Hai chọn lựa, một tấm lòng

LÊ THÍ 02/04/2023 08:08

Cử nhân Lê Tấn Toán (1837 - 1887) và Khâm sai Nguyễn Hữu Lịch (1840 - 1887) đã ung dung nhận “tam ban triều điển” vì đã ngấm ngầm ủng hộ phong trào Cần Vương. Sự chọn lựa trong “tam ban” của hai vị tuy có khác nhau nhưng đều xuất phát từ một tấm lòng và thể hiện một nhân cách.

Mộ Lê Tấn Toán ở Hà Lộc (Điện Dương,Điện Bàn). Ảnh: L.T
Mộ Lê Tấn Toán ở Hà Lộc (Điện Dương,Điện Bàn). Ảnh: L.T

Tam ban triều điển

Để quản lý xã hội, các nhà nước quân chủ của nước ta đã nhận thức được vai trò của luật pháp nên quan tâm ban hành pháp luật. Trong lịch sử hai bộ luật quan trọng nhất được ban hành là Quốc triều hình luật, thường được gọi là Bộ luật Hồng Đức ban hành trong thời kỳ 1460 - 1497 dưới triều Lê Thánh Tông. Bộ luật thứ hai là Hoàng Việt Luật lệ còn gọi là Luật Gia Long ban hành vào năm 1815.

Bên cạnh những điều luật được ban hành và áp dụng rộng rãi trong công chúng, triều đình phong kiến còn đặt ra các điều lệ. Một điều lệ đặc biệt là Tam ban triều điển. Lệ này lúc đầu đặt ra nhằm tạo điều kiện cho giới vua quan thanh toán lẫn nhau vì khác quan điểm, vì tư thù… mà không cần xét xử có thể gây ồn ào dư luận, xáo trộn nhân tâm. Dần dần lệ này được mở rộng, thành phần bị chi phối ngày càng nhiều hơn.

Tam ban triều điển (三 班 朝 典) là lệ hoàng đế ban “ân sủng” cho thần tử được tự xử để giữ thể diện thông qua việc chọn lựa một trong ba cách chết: dùng dải lụa trắng để tự treo cổ; dùng thanh Long tuyền bửu kiếm để tự đâm vào cổ họng hay tim; tự uống chén độc dược (thường là chén giấm thanh hòa với thuốc phiện).

Ngày trước nhiều người đã chết oan nghiệt vì lệ này do quan điểm “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” nhưng phần lớn là do phải ở trong thế “bị cưỡng bức”.

Lê Tấn Toán và chén độc dược

Lê Tấn Toán sinh năm 1837, người làng Hà Lộc, huyện Diên Phước, nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn. Ông thi đỗ cử nhân khoa Tân Dậu 1861 dưới thời Tự Đức nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Học trò của ông rất đông, nhiều người thành đạt. Nổi danh trong số ấy là Nguyễn Duy Hiệu - lãnh tụ của phong trào Cần Vương (1885 - 1888) và Châu Thượng Văn - liệt sĩ của phong trào kháng thuế năm 1908.

Giữa Nguyễn Duy Hiệu và Lê Tấn Toán có mối quan hệ đặc biệt. Lúc nhỏ Nguyễn Duy Hiệu từ Thanh Hà đã khăn gói ra Hà Lộc để được học với thầy Lê Tấn Toán. Ông đã thọ nhận từ thầy những bài học vỡ lòng không chỉ về kiến thức mà cả về tiết tháo, đạo đức của một kẻ sĩ, về lòng yêu nước thương dân. Còn thầy giáo Lê Tấn Toán đã gửi cả hoài bão không thành của mình vào cậu học trò nhỏ khôi ngô tuấn tú và giàu nghĩa khí là Nguyễn Duy Hiệu. Tình thầy trò vì thế đã trở thành tri kỷ.

Khi Nguyễn Duy Hiệu trở thành lãnh tụ của phong trào Cần Vương, bằng uy tín và nhân cách của mình, thầy cử Lê Tấn Toán giúp học trò kêu gọi sĩ phu khắp nơi quay về dưới bóng cờ đại nghĩa. Vì thế, có lời đồn đoán rằng cử nhân Lê Tấn Toán là quân sư của Nghĩa hội Cần Vương.

Tuần phủ Quảng Nam là Châu Đình Kế rất tức giận nhưng không có cớ để bắt Lê Tấn Toán. Y liền bày mưu tổ chức một bữa tiệc cho mời cụ Lê đến vừa để răn đe vừa ép Lê Tấn Toán viết thư gọi học trò về hàng. Giữa bữa tiệc y bảo: “Thiên hạ khen thầy là người đức độ. Triều đình cũng mong thầy dốc sức đào tạo nhân tài ra giúp nước. Nào ngờ thầy lại có hạng học trò như Hường Hiệu, đúng là một thằng giặc!”.

Không dằn được cơn giận, thầy cử Toán đứng vụt dậy, thẳng tay ném ly rượu xuống nền nhà, quắc mắt bảo: “Thời thế này, chẳng biết ai là giặc, ai là vua. Quan Tuần nên cẩn trọng lời nói”. Nói xong, ông đùng đùng bỏ ngang bữa tiệc ra về.

Ngày 6/9/1887 (20/7 Đinh Hợi), thầy giáo Lê Tấn Toán bị bắt giải về tỉnh đường Quảng Nam và bị kết án “tam ban triều điển” vì tội làm “quân sư” cho Ngụy Hội. Ông đã ung dung chọn chén thuốc độc để giữ tròn khí tiết. Nghe tin thầy qua đời, các học trò của Lê Tấn Toán đã tụ tập trước tỉnh đường mua một tấm lụa bạch phong kín thi thể của thầy rồi lấy khăn bịt đầu kết lại thành võng đưa thầy về an táng trọng thể tại quê nhà Hà Lộc.

Sau đó mấy ngày, khi bị bắt, Nguyễn Duy Hiệu đã đề nghị được đến mộ để lạy thầy. Nguyễn Thân không cho. Khi cũi giải qua làng Hà Lộc, Nguyễn Duy Hiệu đã ngồi trong cũi bái vọng thầy. Cảnh tượng làm ai cũng xúc động!

Nguyễn Hữu Lịch và thanh gươm oan nghiệt

Nguyễn Hữu Lịch sinh năm 1840 tại làng Khê Lâm tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang (nay là thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng). Ông quê gốc ở làng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Ông nội ông là cụ Nguyễn Hữu Sao đã rời Thanh Quýt đến miền tây Hoa Vang để khai thác vùng đất mới lập nên làng Khe Lâm.

Mộ Nguyễn Hữu Lịch (cùng phu nhân) ở Khe Lâm (Hòa Sơn,Hòa Vang). Ảnh: L.T
Mộ Nguyễn Hữu Lịch (cùng phu nhân) ở Khe Lâm (Hòa Sơn,Hòa Vang). Ảnh: L.T

Từ nhỏ dù nhà nghèo Nguyễn Hữu Lịch vẫn tỏ ra rất ham học. Ông đã từng một mình lặn lội đến nhiều nơi để “tầm sư học đạo”. Năm 1864 lần đầu tiên ông lều chõng đi thi nhưng phải đợi đến khoa thi năm Đinh Mão (1867) dưới thời Tự Đức mới đỗ cử nhân. Sau đó ông được bổ làm việc ở Bộ Binh dưới quyền của Tôn Thất Thuyết - một người thuộc phe chủ chiến ở triều đình.

Cuối năm 1884 khi đang giữ chức Lang trung Bộ Binh, ông được Tôn Thất Thuyết tiến cử giữ chức Khâm sai Thanh - Nghệ - Tĩnh kiêm Đổng lý Thanh Hóa.

Là Khâm sai của triều đình Đồng Khánh nhưng Nguyễn Hữu Lịch lại làm việc cho ông vua kháng chiến Hàm Nghi. Trên cương vị Đổng lý ông đã cho xây dựng nhiều đồn sơn phòng ở miền tây cả ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, lập các đội quân “Đoàn kiệt” và “Phấn nghĩa” ra sức luyện tập chờ ngày quyết chiến với quân thù.

Khâm sai Nguyễn Hữu Lịch cũng từng đến Hà Tĩnh, vào chiến khu Hương Khê để thăm và động viên thủ lĩnh Phan Đình Phùng cũng như nhiều lần hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa của Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân ở Ba Đình.

Việc bị bại lộ, cuối năm 1887, Đồng Khánh từ Huế gửi ra Thanh Hóa “tam ban triều điển”. Khi nhận ba vật “vua ban”, Nguyễn Hữu Lịch đã bái vọng về phía căn cứ của Hàm Nghi và vẫy tay chào vĩnh biệt thuộc hạ rồi vào phòng và đóng kín cửa. Ông đã chọn thanh kiếm Long tuyền để kết liễu đời mình. Sáng hôm sau lính hầu mở cửa vào thì ông đã chết. Thi hài ông được vùi tạm, không được dựng bia, không được tổ chức lễ an táng.

Năm 1905, con cháu Nguyễn Hữu Lịch mới bí mật đưa di cốt ông về an táng tại quê nhà. Họ đào mộ vào đêm khuya, bốc lấy hài cốt rồi đắp lại nguyên trạng. Họ đi bộ về quê, không dám đi tàu xe vì sợ bị lộ. Khi an táng ông tại một nơi hoang vắng ở Hố Quốc, con cháu hết sức giữ bí mật, chỉ được thăm viếng từng người một, thắp hương thì phải chờ tàn hương, gói cả tro lẫn que mang về.

Thế nhưng người Pháp và triều đình Huế vẫn dò ra tung tích, ra lịnh xiềng ngôi mộ lại. Mãi đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân và chính quyền Hòa Vang mới làm lễ phá xiềng cho ngôi mộ của ông.

LÊ THÍ