Đấng chân tu Thích Hành Tuệ
Đại đức Thích Hành Tuệ là tấm gương sáng về đạo pháp và lòng yêu nước giữa ngục tối ở “địa ngục trần gian”.
1. Đại đức Thích Hành Tuệ sinh năm 1935 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Lộc Tân, nay là xã Đại Phong (Đại Lộc). Lúc còn nhỏ ông tên Đấu, lớn lên đi hoạt động cách mạng đổi tên Nguyễn Thới.
Năm 1956, địch ráo riết truy lùng cán bộ kháng chiến, nhiều người bị bắt thủ tiêu, một số người trốn thoát chuyển vùng hoạt động. Nguyễn Thới được cha là ông Nguyễn Hữu gửi vào chùa Cổ Lâm (xã Đại Đồng, Đại Lộc) để theo học Phật pháp và tham gia hoạt động cách mạng cùng với nhiều người yêu nước đóng vai tu hành. Sau đó, Nguyễn Thới được gửi đi tu học tại chùa Phước Lâm (Hội An), lấy pháp danh Thích Hành Tuệ.
Ngày 12/5/1980, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Thới. Ngày 13/8/1985, Chủ tịch nước Trường Chinh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất ghi nhận những công lao to lớn của Đại đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
TP.Hồ Chí Minh đã đưa tên Đại đức Thích Hành Tuệ vào quỹ đặt tên đường. Hội Tù yêu nước huyện Đại Lộc đang làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền xét truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho ông.
Năm 1963, phong trào Phật giáo ở miền Trung phát triển mạnh lan rộng đến các tỉnh miền Nam, đẩy cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm lên cao trào.
Lúc bấy giờ Đại đức Thích Hành Tuệ theo chân Hòa thượng Thích Trí Quang vào Sài Gòn, làm nhiệm vụ giữ mối liên lạc chặt chẽ giữa phong trào Phật giáo miền Trung với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam khu Sài Gòn - Gia Định thông qua đầu mối đơn tuyến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.
2. Phật đản năm 1966, bà con Phật tử ở nhiều nơi bị đàn áp và khủng bố ráo riết, Đại đức Thích Hành Tuệ bị địch bắt, đưa vào giam tại khám Chí Hòa.
Năm 1968, Đại đức Thích Hành Tuệ cùng một số tù chính trị khác bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, Đại đức Thích Hành Tuệ luôn đi đầu trong phong trào chống chào cờ Việt Nam Cộng hòa, chống lao động khổ sai, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Địch đưa Đại đức Thích Hành Tuệ vào giam ở phòng biệt lập, suốt ngày bị xiềng xích, đe dọa đến tính mạng nhưng Thích Hành Tuệ vẫn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Không khai thác được gì ở đấng chân tu này, tháng 7/1968, địch đưa Đại đức cùng một số tù chính trị khác về giam tại khám Chí Hòa để tiếp tục khai thác.
Cựu tù chính trị ở khám Chí Hòa còn truyền tụng câu chuyện đối đáp thông minh và đầy bản lĩnh của Đại đức Thích Hành Tuệ. Có một lần viên Trung tá, Quản đốc khám Chí Hòa đến thị sát, gặp gỡ và hỏi Đại đức Thích Hành Tuệ: “Này ông kia, tu thật hay giả bộ tu vậy?”. Đại đức điềm tĩnh trả lời: “Thưa Trung tá, tôi xuất gia từ hồi nhỏ”.
Tên quản đốc hất hàm, xấc xược hỏi: “Ông tu đến chức gì rồi? Vào đây còn ăn chay không?”. Đại đức ôn tồn trả lời: “Tôi trước khi bị bắt là Đại đức. Tôi ăn chay từ khi xuất gia, đến giờ vẫn vậy”.
Vẫn với thái độ xấc xược và hống hách, viên quản đốc hỏi: “Vậy ông giải thích cho tôi, tại sao vô lễ chùa lại thắp ba nén hương, mà không phải một, hai hay bốn, năm nén?”. Đại đức ung dung trả lời: “Xin lỗi Trung tá, cho tôi được hỏi, Trung tá lấy tư cách một quản đốc nhà tù hỏi một tù nhân hay tư cách của một Phật tử hỏi một Đại đức?”. Bất ngờ trước câu hỏi ngược đầy thông minh, tên Trung tá ấp úng trả lời: “Tôi hỏi... thầy... với... tư cách một... Phật tử!”.
3. Tháng 11/1968 địch đưa ông trở lại Côn Đảo và giam ở khu “chuồng cọp”. Tại đây, ông tiếp tục đấu tranh đòi trả quyền tự do cho những người tù. Đại đức Thích Hành Tuệ bị giam chung với các bạn tù Đào Duy Nghệ, Hai A (tức Đỗ Văn Minh) tại “chuồng cọp” số 5 (khu “chuồng cọp” II).
Đại đức nằm cạnh Hai A ở phía trong, còn Đào Duy Nghệ nằm gần cửa để nghe ngóng động tĩnh, theo dõi động thái của gác ngục, phán đoán tình hình để có biện pháp đối phó.
Một ngày đầu tháng 7/1970, phát hiện đoàn nghị sĩ Mỹ vào thị sát khu “chuồng cọp”, Đào Duy Nghệ ra hiệu cho Đại đức Thích Hành Tuệ biết để chủ động tìm cách tố cáo tội ác của nhà tù.
Khi đoàn đi qua, Đại đức Thích Hành Tuệ hét to: “Chúng tôi đói! Chúng tôi khát! Chúng tôi bị đòn!...”. Nghe tiếng người nói, cả phái đoàn tập trung lại một điểm trên nóc “chuồng cọp” số 5 để tìm hiểu, ghi âm, quay phim, chụp hình...
Lợi thế là đang mặc áo nhà tu, Đại đức dõng dạc tuyên bố: “Tôi là một nhà sư và tôi đấu tranh cho hòa bình từ năm 1966. Tôi ở đây không vì lý do gì ngoài mong muốn hòa bình. Tôi bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho hòa bình”.
Trong đoàn nghị sĩ Mỹ, Tom Harkin (lúc bấy giờ là nhân viên trợ lý tại Quốc hội Mỹ, sau này là Thượng nghị sĩ bang Iowa) kịch liệt phản đối việc không đưa thông tin về chuồng cọp tại Côn Đảo vào nội dung báo cáo.
Sau đó không lâu được nhà báo Mỹ Don Luce đang tác nghiệp tại chiến trường miền Nam Việt Nam hỗ trợ, Tom Harkin đưa chuyện này ra báo chí. Khi câu chuyện cùng các bức ảnh được tạp chí Life đăng tải vào ngày 17/7/1970 làm cho cả nước Mỹ chấn động và dấy lên phong trào yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trước sức ép của dư luận quốc tế, chính quyền Sài Gòn phải phá bỏ “chuồng cọp”. Đại đức Thích Hành Tuệ cùng một số tù chính trị khác được chuyển về giam giữ ở khu “chuồng bò”. Tại đây, Đại đức tiếp tục dẫn đầu phong trào chống đàn áp, chống cưỡng bức tư tưởng, chống lao động khổ sai...
Tháng 11/1971, địch tăng cường đàn áp, đưa tù nhân đi giam tại khu “chuồng cọp” kiểu Mỹ mới xây dựng. Đói, rét đến tận xương tủy nhưng không làm nhụt chí đấu tranh mà ngược lại tinh thần ngày càng dâng cao, nhất là lúc Thích Hành Tuệ dùng dao tự mổ bụng phản đối chế độ hà khắc của bọn tay sai, làm cho địch một phen bạt vía kinh hồn.
Do đói khát và do hậu quả của những trận đòn thù từ nhiều năm trước, Đại đức Thích Hành Tuệ phát bệnh nặng, thường xuyên ho ra máu. Vào sáng 28/1/1973, Đại đức Thích Hành Tuệ đã vĩnh biệt đồng đội đồng chí, ra đi trên tay Đào Duy Nghệ tại bệnh xá trại VII.
Phần mộ của Đại đức Thích Hành Tuệ hiện ở tại khu C, nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bài vị và di ảnh Đại đức được đưa về thờ tại chùa Diệu Pháp (đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh).