Hải ơi!

TRẦN VĂN CHƯƠNG 27/07/2023 09:53

(QNO) - Đêm xuống. Từ trên cầu tàu đảo Trường Sa Lớn, những cánh tay, những ngọn đèn pin của ngư dân, công nhân, chiến sĩ, cả những bàn tay còn dính bụi phấn của thầy cô giáo đưa lên tiễn biệt…    

Di ảnh của liệt sĩ Phạm Phú Hải tại bàn thờ tổ tiên gia đình.
Di ảnh của liệt sĩ Phạm Phú Hải tại gia đình.

Hồi còi tàu hú vang. Trên tàu KN 491, hàng trăm cán bộ, doanh nhân, sinh viên, và anh chị em của Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” đang cất lên Khúc quân ca Trường Sa của Đoàn Bổng: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa…”.

Tàu rẽ sóng, những ánh đèn đêm vẫn còn sáng lấp lánh trên đảo. Những giọt nước mắt thương yêu của những thành viên đoàn công tác đã chảy. Ngồi trên boong tàu, nhìn bờ bến đảo khuất dần, trong tôi dâng lên niềm thương yêu vô tận.

Chú thím Mười là bố mẹ Hải, anh Phạm Phú Quý, anh cả Hải (bên trái) và anh Huỳnh Kim Tân, đồng đội cùng đơn vị Hải tại nhà bố mẹ Hải.
Chú thím Mười là bố mẹ Hải, anh Phạm Phú Quý, anh cả Hải (bên trái) và anh Huỳnh Kim Tân, đồng đội cùng đơn vị Hải tại nhà bố mẹ Hải.

Mới chiều nay, đoàn công tác còn đến thăm, tặng quà các chiến sĩ, trao sách vở, đồ chơi và đá bóng cùng các em nhỏ. Thăm và dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ, cầu an ở chùa. Dự lễ duyệt binh cùng cán bộ lãnh đạo và chiến sĩ. Biểu diễn văn nghệ... Hơi ấm của những cái ôm những cái bắt tay thật chặt vẫn còn đây. Vậy mà giờ đây, nhìn về phía đảo xa đang khuất dần vào đêm, nghĩ về những con người kiên trung giữa biển trời ấy, những gương mặt, ánh mắt đang dõi theo từng con sóng đêm để giữ vững đảo thiêng liêng của Tổ quốc ấy! Tôi muốn gọi to lên giữa trùng dương: Hải ơi!

Hải là bạn học cùng lứa tôi ở quê. Tên bạn là Phạm Phú Hải, sinh ngày 1/12/1967, tại Cẩm Kim, Hội An, Quảng Nam. Hải là chiến sĩ Trường Sa đầu tiên của làng. Chiến sĩ Trung đoàn 83, Bộ Tư lệnh Hải quân.

Điều không ai muốn, tôi cũng không muốn nhắc đến: Hải là người lính đầu tiên của quê tôi hy sinh ở Trường Sa, ngày 30/9/1988. Đó là lý do vì sao những ngày cùng đoàn công tác đến các đảo ở Trường Sa, tôi vẫn thấy Hải như đang hiển hiện đâu đây giữa biển đảo, đất trời quê hương. Hơi ấm của bạn theo tôi trên từng hải trình đến các đảo.

Cô Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm CLB Vì Hoàng Sa- Trường Sa thân yêu với mầm non Trường Sa, trong chuyến công tác đến Trường Sa.
Cô Trương Mỹ Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu với mầm non Trường Sa, trong chuyến công tác đến Trường Sa.

Trường làng của chúng tôi học ngày ấy khó khăn trăm bề. Tôi và Hải sinh hoạt chung đội trống. Những chiếc trống ếch lẹt đẹt thủng rách đủ chỗ. Hải nói vui: Chúng mình là đội trống cóc! Mỗi lần chúng mình “gầm" lên là quân nhà trời cũng bịt cả tai! Hải hiền, cái hiền của người con hiếu thảo trong gia đình nền nếp của làng. Không nói tục, không phá phách, không hái ổi, hái xoài của ai. Tôi ấn tượng đôi mắt của Hải. Đôi mắt ấy, mãi đến giờ, mỗi lần nhớ đến tôi như đang thấy Hải cười sáng cả tuổi thơ hồn nhiên năm nào. Chúng tôi lớn lên từ “khoai mụt, sắn dăm” vậy mà đến tuổi 17 ai cũng “bẻ gãy sừng trâu”. Hải nhập ngũ, ra giữ đảo, và… ở lại không về! Hơn ba mươi năm sau, chúng tôi mới “gặp nhau” giữa biển trời bao la của Tổ quốc: Trường Sa.

Hải ơi! Hơn ba mươi năm trước, Hải và những đồng đội đã lấy máu xương giữ đảo. Hôm nay, mình và những thế hệ tiếp theo góp phần công sức xây dựng đảo ngày càng tươi đẹp!

Thầy giáo và học sinh ở Thị trấn Trường Sa.
Thầy giáo và học sinh ở Thị trấn Trường Sa.

Khoe với Hải! Mình là thành viên Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”! Hải còn nhớ hồi nhỏ coi phim Anh Trỗi ở sân vận động không? Hình ảnh kẻ thù tra tấn chiến sĩ cộng sản, dùng đinh đóng lên mười đầu ngón tay của một nữ tù làm cho chúng ta vô cùng căm phẫn. Người con gái kiên trung ấy là chị Y trong tác phẩm “Sống như Anh” của Trần Đình Vân. Và nhân vật chị Y ấy chính là cô Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, là Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu” của mình bây giờ.

Những lần về trao học bổng và nói chuyện với thầy cô giáo và học sinh ở Quảng Nam, cô Hoa luôn nhắc đến anh Nguyễn Văn Trỗi, người bạn tù năm xưa. Nhớ về anh Trỗi là cô lại khóc. Giá như ngày xưa mình biết được những điều này thì cảm nhận về tác phẩm “Sống như Anh” chắc sâu sắc hơn phải không Hải?

Hải ơi! Từ tấm lòng vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, cô Trương Mỹ Hoa đã vận động hàng vạn tấm lòng vì biển đảo. Bằng chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, liên tiếp trong hai năm 2013, 2014 đã xây dựng được hai ngôi trường trên quần đảo Trường Sa. Đó là trường Tiểu học thị trấn Trường Sa và trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn.

Đảo Sinh tồn, nơi Hải đóng quân năm ấy, bây giờ đã khang trang và vẫn kiên trung, hiên ngang, vững vàng như bao đời nay. Ở đảo, hàng ngày có cả tiếng ê a học bài của các em nhỏ. Những giây phút được gần gũi các em nhỏ giữa mênh mông đảo trời quê hương nơi đầu sóng ngọn gió này, bỗng thấy tuổi thơ mình trở lại. Đội trống ếch của các em giờ xịn hơn chúng mình ngày xưa nhiều, Hải ạ! Các em được thầy cô dạy dỗ bên dưới mái trường khang trang, sách vở và các điều kiện học tập ngày càng phong phú và hiện đại, các em vẫn hồn nhiên, ngoan ngoãn như học sinh nơi đất liền. Nhưng, vẫn thấy thương tuổi thơ các em sớm phải “ăn sóng nói gió” cùng bố mẹ nơi đảo tiền tiêu này!

Tác giả bài viết tại đảo Tiên Nữ (Tháng 5/2017)
Tác giả bài viết tại đảo Tiên Nữ (Tháng 5/2017)

Hải à! Các đảo đóng quân mà chúng mình đến đã tốt lên rất nhiều so với những năm Hải ở đây. Những đồng đội của Hải năm nào ngoài nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo, giờ đây họ còn biết lợi dụng sức gió, ánh nắng biến thành năng lượng điện. Họ còn trồng rau xanh quanh nơi đóng quân, nuôi những đàn vịt nước mặn béo tốt. Trong chuyến ra đảo lần này, bọn mình còn mang ra hàng chục tấn phân bón, giống rau, củ, quả… để cho các chiến sĩ trồng dần. Khi đoàn công tác đến, chiến sĩ còn giao lưu văn nghệ, nhiều người quê làng quan họ đã tặng cho đoàn những câu ca đậm tình quê hương. Có giọng hát bội Quảng Nam, cải lương Sài Gòn nữa!

Giờ đây, đảo và đất liền không còn khoảng cách Hải ơi!

Những năm qua CLB đã vận động hàng trăm tỷ đồng hướng về biển đảo thân yêu. Hàng năm, CLB cử các đoàn công tác ra thăm, động viên và tặng quà các đơn vị, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Trao hàng ngàn suất học bổng cho con em chiến sĩ hải quân, xây nhà tình nghĩa cho các chiến sĩ là đồng đội của Hải ở khắp mọi miền đất nước. Học sinh con em ngư dân ở quê mình cũng được nhận học bổng này. Nhiều em đã vượt khó, học tốt và thành đạt. Nhắc về quê hương, mình muốn Hải biết rằng Hội An đã là Di sản văn hoá thế giới, làng mộc Kim Bồng chúng mình giờ đã khác ngày xưa. Nhà cao cửa rộng, đường xá thênh thang, điện đóm sáng trưng, nhà nhà phát triển. Du khách nước ngoài ra vào tấp nập. Hải còn nhớ đồng đội Huỳnh Kim Tân! Ngày giỗ nào của Hải, Tân cùng đồng đội ra mộ thắp nhang rồi quây quần bên mâm cơm với gia đình, sẻ chia những kỷ niệm về Hải. Ngày Hải hy sinh, Tân cùng đồng đội đưa Hải vào Nghĩa trang bán đảo Cam Ranh, ba năm sau, quê hương và gia đình đã đưa Hải về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hội An.

Hải đã về quê mẹ, yên nghỉ.

Nhưng đêm nay, giữa biển trời Trường Sa, trên con tàu KN 491 này, tôi vẫn nghĩ: Hải - bạn tôi, liệt sĩ Phạm Phú Hải, chiến sĩ Trường Sa, số hiệu quân nhân 87.104.383, vẫn đang cùng đồng đội canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Từ trong trái tim, tôi thầm gọi: Hải ơi! Biển, đảo ơi! Hoàng Sa - Trường Sa ơi!  

(Dâng lên hương hồn bạn tôi - liệt sĩ Trường Sa Phạm Phú Hải). 

TRẦN VĂN CHƯƠNG