Lê Đình Kỵ - "Hối nhân bất quyện"
(Xuân Quý Mão) - “Hối nhân bất quyện” là chữ của Khổng Tử, dùng để tôn vinh những người cả một đời dạy người không biết mệt mỏi. GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ là một trong những người như thế.
Để trở thành người thầy - theo đúng nghĩa của từ này - thầy Lê Đình Kỵ phải có những nỗ lực vượt bậc, mà chủ yếu là bằng con đường tự học. Nhân 100 năm ngày sinh của GS - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2023), nhớ thầy để tự răn mình vậy.
Người thầy tiên phong
Thầy Lê Đình Kỵ sinh ra ở một làng quê nghèo ven sông Thu Bồn ở Điện Hồng (Điện Bàn). Học hết bậc tiểu học ở quê, Lê Đình Kỵ ra Huế học trung học tư thục Việt Anh, đỗ Tú tài 1, chuyển vào học năm cuối bậc trung học ở trường Pétrus Ký, Sài Gòn, thi đỗ Tú tài 2 (1944), trở về quê bắt đầu hành nghiệp với cương vị là ông giáo làng. Và, mảnh bằng Tú tài là bằng cấp cao nhất cho đến cuối đời.
Thế mà, bằng sự nỗ lực của bản thân, thầy đã kinh qua nhiều cương vị công tác như tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng Nam khi Nhật đảo chánh Pháp, tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hội An.
Thầy làm công tác tuyên truyền và bình dân học vụ, có ba năm phục vụ trong quân đội với tư cách là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn. Rồi Lê Đình Kỵ xuất ngũ vì lý do sức khỏe, chuyển về dạy Trường Trung học kháng chiến Lê Khiết (1952-1954).
Từ đây thầy liên tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục gần 70 năm, qua các trường cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội), cấp 3 Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958) và khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (1980) cho đến lúc nghỉ hưu.
Thầy kể rằng: “Cha tôi là nông dân, có học qua chữ Nho. Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì. Có lẽ vì vậy mà khi vào đời, tính tôi rất dễ dãi, không khuôn phép như con nhà Nho”.
Lê Đình Kỵ xuất hiện với tư cách nhà khoa học bắt đầu từ những năm tháng giảng dạy đại học. Với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trang bị ít ỏi trong nhà trường, thầy tiếp tục tự học, học thêm tiếng Nga, chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể cùng các đồng nghiệp dịch các công trình lý luận văn học bằng tiếng Nga.
Dịch nhưng không để ảnh hưởng bởi các công trình dịch thuật, không chịu bằng lòng với các lý thuyết văn chương của nước ngoài, thầy đã tự biên soạn công trình mới theo hướng đi riêng. Giáo trình “Các phương pháp nghệ thuật” chỉ 122 trang ra đời đã gây một cuộc tranh luận sôi nổi, kéo theo hàng chục nhà khoa học tham gia.
Điều thú vị là những chỗ người ta phê phán, cho rằng thiếu khoa học, sai lập trường giai cấp, nay sau nửa thế kỷ đọc lại, có thể thấy tác giả hoàn toàn đúng, thậm chí có thể coi là người tiên phong đổi mới tư duy lý luận văn học.
Theo Trần Hữu Tá, trong toàn bộ sự nghiệp của GS. Lê Đình Kỵ, “nổi trội hơn cả là hai chuyên luận về Truyện Kiều và Thơ mới”. Tuy ít nhiều có sự vận động trong nhận thức, gắn liền những bước thăng trầm của thời cuộc, song quan điểm nhất quán về văn học và phê bình văn học đối với Lê Đình Kỵ là sự tự do khai phóng, trao đổi một cách dân chủ.
Hơn 20 công trình phê bình về thơ của các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ... đã xếp Lê Đình Kỵ vào hàng các nhà phê bình thơ hàng đầu của nước ta, bên cạnh tên tuổi như Hoài Thanh, Hoài Chân.
Người thầy tài hoa
Phong cách phê bình của Lê Đình Kỵ không chỉ dựa trên những cảm thụ tinh tế tác phẩm, phát hiện những giá trị mới, tạo cho người đọc sự đồng cảm, mà còn vận dụng tư duy lý luận văn học vào việc thẩm định giá trị thi giới của mỗi tác giả, điều chỉ có những người am tường về lý luận văn học mới có được những thao tác luận chuẩn xác. Vì vậy, nhiều bài phê bình thơ của Lê Đình Kỵ trở thành kinh điển, được in lại nhiều lần trong các sách giáo khoa.
Dường như đối với con người tài hoa này, viết không còn là một thao tác cơ học, mà là sự thể hiện tất cả hồn cốt, khí chất, vẻ đẹp lung linh làm mê đắm lòng người của văn chương câu chữ.
Đồng thời chữ cũng không chỉ nhằm biểu đạt nghĩa mà còn có cả sự ấm nóng của tâm hồn có sức lay động, lan truyền, vẫy gọi thị giác cảm nhận và tiếp cận vấn đề bằng sự đồng cảm khi có sự hạnh ngộ, không phải mơ hồ mà có tính chất xác tín. Phép ma thuật chữ nghĩa của Lê Đình Kỵ đã đạt đến cảnh giới thâm hậu và là bài học lớn cho những người đam mê nghiệp văn chương noi theo.
Với riêng tôi, người học trò nhỏ của thầy, ngoài quan hệ thầy trò, còn có tình đồng hương từ làng quê ven sông Thu Bồn. Khi còn học ở Hà Nội, cũng như khi thầy đã chuyển vào Sài Gòn, tôi nhiều lần đến thăm và xin sự chỉ giáo về chuyên môn từ thầy.
Trong những lần lui tới ấy, tôi chứng kiến cuộc sống giản dị như chính làng quê ruộng lúa, biền dâu của thầy. Lạ lắm, một con người hơn nửa thế kỷ sống ở hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và Sài Gòn, nhưng cuộc sống phố xá dường như không hề tác động gì đến thầy.
Đi đâu thầy vẫn mang theo làng quê mình đến đó, với lối sống lặng lẽ, thanh bần, đạm bạc, có phần hơi cô độc. Có gia đình, vợ con, nhưng thầy chọn cách sống riêng để tập trung vào công việc nghiên cứu khoa học và không làm phiền ai.
Nhiều người kể rằng, thầy có mấy chục cái chén, mỗi bữa dùng một cái, xong để dồn đó, cho đến khi nào dùng hết đến cái cuối cùng, mới dọn rửa một lần. Có lần tôi tới căn hộ tập thể của thầy ở Sài Gòn, bừa bộn đủ thứ, dưới sàn nhà có đống bã mía.
Thầy lấy tay cào dồn đống bã mía lên cao, đặt lên đó bộ khay trà, kéo hai chiếc ghế nhỏ mời ngồi, rồi lấy tay kỳ cọ hai cái tách trà, dùng nước sôi tráng rồi rót trà mời khách.
Thấy tôi nhìn ái ngại, thầy nói như một lời giải thích: “Một tuần, hoặc mươi ngày mình mới bỏ thời gian rửa dọn một lần. Không nên mất thời gian vào những việc nhỏ nhặt ấy. Sống là để làm được việc gì, chứ để rửa dọn, thì sống làm gì?”.
Nhìn hàng chục cuốn sách đang mở trên bàn, ngọn đèn bàn vẫn sáng với trang giấy đang viết dở, tôi không chỉ hiểu được mục tiêu, lẽ sống của thầy, mà còn cả ý nghĩa nhân sinh của kiếp người.
Có lẽ, vì thế mà thầy là một trong những trường hợp hiếm hoi, không biết có phải duy nhất không, tuy chỉ có bằng Tú tài mà được phong hàm giáo sư chuyên ngành văn học (1984), không qua giai đoạn phó giáo sư; được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1988) mà không qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú.