Mùi hương tết

SONG NGUYÊN 03/02/2016 15:20

(QNO) - Bây giờ, phòng tắm nhà nào cũng sáng trưng, ánh lên những lấp lánh của sự trơn tru, sạch sẽ, của những chai lọ phục vụ nhu cầu tắm táp, rửa ráy. Mùi thơm tỏa ra từ những chai lọ ấy. Nào là mùi táo, mùi dâu, mùi chanh hay bạc hà. Từ xà phòng gội tới dầu xả, từ xà phòng dạng cục hay dạng nước, từ các loại nước rửa tay rửa mặt. Có đủ các mùi hương để chọn lựa. Nhưng mặc cho những mùi thơm ấy bủa vây, tôi cứ mãi nhớ về nồi nước lá mẹ nấu ngày 30 tết, thơm lựng và lan tỏa trong không gian phòng tắm chật hẹp.  

Nồi nước lá gợi nhắc nhiều kỉ niệm thời ấu thơ. Ảnh: Internet
Nồi nước lá gợi nhắc nhiều kỉ niệm thời ấu thơ. Ảnh: Internet

Ngày tết, bận rộn nhất phải kể đến những người mẹ, người chị. Việc bếp núc, chợ búa, nhà cửa, con cái, nội ngoại, đều một tay họ chu toàn. Và bận bịu đến nỗi khi thời khắc giao thừa sắp đến, không ít người mới lật đật đi tắm. Họ dành thời gian tắm lâu hơn ngày thường. Tắm để cảm nhận mùi nước lá thơm nồng mà không phải ngày nào họ cũng có cơ hội.

Ngày 30 tết, những người phụ nữ quê tôi luôn bỏ chút thời gian để tìm các loại lá nấu nước tắm, gội. Gội đầu thì họ gội bằng nước bồ kết, hay lá sả, lá bưởi. Tắm thì tắm nước rau ngò già. Các loại rau ấy dễ tìm, có khi chỉ đi dạo ngoài vườn là đã có trong tay nắm lá thơm tho ấy. Mẹ tôi ngày lên thành phố sống cùng con cháu, cũng mang theo thói quen tắm nước lá. Dù trong phòng tắm bày đầy các loại xà phòng, dù bình nước nóng lạnh luôn phát huy tác dụng, dù ở thành phố việc tìm lá bưởi lá chanh không thuận lợi như ở nhà quê, nhưng mẹ vẫn cứ mơ về những nắm lá. Nhất là ngày cuối năm, mẹ nhất định phải tắm cho bằng được nước lá rau ngò mới chịu. Có lẽ cái mùi nước lá đêm 30 có ý nghĩa trong đời mẹ, như một thứ nghi lễ bắt buộc. Nó gột sạch, gội rửa những bụi bặm mà chừng như không một loại xà phòng thơm tho nào có thể thay thế được. Nó cuốn trôi những điều không may mắn trong năm cũ, và mang lại sự tinh khiết, sạch sẽ, thú vị cho năm mới.

Mỗi khi ngửi mùi nước lá ấy, tôi nhớ quê, nhớ mẹ vô cùng. Nhớ ngày 30, khi nồi bánh tét vừa vớt ra, cũng là lúc mẹ tôi nấu nồi nước tắm trong một cái nồi đồng thật lớn. Mẹ nấu nhiều, để ai cũng được tắm “tổng kết” cuối năm, được đắm chìm trong mùi hương thoang thoảng mà nồng nàn ấy. Nếu ai đã từng sinh ra và lớn lên ở những miền quê, thì đều trải qua những chiều 30 tắm nước lá ngò. Cái mùi vị nước lá ấy, với không ít người, đã trở thành nỗi khắc khoải, nhớ thương. Tôi tin, họ luôn dành một góc nhỏ trong tâm hồn để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên nồi nước lá “thần thánh” năm nào.

Đứng gần những ai vừa mới gội đầu hay tắm táp bằng các loại nước lá, cảm giác mình được… thơm lây. Họ như bông hoa đồng nội giữa những ngày năm hết tến đến. Dân dã và nồng đượm. Ngày 30 tết, tôi cũng muốn “gột mình”, để không chỉ được thơm tho, mà còn sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, bên nồi nước lá mẹ nấu cho cả nhà.       

Phụ nữ bây giờ nhiều người có xu hướng hoài cổ. Chuyện nấu nước lá không còn là hiếm hoi. Bằng chứng là các tiệm gội đầu bằng thảo dược vẫn được nhiều khách chọn lựa. Anh bạn tôi kể rằng, thỉnh thoảng vợ anh “chui” ra từ nhà tắm, mang theo mùi hương cực kỳ dễ chịu, giống mùi hương của bà, của mẹ anh một thời. Lúc ấy, bước chân vào phòng tắm, mùi nước lá còn phảng phất, bám vào khăn vào tường, vào khoảng không gian nhỏ bé mà tinh tươm của họ. Anh chờ đợi cái ngày 30 tết để được tắm “ké”, được sống lại ký ức ngày thơ. Và để an ủi anh rằng, dù giữa Sài thành hoa lệ, vẫn có thể bắt gặp mùi hương chiều 30 tết, nồng nàn không cưỡng nỗi. Và tin rằng, chẳng có mùi hương xà phòng nào sạch sẽ, thơm tho như mùi hương lá, mà nhất là mùi hương lá ngày 30. Hôm ấy, anh sẵn sàng bắt cho vợ nồi nước lá lên bếp. Đợi nước sôi sùng sục. Chốc chốc hỏi vợ “xong hết việc chưa, anh cho nước vào nhà tắm?”.

SONG NGUYÊN

SONG NGUYÊN