hương Quảng Nam đặt ra. Ký ức là gì nếu không phải là câu hát câu hò của những đêm hội làng xứ Quảng.

Nghệ thuật múa Apsara được mang vào Nam để trình diễn cho bà con đồng hương thưởng thức. Ảnh: L.T.K
Nghệ thuật múa Apsara được mang vào Nam để trình diễn cho bà con đồng hương thưởng thức. Ảnh: L.T.K

Chính vậy, nên hằng năm, bà con đồng hương Quảng Nam ở phía Nam luôn có một ngày hội ngộ ấm áp và đầy nghĩa tình, do chính Hội đồng hương tổ chức. Đồng hành với người Quảng xa quê hơn 20 năm qua ở phương Nam, Hội đồng hương đã nhiều lần tổ chức gặp mặt đồng hương, nhưng phải tính từ tháng 3/2013, một ngày hội gặp mặt thực sự có quy mô mới được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen, thu hút hàng nghìn bà con xa quê tham gia.

“Mỗi người con của quê hương Quảng Nam dù đi đâu, ở đâu cũng luôn hướng về quê cha đất tổ và nuôi dưỡng tình nghĩa sâu nặng với mảnh đất quê hương. Đặc biệt, trên khắp các vùng đất phương Nam, nhiều lớp người quê quán Quảng Nam đến định cư và lập nghiệp, nhiều thế hệ con cháu sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên vùng đất mới nhưng vẫn in sâu trong trái tim và tâm hồn những hình ảnh thân thương về quê nhà Quảng Nam”.

(Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh)

Cũng chính từ cuộc gặp gỡ quy mô và ấn tượng này, hoạt động đồng hương của người Quảng Nam đã thực sự lan tỏa. Lần thứ 2 vào năm 2016 – Ngày hội Văn hóa đồng hương Quảng Nam thu hút hơn 100 ngàn người Quảng xa quê và cả người dân TP.Hồ Chí Minh tham gia.

“Ban đầu chúng tôi dự định 3 năm tổ chức một lần nhưng trong hai năm 2019 và 2021 do một số lý do, nhất là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên sự kiện không thể diễn ra như dự kiến. Cho đến thời điểm này, lần thứ 3 tổ chức, “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” được chuẩn bị để trở thành không gian ấm cúng, thân tình của những người Quảng xa quê.

Những người trong Ban chấp hành chúng tôi đã bàn nhau lên ý tưởng cho chương trình, sau đó, chúng tôi về làm việc cùng tỉnh nhà để huy động sự tham gia từ chính người dân tại quê nhà.

Đây cũng là điều đặc biệt khi bản sắc của xứ Quảng được chính người Quảng thể hiện, từ nghệ thuật truyền thống, các gian hàng quảng bá đặc sản cho đến tiềm năng tại địa phương để thu hút đầu tư.

Tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi vận động các doanh nghiệp của người Quảng xa quê, những nghệ sĩ gốc Quảng cùng tham gia các hoạt động. Do vậy, điều quan trọng hơn hết của “Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh” chính là tạo nên sự kết nối của người Quảng ở khắp nơi…” - ông Mai Phúc chia sẻ. 

Một mối thâm tình sẽ được bồi đắp thêm, bởi chính những âm giai, làn điệu cổ truyền...

XUÂN HIỀN