Tiềm năng và cơ hội đầu tư về Quảng Nam
Chiều 28.9, tại TP.Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Nam, Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội đầu tư về Quảng Nam”. Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh cùng dự.
Hàng chục ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp là người Quảng Nam được đưa ra với mong muốn hiểu rõ về cơ chế chính sách và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trên các lĩnh vực. Ngoài những quan tâm về cơ chế ưu đãi, thì ở đó, còn thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với quê nhà, nhất là những doanh nhân trẻ.
Nông nghiệp, logistics và bất động sản
Đó là 3 lĩnh vực được quan tâm nhiều tại tọa đàm. Ông Lê Công Chính - đại diện một doanh nghiệp cho biết, công ty muốn đầu tư nhà máy ép rơm rạ thành ván ép chịu nhiệt theo công nghệ Mỹ hay tận dụng phế phẩm nông nghiệp để chế biến phân vi sinh phục vụ nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Địa bàn đặt nhà máy tại hai huyện Hiệp Đức và Thăng Bình. Lo ngại nhất của ông chính là hạ tầng thiết yếu nên muốn tìm hiểu kỹ hơn từ lãnh đạo các sở ngành.
Theo dõi và đánh giá cao nỗ lực của huyện Nam Trà My và của tỉnh đầu tư cho “quốc bảo” là sâm Ngọc Linh, nhưng PGS. Trần Minh Thái cho rằng vẫn chưa tương xứng. PGS.Trần Minh Thái bày tỏ tâm huyết bằng việc mang đến cho tọa đàm văn bản công trình nghiên cứu về chiết xuất dược phẩm từ củ sâm Ngọc Linh, ngõ hầu gợi ý cũng như tìm kiếm sự kết nối trực tiếp với người đứng đầu tỉnh để tìm hướng ra cho sâm Ngọc Linh, thay vì chỉ bán củ, lá chỉ để ngâm rượu như hiện nay.
Công ty CP Giải pháp Thương mại Aba - chuyên cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực vận chuyển bằng xe đông lạnh, cho thuê kho lạnh nên công ty này quan tâm đến chính sách ưu đãi của tỉnh trên lĩnh vực logistics. Công ty CP Việt Hương muốn đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi tại Duy Trung (Duy Xuyên) nhưng gặp trở ngại về hạ tầng và mặt bằng sạch. Đại diện hai doanh nghiệp này băn khoăn liệu họ có được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư như miễn 15 năm tiền thuê đất và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo? Mối quan tâm của hai công ty này cũng hướng đến chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Quảng Nam có gì khác biệt so với các địa phương khác.
Tương tự ông Từ Văn Phước - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc đặt vấn đề về vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đấu thầu, đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở thương mại. Ông Phước cho rằng, quá nhiều luật chồng chéo nhau, gây nản lòng cho doanh nghiệp. Đơn cử, nhà đầu có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì việc trả tiền thuê lại đất và phí sử dụng hạ tầng thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, rắc rối nảy sinh mà rốt cuộc đẩy doanh nghiệp đi vào ngõ cụt. Liệu ở Quảng Nam đã có hướng tháo gỡ?
Cam kết từ lãnh đạo tỉnh
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khái quát về các nhóm dự án của tỉnh để các doanh nghiệp định hướng và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo đó, vùng đông nam tập trung nhóm dự án Khu đô thị, du lịch Nam Hội An; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án công nghệ cao. Vùng tây là nhóm dự án phát triển rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng; nhóm dự án trồng cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến dược liệu; nhóm dự phát triển trồng trọt và chăn nuôi tập trung; nhóm dự án phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, văn hóa, lịch sử.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, ngoài những ưu đãi thu hút đầu tư theo quy định chung của Nhà nước, tỉnh cam kết hỗ trợ thủ tục đầu tư nhanh nhất có thể, nhất là trình tự triển khai thực hiện dự án. Đối với lĩnh vực bất động sản, Quảng Nam cũng không thể vượt thoát ra khỏi những quy định chung dù biết nhiều bất cập, thậm chí chồng chéo và “đá” lẫn nhau giữa các luật. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn Quảng Nam đảm bảo sẽ không có chuyện gây khó cho doanh nghiệp. “Hàng chục năm qua, các doanh nhân người Quảng Nam tại phía Nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh đã tích cực đầu tư, hỗ trợ phát triển quê nhà. UBND tỉnh cam kết luôn đồng hành và mong muốn đón nhận thêm nhiều sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp, doanh nhân, như đón nhận những người con trở về nhà” - ông Huỳnh Khánh Toàn nói.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT, hiện Quảng Nam có hơn 7.200 doanh nghiệp hoạt động. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới 34 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 10.430 tỷ đồng, điều chỉnh 30 dự án khác. Số dự án đầu tư trong nước tính đến thời điểm hiện tại là 620 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 170.000 tỷ đồng. Đồng thời hiện có 186 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, lĩnh vực đăng ký đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ. Theo ông Đặng Phong, trên thực tế trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng luôn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh cam kết sẽ linh hoạt giải quyết cho từng trường hợp cụ thể và Quảng Nam xem đây cũng là một hình thức ưu đãi cho nhà đầu tư.
Giải đáp những băn khoăn về logistics cũng như chuỗi cung ứng liên kết tại Quảng Nam, ông Đặng Phong cho rằng, hiện tại năng lực của các doanh nghiệp ở Quảng Nam khó có thể đáp ứng 100%, nhưng hy vọng đây sẽ là khoảng trống mà các công ty như Công ty TNHH Sợi dệt nhuộm may Phúc An, Công ty CP Nội thất NEM thêm cơ hội đầu tư tại các khu - cụm công nghiệp của Quảng Nam còn chưa được lấp đầy.
Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Quảng Nam có rất nhiều ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đã có tổng cộng 12 nghị quyết của HĐND tỉnh phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, việc xúc tiến đầu tư vào khu vực này rất chậm, không có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Do đó, với những gợi mở từ doanh nhân Phạm Trường Thành, Lê Công Chính và một số công ty khác cho vùng Tây của tỉnh, với trách nhiệm tham mưu, sở NN&PTNT cam kết sẽ hỗ trợ hết sức nếu các doanh nghiệp về đầu tư.
Rất nhiều ý kiến mà lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành trả lời cụ thể cho các doanh nghiệp bằng văn bản. Hy vọng, với biểu tượng chìa khóa đầu tư được Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu trao cho Hội doanh nhân Quảng Nam phía Nam tại buổi tọa đàm, sẽ là tín hiệu mới cho việc một lớp doanh nhân trẻ người Quảng sẽ “về quê” nay mai, bằng hàng loạt dự án triển vọng.