Sổ tay công tác của cố Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh

VÕ HÀ 14/02/2023 15:26

(QNO) - Kể từ ngày giải phóng miền Nam, sau thời gian 7 năm làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng (1975-1982), tháng 3/1982, trước khi ra Hà Nội nhận công tác ở Trung ương đảm nhận chức vụ Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Hồ Nghinh đã giao cho Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng các cuốn sổ tay công tác của mình [trong thời kỳ chiến tranh có 5 cuốn, trong thời kỳ hòa bình có 22 cuốn). 

Trong đó, có ghi lại các ý kiến chỉ đạo trên các mặt công tác, từ việc phục hồi sản xuất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng Đảng... rất đáng quan tâm.

Chúng tôi xin trích dẫn 4 ý kiến của đồng chí Hồ Nghinh về cải tạo xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực công thương nghiệp, nông nghiệp sau giải phóng năm 1975 và nếu đặt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì nhiều vấn đề có tính linh hoạt cao, tránh được quan điểm duy ý chí, tả khuynh, giáo điều.

Các sổ tay công tác của Bí thư Hồ Nghinh.
Các sổ tay công tác của Bí thư Hồ Nghinh.

Trong cuộc họp Tỉnh uỷ ngày 15/12/1975 bàn về vấn đề cải tạo và phát triển kinh tế, đồng chí Hồ Nghinh chỉ đạo:

“Vấn đề quan trọng hiện nay là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, còn các mục tiêu khác làm cho khéo. Hiện nay, vấn đề lưu thông hàng hoá ở Sài Gòn làm rối quá. Hàng hoá nhân dân làm ra, khả năng ta mua đến đâu thì mua đến mức đó là cần thiết, số còn lại thì để cho tư sản tự do mua bán. Còn nếu chúng ta quản lý tất cả thì sẽ rối quá.

Trước mắt là ta bán sĩ, còn lại thì sử dụng mạng lưới tiểu thương ta bán lẻ để giảm thất nghiệp. Cách mua bán như vậy là tốt, có thể bán lẻ ở mức cần thiết. Yêu cầu chính là đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hành hoá.

Cải tạo quan hệ sản xuất năm 1976 cần phải chỉnh lại, làm không khéo sẽ rối ngay. Cải tạo các thành phần kinh tế là cả một quá trình, không phải cái gì cũng làm ngay, cái chính là tập trung cho sản xuất. Làm thì phải tập trung chỉ đạo, không được làm lung tung, mạnh ai nấy làm. Đảng, chính quyền, đoàn thể là một khối tập trung, không chia cắt, tức là Đảng lãnh đạo, dân làm chủ, chính quyền quản lý. Không phải miền Bắc làm như thế nào là miền Nam làm y như thế. Phát huy quyền làm chủ của quần chúng thì mới phát huy được mặt tích cực của quần chúng, nếu chúng ta làm như hiện nay thì quần chúng sinh ra tiêu cực, phải thực hiện dân chủ trên mọi mặt sản xuất và đời sống”.

Đồng chí Hồ Nghinh thời ở Hòn Tàu (Quế Sơn).
Đồng chí Hồ Nghinh thời ở Hòn Tàu (Quế Sơn). Ảnh tư liệu
Trong cuộc họp Tỉnh uỷ tháng 1/1977 bàn về vấn đề cải tạo và quy hoạch nông thôn, đồng chí Hồ Nghinh chỉ đạo:

“Những biến đổi xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật ngày càng có ảnh hưởng to lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. Do đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa cần quan tâm: Tăng năng suất lao động, hạ giá thành nông phẩm, nâng cao đời sống cho nhân dân lao động, giảm cách biệt mức sống giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng, đổi mới nông thôn có ý nghĩa thực tiễn và chính trị, xã hội to lớn. Nội dung cần thực hiện:

- Nông nghiệp hoá nông thôn; cải tạo và xây dựng đồng ruộng; hiện đại hoá nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, tạo diều kiện tăng cường sức lao động, giảm giá thành, tăng chất lượng, tăng sản phẩm [số lượng].

- Cải tạo và xây dựng xóm làng, tăng cường đời sống vật chất và văn hoá; phát huy sức lực và tinh thần của nông dân, phục vụ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa; xóa dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nông dân và công nhân; tạo điều kiện để tiến hành cuộc cách mạng về cải tạo xóm làng và xây dựng người nông dân mới (xóm làng, nông thôn mới không đơn thuần chỉ là nơi ở mà là nơi nghỉ ngơi, học tập, vui chơi, giải trí...); phát triển công trình thuỷ lợi (thuỷ lợi hoá có ý nghĩa to lớn)” [như công trình đại thuỷ lợi Phú Ninh].

Trong cuộc họp Tỉnh uỷ ngày 11/7/1979 bàn về vấn đề phát triển công nghiệp, đồng chí Hồ Nghinh chỉ đạo:

“Công nghiệp địa phương phải mở rộng hoạt động, vừa đáp ứng hàng tiêu dùng vừa cung cấp nguyên vật tư, dụng cụ, máy móc cho nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống và đảm bảo quốc phòng.

Phải quan niệm đúng vai trò của tiểu thủ công nghiệp, không phải là bỏ kinh tế cá thể, có khi nó lại quan trọng, đóng góp vào kinh tế chung cho Tổ quốc.

Phải nắm vững quan niệm phát triển sản xuất, nhất là đảm bảo tính hiệu quả của công tác cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Phải chú trọng việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách quản lý nhà nước một cách phù hợp, có sự điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phát triển công nghiệp địa phương.

Về tổ chức bộ máy quản lý công nghiệp địa phương: Trong công tác cải tạo quan hệ sản xuất, phải kết hợp giữa cải tạo và xây dựng, lấy xây dựng làm mục đích chính, khắc phục tư tưởng nóng vội, tránh quan niệm đơn thuần cho rằng mục đích cải tạo là chỉ nắm, thu mua sản phẩm, như vậy tất yếu kết quả là sau cải tạo sản xuất sẽ teo lại. Mọi con đường nóng vội đều đem lại tiêu cực. Trái lại phải hiểu cải tạo theo nguyên tắc rộng, không phải đơn thuần là xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ mà quan trọng hơn là xoá bỏ tính chất cũ, thể hiện trong lối suy nghĩ, cách làm ăn, xây dựng con người mới phải hơn cái cũ trước đó. Phải biết vận dụng các hình thức cải tạo linh hoạt từ thấp đến cao, phù hợp với từng ngành nghề, từng địa bàn, đó cũng chính là vận dụng linh hoạt quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất, sản xuất phải gắn với thị trường”.

Trong cuộc họp Tỉnh uỷ ngày 22/5/1981 bàn về vấn đề cải tạo và kinh doanh công thương nghiệp, đồng chí Hồ Nghinh chỉ đạo:

“Khẩn trương mở rộng kinh doanh công thương nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng và tăng cường quản lý thị trường: Phải mở rộng kinh doanh công thương nghiệp trên tất cả lĩnh vực như thu mua, bán buôn, bán lẻ, ăn uống, dịch vụ…; cần giải quyết các điều kiện cần thiết về tiền vốn, vật tư, kho bãi, bao bì; mở rộng mạng lưới kinh doanh thương nghiệp của hợp tác xã; nâng cao về cung cách quản lý, nghiệp vụ, phẩm chất, văn hoá kinh doanh mới; linh hoạt về giá cả, về phương thức kinh doanh, kéo sức mua thị trường ở mức hợp lý.

Có mấy vấn đề cụ thể:

- Nắm kỹ các khâu mấu chốt có tính quyết định trong kinh doanh thương nghiệp: Nắm các nguồn hàng do Nhà nước cấp, các nguồn hàng cho các xí nghiệp của hợp tác xã sản xuất theo kế hoạch; vận hành cơ chế khoán Nhà nước theo giá thoả thuận; thu mua các món hàng lớn cung cấp theo định lượng và phương án theo nhiệm vụ từng thời kỳ; thu mua các loại hàng hoá theo nhu cầu trên mọi lĩnh vực đời sống của nhân dân.

- Tổ chức lại kinh doanh mới, theo nhu cầu của thị trường.

- Tăng cường bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kinh doanh [kinh tế] về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ về lĩnh vực này có tính chiến lược, có phẩm chất đạo đức tốt

- Thực hiện sản xuất theo doanh số có tiền thưởng, nhất là trong việc thực hiện phân phối lưu thông và xây dựng mạng lưới thương nghiệp mạnh.

- Tích cực và khẩn trương thi hành các biện pháp quản lý thị trường như: Hoàn thành đăng ký kinh doanh, tăng cường bộ máy thu thuế, chống nạn trốn thuế, buôn lậu, gian lận.

- Thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng dựa theo kế hoạch khung của Nhà nước, nhất là các mặt hàng vật tư, nguyên nhiên liệu, vật liệu…; đồng thời, điều chỉnh một số mặt hàng sản xuất trong nước”.

Một trang trong sổ tay công tác của đồng chí Hồ Nghinh.
Một trang trong sổ tay công tác của đồng chí Hồ Nghinh.

Thông quá các ý kiến trên cho thấy, việc cải tạo tư sản (tiểu thương) là một việc làm cần khéo, linh hoạt, không rập khuôn theo kiểu miền Bắc. Bởi trước năm 1975, kinh tế miền Nam khác về bản chất so với kinh tế miền Bắc, nếu làm y như chỉ đạo chung thì rất dễ dẫn đến sự kháng cự, chia rẽ là một bộ phận tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà tư sản miền Nam.

Một ví dụ điển hình lúc bấy giờ là, đồng chí chỉ đạo cho Sở Giao thông Quảng Nam - Đà Nẵng không đưa 600 xe vận tải vào diện cải tạo mà đưa vào diện công tư hợp doanh, qua đó không chỉ giữ lại được lượng xe hiện có mà còn phát triển thêm, phục vụ hiệu quả cho xây dựng và chiến đấu. Ban cải tạo Trung ương nhiều lần nhắc nhở, nhưng đồng chí âm thầm lặng lẽ, bí mật chỉ đạo các cấp thực hiện theo kiểu của mình vì lợi ích và hạnh phúc của giới công thương nghiệp, lực lượng có công đóng góp tài sản cho cách mạng, cho kháng chiến. Nhờ có sự chỉ đạo, đưa ra quyết sách phù hợp với thực tế cuộc sống của đồng chí Hồ Nghinh đã đem đến sự đổi thay bộ mặt kinh tế - xã hội của một vùng đất trước đây bị bom mìn giặc cày xới. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm đầu sau giải phóng đã vinh dự được bình chọn là đơn vị dẫn đầu cả nước, hạn chế được các hệ quả không đáng có.

Rõ ràng, đồng chí Hồ Nghinh đã có góc nhìn theo kinh tế thị trường ngay từ sau giải phóng khi đồng ý về quan điểm cần có sự tự do mua bán theo thị trường, gắn với thị trường với sự đảm nhận của các tiểu thương. Đồng thời, cần khen thưởng, trả lương theo doanh số, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tránh cào bằng nhằm kích thích người lao động.

VÕ HÀ