Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam

LÊ NĂNG ĐÔNG 11/05/2023 07:41

Với đồng chí Phan Văn Định, phút giây tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, khi tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam có lẽ là khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Vì ông bắt gặp được lý tưởng của Đảng, sống trọn vẹn với nhiệt huyết tuổi trẻ, cùng chiến đấu với những đồng chí rất kiên cường trên con đường giành độc lập dân tộc...

Đồng chí Phan Văn Định (thứ hai từ trái sang) trong một lần về thăm Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Ảnh tư liệu
Đồng chí Phan Văn Định (thứ hai từ trái sang) trong một lần về thăm Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Ảnh tư liệu

Đồng chí Phan Văn Định sinh ngày 11/5/1903, trong gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Đông Thái, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi học xong bậc tiểu học, Phan Văn Định thi đỗ vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, học ngành lái ô tô vì nghĩ rằng trở thành người lái xe có điều kiện đi lại nhiều nơi, từ đó có thể tìm hiểu và tuyên truyền tinh thần yêu nước.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Phan Văn Định được tặng thưởng Huy hiệu 50, 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tưởng nhớ công lao, những đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng Quảng Nam trong những buổi đầu gieo hạt, tên của đồng chí Phan Văn Định đã được đặt tên cho một tuyến đường tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ.

Cuối năm 1927, Phan Văn Định tham gia tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (VNCMTN) ở Đà Nẵng. Tháng 4/1928, được một người bạn giới thiệu Công sứ người Pháp đang cần một lái xe giỏi tiếng Pháp, Phan Văn Định vào Hội An.

Tại đây, với tấm bằng lái xe loại ưu, biết chữa ô tô, lại từng là lái xe riêng cho một bác sĩ người Pháp ở Đà Nẵng, Phan Văn Định trở thành lái xe cho Công sứ.

Ở Hội An một thời gian, qua giới thiệu của đồng chí Đỗ Quang, Phan Văn Định tham gia sinh hoạt với Chi bộ Hội VNCMTN Hội An. Tháng 3/1929, Kỳ bộ Trung Kỳ chủ trương tách Đà Nẵng ra khỏi Tỉnh bộ Quảng Nam, Phan Văn Định được cấp trên chỉ định tham gia Ban Chấp hành Tỉnh bộ Hội VNCMTN Quảng Nam.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tối 28/3/1930, tại Cây Thông Một, bãi cát Trường Lệ (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An), với sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Phong Sắc - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam ra Thông cáo về thành lập Đảng bộ. Đồng chí Phan Văn Định được cử làm Bí thư Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Chủ bút báo Lưỡi Cày

Ngay sau khi thành lập Đảng bộ, nhân kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), nhằm tập hợp, gây ảnh hưởng, thanh thế của Đảng trong quần chúng nhân dân, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động sâu rộng, như rải truyền đơn, treo cờ Đảng. Bên cạnh tờ báo Bẻ Xiềng của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương ra báo Lưỡi Cày, Thị ủy Đà Nẵng ra báo Còi Nhà Máy.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định là người khởi xướng đồng thời là người phụ trách số ra đầu tiên của báo Lưỡi Cày. Ngày 1/5/1930, được xem là ngày ra số đầu tiên của báo Lưỡi Cày - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Không chỉ là người lãnh đạo, chỉ đạo chung, đồng chí Phan Văn Định còn làm nhiệm vụ phát hành: “Lợi dụng việc lái xe cho Công sứ Pháp vào Tam Kỳ, đồng chí Phan Văn Định còn đem và rải truyền đơn, báo Lưỡi Cày dọc quốc lộ 1, làm cho tri phủ Tam Kỳ ngỡ ngàng, lúng túng tìm cách đối phó”.

Do việc lái xe cho viên Công sứ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo phong trào cách mạng, đặc biệt là xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng nông thôn, nên trong cuộc họp Tỉnh ủy tháng 8/1930, đồng chí Phan Văn Định đã đề nghị đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư Tỉnh ủy thay mình.

Hồi ký của đồng chí Phan Văn Định có viết: “Việc cử đồng chí Thâm thay tôi rất dễ hiểu: tôi ít gần phong trào lại vướng mắc việc nhà sứ (lái xe cho Công sứ), không có điều kiện và đủ sức để đáp ứng phong trào đang dồn nén như nước lũ áp bờ. Tỉnh ủy họp nhất trí cử đồng chí Phạm Thâm làm Bí thư, phụ trách các huyện từ Quế Sơn trở vào, tôi Phó Bí thư phụ trách tổ chức, ấn loát, tài chính”.

Tấm gương người cộng sản kiên trung

Cuối năm 1930, Cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt giam, báo Lưỡi Cày tạm dừng. Đồng chí Phan Văn Định bị bắt giam tại nhà lao tỉnh Quảng Nam.

Để lãnh đạo phong trào, đồng chí Phan Văn Định đã cùng anh em thành lập Ban trật tự nhà lao, nhằm tập hợp và hướng dẫn tù nhân bị giam cầm giữ vững tư thế đấu tranh và tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân; đồng thời cho ra tờ báo lấy tên Nẻo nhà pha. Không thể in ấn, tờ báo được viết bằng tay, được lưu truyền bí mật. Năm 1931, Phan Văn Định bị chuyển xuống nhà lao Hội An, từ đó báo Nẻo nhà pha ngừng hoạt động.

Tại nhà lao Hội An, Phan Văn Định cùng các đồng chí khác tiếp tục cuộc đấu tranh. Để đối phó với tù nhân, tháng 8/1931, bọn thống trị tăng án một số người và đày hơn 20 người mà chúng cho là “nguy hiểm”, “cứng đầu” ra Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, trong đó có Phan Văn Định.

Tháng 8/1934, đồng chí Phan Văn Định được ra tù và bị đưa về quản thúc tại quê nhà. Năm 1937, đồng chí được tổ chức đảng ở Bến Thủy cử tham gia đón tiếp phái bộ điều tra tình hình Đông Dương của Chính phủ Pháp do Go-đa dẫn đầu. Năm 1940, do những hoạt động trên, đồng chí bị địch bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh.

Tháng 3/1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Đức Thọ. Ngày 8/8/1945, Ban Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại hội nghị này, Phan Văn Định được cử vào Ủy ban Khởi nghĩa huyện Đức Thọ, làm ủy viên quân sự. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí gia nhập quân đội và tham gia chỉ huy đánh quân Pháp ở mặt trận Na-Pê, Lào. Từ tháng 4/1946, đồng chí chuyển sang công tác ở Bộ Tư lệnh Quân Liên Khu 4, giữ chức Trưởng ban Giao thông vận tải Quân khu.

Từ tháng 10/1949, chuyển sang Cục Quân nhu của Tổng cục Hậu cần, giữ chức Giám đốc xưởng 30, xưởng 10. Từ tháng 1/1957, đồng chí chuyển về Cục Nông trường, Bộ Quốc phòng, giữ chức Giám đốc Nông trường Thắng lợi và từ tháng 6/1962 làm Giám đốc Nông trường 20/4. Năm 1966, đồng chí nghỉ hưu và tham gia công tác ở địa phương.

Những người từng tiếp xúc, nghiên cứu về vị lão thành cách mạng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Định đều nhận thấy ở ông một đức tính nổi bật, đó là sự khiêm nhường. Năm 1979, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức sưu tầm, xuất bản hồi ký của các vị tiền bối cách mạng, nhà văn Nguyễn Bá Thâm được phân công viết về cụ Phan Văn Định.

Nhà văn vẫn còn nhớ như in về lần gặp gỡ ấy: “Ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là một con người rất thong dong, điềm đạm, kể chuyện cực kỳ khiêm tốn, không khoe khoang chức vụ gì cả.

Khi tôi hỏi chuyện về những năm tháng cụ hoạt động ở Đà Nẵng, Hội An rồi làm Bí thư Tỉnh ủy, cụ kể rất khiêm tốn, chủ yếu kể về phong trào, kể về đồng đội của mình như vợ chồng ông Lê Văn Hiến - bà Thái Thị Bôi, ông Huỳnh Lắm, bà Trần Thị Dư… Mọi thứ với cụ rất chân tình, rất dễ gần gũi”.

Quảng Nam là quê hương thứ hai của tôi

Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Phan Văn Định đã nhiều lần trở lại Quảng Nam và luôn xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình. Đồng chí đã trở lại những nơi từng gắn bó trong thời gian hoạt động ở Quảng Nam, Đà Nẵng, thăm một số cơ sở cách mạng trung kiên. Đặc biệt đã tham gia cung cấp tư liệu và cho nhiều ý kiến quý báu để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh biên soạn tập “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng 1930 - 1975”.

Sinh thời Phan Văn Định luôn coi xứ Quảng là quê hương thứ hai của mình, nơi ông đã tìm gặp được lý tưởng của Đảng, đã sống những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Trong lòng ông luôn sống động bao kỷ niệm thiết tha với những người đồng chí, bạn bè Quảng Nam thuở gieo hạt mầm cách mạng.

Trong hồi ký “Mầm giống” được in trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt”, đồng chí đã viết: “Tôi đã ra đi, đến đất Quảng Nam, tìm được những bạn bè cùng chí hướng để chống Pháp. Mới mấy năm, từ những hạt giống cách mạng đầu tiên gieo xuống mảnh đất này mà bây giờ đã cắm sâu, lan tỏa khắp các vùng nông thôn rộng lớn. Tôi bất chợt nhận ra một điều sâu kín trong tình cảm của mình: Tôi đã gắn bó với đồng bào, đồng chí ở đây. Tôi đã gắn bó với Quảng Nam từ giờ phút mới đến tìm đất sống. Và chính ở đây, tôi đã tìm ra con đường lý tưởng của mình”.

Ông Phan Văn Vũ - con trai của đồng chí Phan Văn Định có thời gian gần gũi và phục vụ cha của mình trong những ngày trọng bệnh. Ông Vũ nói: “Ở quê hương không ai biết bố tôi từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Cụ cũng không kể với ai điều này. Những đêm nằm ôm tôi vào lòng, cụ bảo quãng đời ở Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là cái phút giây tại bãi cát Trường Lệ, Hội An, khi tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam là giờ phút sung sướng nhất. Vì ông bắt gặp được lý tưởng của Đảng, sống trọn vẹn với nhiệt huyết tuổi trẻ, đã cùng chiến đấu với những đồng chí rất kiên cường”.

LÊ NĂNG ĐÔNG