Về với quê nhà

ĐẶNG QUỐC DOANH 31/12/2019 11:12

Vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, do nhiều lý do khác nhau đã có sự dịch chuyển lao động rất lớn từ Quảng Nam vào TP.Hồ Chí Minh. Theo dòng chảy ấy các làng nghề truyền thống về ươm tơ, dệt cũng có mặt tại thành phố này, lập nên một “làng” dệt may nổi tiếng mang tên Bảy Hiền giữa lòng Sài Gòn lúc bấy giờ.

Lễ chào cờ tại công ty vào sáng thứ hai hằng tuần.
Lễ chào cờ tại công ty vào sáng thứ hai hằng tuần.

Công ty CP Dệt may Tấn Minh cũng theo dòng chảy đó có mặt nơi đây từ rất sớm, cũng như bao doanh nghiệp khác, bước đầu khởi nghiệp từ tổ hợp tác rồi hợp tác xã, rồi công ty. Là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực dệt may trải dài từ Svay Rieng (Campuchia) đến Quảng Nam; tuy chưa có văn phòng chính thức tại Quảng Nam, nhưng công ty đã xây dựng ở đây 8 xí nghiệp may với quy mô vừa và lớn trải dài từ Duy Xuyên, Quế Sơn đến Thăng Bình và tất cả đều mang tên Ánh Sáng.

Trở về

Cứ vào dịp tết là dòng người chen chúc nhau trên những chuyến xe đường dài về quê, rồi ra giêng lại hối hả đón xe vào thành phố để kịp ngày. Suốt con đường thiên lý từ trung vào nam, dọc theo quốc lộ 1 từ Điện Bàn, Duy Xuyên Quế Sơn, Thăng Bình... dòng người tay xách nách mang, thậm chí còn địu cả con thơ vất vưởng trên các vỉa hè chờ xe vào Nam, để rồi cuối năm lại tất bật về quê. Cái vòng lẩn quẩn ấy kéo dài từ năm này qua năm khác tưởng chừng không dứt, làm cho người lao động vô cùng vất vả trên đường mưu sinh.

Sự chuyển dịch lao động ấy ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may và đâu đó, nếu thiếu 1 đến 2 lao động đứng máy là cả chuyền may bị dừng. Mà bà con mình khi đi rủ đi cả làng, khi về cả xóm cùng nghỉ, làm cho doanh nghiệp đứng ngồi không yên mỗi khi tết đến xuân về.

Dần về cuối những năm 90, tình trạng người lao động đi không trở lại bắt đầu xuất hiện, kết quả là các doanh nghiệp dệt may ở trong Nam khủng hoảng lao động trầm trọng. Các doanh nghiệp cứ tới tết tổ chức xe đưa đón lao động về quê, sau tết lại đón vô, song dòng người trở lại cứ thưa dần. Đây là cái khó bao trùm các doanh nghiệp phía Nam nói chung, Công ty Tấn Minh cũng không là ngoại lệ. Ban Giám đốc công ty suy nghĩ, hay là về quê mở xưởng làm ăn?

Nghĩ là làm, giám đốc công ty bắt đầu về quê. Vốn sinh ra và lớn lên bằng nghề truyền thống dệt may, việc dựng một xí nghiệp và tổ chức sản xuất không khó, cái khó là làm sao về quê thì phải giúp cho quê hương khôi phục và phát triển nghề truyền thống, giúp bà con ổn định việc làm để có thời gian gần gũi chăm sóc, phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần chấm dứt tình trạng tha phương cầu thực.

Thế là xí nghiệp Ánh Sáng ra đời, tâm lý chung khi quyết định đầu tư là chủ doanh nghiệp thường chọn những địa điểm thuận lợi hoặc gần đường giao thông lớn để tiện việc sản xuất kinh doanh, nhưng Công ty Tấn Minh chọn hướng đi khác. Các xí nghiệp may của công ty được đặt ở vùng sâu, vùng xa, những vùng còn khó khăn như Duy Hải (Duy xuyên) Quế An, Quế Thuận (Quế Sơn)... để giúp bà con có việc làm, tăng thu nhập.

Đến nay, chuỗi xí nghiệp may của Công ty Tấn Minh đã hoạt động ở Quảng Nam hơn 10 năm, với khoảng 1.700 lao động, thu nhập bình quân của người lao động tăng đều hằng năm, hiện ở mức bình quân hơn 8 triệu đồng/tháng/người...

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Là doanh nghiệp tư nhân, song Công ty Tấn Minh rất chăm chút xây dựng hội đoàn thể và tổ chức cơ sở đảng. Đến nay chi bộ công ty có 32 đảng viên, hầu hết công nhân là đoàn viên công đoàn, thanh niên được tổ chức Đoàn hướng dẫn sinh hoạt và khởi nghiệp.

Công ty lấy con người làm trung tâm, chi bộ làm nòng cốt, các đoàn thể phối hợp hoạt động. Chi ủy chi bộ không can thiệp sâu và các hoạt động công ty mà chủ yếu tổ chức tốt công tác đảng, xây dựng lịch sinh hoạt hợp lý, lấy đảng viên làm nòng cốt tuyên truyền và giáo dục chính trị, tư tưởng và phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phương châm xuyên suốt của công ty và được tất cả đảng viên ủng hộ là mỗi công nhân là một ông chủ, một KCS thực thụ; mỗi người tự chịu trách nhiệm trong từng sản phẩm, trong từng “đường kim sợi chỉ” không tồn tại bộ phận KCS trong công ty.

Sẽ là nói suông, nếu mọi lợi ích không được phân phối công bằng và kịp thời. Lãnh đạo công ty luôn thực hiện nhất quán, quyền lợi người lao động, các khoản nghĩa vụ nhà nước, cộng đồng và bảo vệ môi trường là ưu tiên số 1. Lương bổng được chi trả hợp lý cho từng vị trí; các nghĩa vụ luôn hoàn thành như thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường... Thực hiện tốt “3 không” (không nợ người lao động, không nợ Nhà nước, không nợ môi trường).

Ngoài ra, phúc lợi luôn được công ty tính đến, mỗi công nhân được hỗ trợ một bữa cơm trưa miễn phí tại xưởng, các hoạt động xã hội, từ thiện thường xuyên được tổ chức. Sáng thứ Hai các xưởng đều tổ chức chào cờ và hát Quốc ca bằng lời. Lãnh đạo công ty trực tiếp tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa. Công tác vệ sinh, môi trường, an toàn lao động được quan tâm đặc biệt, các xí nghiệp đều có hệ thống xử lý khép kín, các địa bàn có xí nghiệp của công ty hoạt động đều có môi trường thân thiện... Tất cả tạo thành môi trường văn hóa riêng có của Tấn Minh.

Được hỏi về lý do các xí nghiệp may ở Quảng Nam đều mang tên Ánh Sáng, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Lê Trung Hoan nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Nam, nơi có nghề ươm tơ dệt lụa. Người dân quê tôi thông minh, chịu thương chịu khó. Khi quyết định về quê đầu tư tôi đặt tên các xí nghiệp là Ánh Sáng, với hy vọng mang chút ánh sáng ấm no, xua tan nghèo khó cho bà con quê nhà”.

ĐẶNG QUỐC DOANH