Người Quảng, hồi xưa ở Sài Gòn
(Xuân Canh Tý) - Cách đây nửa thế kỷ, lần đầu tiên tôi ăn tết xa nhà. Ngày ấy mới vào đại học, ngoài việc làm gia sư, mấy ngày tết, tôi còn nhận đi kéo màn sân khấu kiếm tiền ăn học, đâu có đủ tiền để mua vé máy bay; đi xe đò thì sợ “đạn nổ, bom rơi”. Quyết định xong, viết thư về nhà báo cho gia đình biết không về vui tết được, bởi… bài vở quá nhiều.
Giờ giao thừa, nhà nhà sáng rực đèn, mùi nhang trầm ngào ngạt, pháo nổ ầm vang, xen lẫn tiếng súng của những người lính trong xóm mang súng về nhà bắn thay cho tiếng pháo, hỏa châu chiếu sáng cả góc trời. Mấy anh em cùng quê ở lại ăn tết tha hương, chúng tôi cũng bày trà, mứt đón giao thừa. Tôi ngâm láo mấy câu thơ của Thế Lữ: “Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trong lúc gần xa pháo nổ ran/ Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang” (Giây phút chạnh lòng). Ai cũng cười, nhưng không ngăn được nước mắt.
Những cú “sốc” văn hóa
Cầm văn bằng tú tài 2 cùng với mấy bản sao giấy khai sinh, tôi và vài người bạn vào Sài Gòn nhằm thực hiện ước mơ ông cử, ông nghè, quan trọng hơn là kiếm tấm giấy hoãn quân dịch vì lý do học vấn. Chúng tôi đã nhờ người quen thuê trước một căn phòng để có chỗ đi về. Từng bước, qua giới thiệu của bạn bè, có người đi bỏ báo, có người đi gánh nước thuê, có người đạp xích lô,… nhưng thuận tay nhất vẫn là nghề gia sư, nên cuộc sống không mấy lo, chỉ lo mỗi việc học.
Thời của chúng tôi, từ nhỏ được gia đình và nhà trường giáo dục ăn nên đọi, nói nên lời; không ăn uống ngoài đường; không mặc đồ ngủ (pajama) ra đường, đi ra đi, đứng ra đứng… Nhưng Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông, không giống như trong trí tưởng của tôi. Người Sài Gòn nói riêng, người miền Nam nói chung, họ sống rất xởi lởi, đơn giản; họ quý cái tình cái nghĩa, chứ không để tâm mấy đến bề ngoài. Dưới cặp mắt của họ, xã hội chỉ có 2 thành phần: dân thầy và dân thợ. Những người ăn mặc chỉn chu như chúng tôi và tầng lớp công chức được họ gọi là thầy.
Mới đầu, chúng tôi có phần bị “sốc”. Mỗi sáng, những quán cà phê vỉa hè khá đông người, dân thầy, dân thợ đủ cả. Trước cổng trường đại học có bán đồ ăn sáng ở vỉa hè và nam nữ sinh viên, kể cả những người đi đường cũng sà vào, ngồi trên những chiếc ghế đòn gọi thức ăn và ăn rất tự nhiên. Nhiều khi thiếu ghế, họ sẵn sàng vừa đứng vừa ăn, hoặc ngồi chò hỏ xuống lề đường, vừa ăn vừa nhìn dòng người qua lại, chẳng có chi ngượng ngùng. Chiều chiều, quanh những xe đẩy bán phá lấu nóng hổi ở lề đường, đông nghịt nam thanh nữ tú. Họ vui vẻ xiên miếng phá lấu, ngước miệng lên cắn và nhai một cách ngon lành.
Vì sống tự lập, nên chúng tôi thay phiên nhau đi chợ, nấu ăn. Ở chợ, thanh niên trạc tuổi tôi, hoặc lớn hơn chút đỉnh rao hàng vang chợ, nào rau muống, nào cải xanh… rất tự nhiên. Cá mua xong, được người bán làm luôn tại chỗ, họ lóc da chứ không đánh vảy như ở quê nhà. Cái giỏi ở đây là họ làm rất nhanh mà con dao trên tay không hề phạm vào thịt. Những người mua cá về nấu cháo cho trẻ con hoặc người già ăn, thì yêu cầu người bán cá làm phi lê (filet). Người bán cá chẳng chút nề hà, con dao liếc qua vài nhát là xương ra xương, thịt ra thịt. Cá thác lác ở quê nhà thuộc loại cá không mấy người thích bởi xương nhiều thịt ít. Nhưng qua bàn tay của người bán cá ở các chợ Sài Gòn, thì họ nạo nhoắng một cái là thấy toàn thịt. Nạc cá thác lác mua về ướp rồi bỏ vào cái lon, dùng đũa quậy tròn theo thân lon chừng 5 - 6 vòng là cá dẻo quánh; chiên, kho, nấu canh đều trên cả tuyệt vời.
Những chuyện này, thời của tôi ở Quảng Nam không hề có.
Những chú bé nhà quê ra phố
Ngày ấy đến Sài Gòn, tôi và bạn bè đúng là những chú bé nhà quê ra phố. Khát nước, ghé vào xe nước ở vỉa hè, thấy đủ loại nước uống, trong đó có món “tắt vắt”, rất chi là lạ, bèn gọi ngay một ly “tắt vắt”. Khi người bán bê ly nước đặt lên bàn mời khách, tôi mới biết đó là nước trái quýt tắc vắt ra pha với đường, đá, giống như nước chanh đá ở quê nhà. Dù chủ quán không viết sai chính tả “tắc” thành “tắt”, tôi vẫn gọi như thường, vì… nghe lạ tai!
Một buổi sáng, người bạn “bốc” tôi lên xích lô đi xuống cà phê vỉa hè. Cà phê vỉa hè ở Sài Gòn chủ yếu là cà phê vợt/ cà phê kho, nhưng ở đây người ta uống bằng đĩa. Răng lạ rứa? Người bạn tôi lý giải, quán này phục vụ chủ yếu cho dân thợ, nên họ cần uống nhanh đi làm, không thời gian đâu mà ngồi nhâm nhi từng hớp, thả hồn theo “mây ngàn bay” như dân thầy. Cà phê đựng trong đĩa nhanh nguội hơn, chấm bánh mì cũng dễ dàng hơn để trong ly.
Chuyện nóng nguội này, tôi cũng có chút kỷ niệm. Vào quán cháo lòng, tôi gọi một tô. Chủ quán mang ra tô cháo nóng hổi, thơm lừng, kèm theo đĩa bún tươi. Tôi ăn hết tô cháo, rồi chan nước tương vào đĩa bún, ăn tiếp và nghĩ chắc chủ quán thấy mình còn trẻ nên biếu thêm đĩa bún cho chắc bụng. Sau này mới biết hầu hết quán cháo lòng ở miền Nam đều vậy cả. Cháo nóng, họ không thực hiện câu thành ngữ “cháo ăn quanh, nợ trả dần” như bà con quê xứ mình, mà bỏ bún vào tô cháo cho bớt nóng, dễ ăn. Đơn giản vậy thôi.
Ở Sài Gòn được vài năm, một lần tôi hỏi bạn bè cơm tay cầm là gì. Người bạn quê Duy Xuyên chê tôi nhà quê, vì cơm tay cầm chính là bánh mì mà không biết. Tôi nghĩ mình đúng là nhà quê, chuyện đơn giản như rứa mà nghĩ không ra. Mấy ngày sau, tôi cố tình đi ngang qua quán cơm tay cầm để xác minh lời giải thích của bạn, nhưng nhìn không thấy bánh mì đâu cả. Liếc vào quán, tôi thấy trên bàn thực khách không hề có bánh mì. Lúc này, tôi tin bạn mình chỉ suy đoán rồi “quăng lựu đạn”, chứ chẳng biết ất giáp chi.
Tiết kiệm và liều đi ăn thử cho biết. Cơm tay cầm là cơm đặt trong cái thố sành có tay cầm. Nhìn thố cơm của mình với thố cơm của những thực khách chung quanh, tôi thấy… mình làm cũng được, bởi ngoài gia vị, cơm nóng trộn với gà, sườn heo, hoặc lạp xưởng, gần giống như xôi xéo vịt mẹ tôi làm trong những ngày mưa lạnh ở quê nhà.
Tiếng Quảng quê mình là hay nhứt!
Người anh con bác tôi làm nghề thợ hồ (thợ xây, thợ nề). Anh có chút máu xê dịch trong người, nên tay bay tay thước đi làm thuê hết tỉnh này tới tỉnh khác. Tay nghề anh khá vững, nên đi tới đâu cũng có việc làm. Chuyện đồng áng giao vợ lo. Thu nhập của anh thành của dư của để. Một lần, anh nói với tôi, tiếng Quảng quê mình là hay nhứt! Ở nhiều tỉnh phía Bắc, con trâu nói là con châu, lờ nờ lẫn lộn, thậm chí có thể nói là… phản động. Ví như câu này “Dân đói, nhà nước lo”. Một chính sách hay như rứa, mà nói lẫn lộn giữa lờ nờ thì không phản động là răng mới phản động? Vùng Nghệ Tĩnh, nói con trâu thành con tru, đố ai hiểu được. Ru hời ru hỡi là ru/ Bên cạn thì chống, bên su thì chèo, là cái chi? Cố đô đó! Về miền Tây, nói con cá rô thành con cá gô. “Bắt con cá gô bỏ vô gổ kêu gột gột”. Nói rứa, chú thấy tiếng Quảng mình không hay răng được!
Nghe anh nói, tôi toát mồ hôi hột. Và nghĩ, hiện nay lớp trẻ Quảng Nam xa quê kiếm sống, cầu học nhiều hơn thời của tôi, cũng gặp phải những dị biệt văn hóa vùng miền, thậm chí mang tầm quốc tế. Nhưng tôi vững tin, lớp trẻ sẽ vượt qua và nhanh chóng thích ứng. Tôi chỉ mong “máu Quảng Nam” nên pha loãng đôi chút để biết mình biết người. Tự hào về nơi chôn nhau cắt rún, về quê hương rất đáng trân trọng song tự hào kiểu “tiếng Quảng quê mình là hay nhứt” thì… nên hãm phanh bớt.