Di ngôn của Phan Châu Trinh
Sau ngày về nước (28/6/1925), Phan Châu Trinh đã có hai buổi diễn thuyết ở Sài Gòn. Hậu thế vẫn xem đây là “di ngôn” cuối cùng ông gửi lại quốc dân đồng bào.
Những ngày tháng cuối cùng của nhà cách mạng
Sau 14 năm trên đất Pháp với rất nhiều hoạt động sôi nổi và cả những “trải nghiệm đắng cay” Phan Châu Trinh không còn mơ hồ về một nước Pháp theo tinh thần “dân quyền” của Montesquieu và J.J Rousseau mà ông đọc được trong Tân thư. Ông quyết về nước tiếp tục con đường tranh đấu của mình.
Nhiều lần đòi người Pháp để ông trở về, mãi đến năm 1924 khi thấy sức khỏe ông đã suy kiệt họ mới đồng ý cho về. Phan Châu Trinh liền viết thư cho Nguyễn An Khương nhờ cho Nguyễn An Ninh sang đón ông về.
Ngày 29/5/1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời Pháp, đến ngày 28/6 thì cập cảng Sài Gòn. Một cuộc đón tiếp cảm động diễn ra tại bến cảng. “Tàu cập bến vào lúc trời bắt đầu tối và mưa lâm thâm nhưng nhiều người, nhiều ô tô đợi trên bến tàu, vẫy khăn gọi tên…
Một số được lên tàu đón, vây quanh Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh. Ai cũng muốn gặp Phan Châu Trinh; ông có vẻ gầy gò, má hóp, da đã nhăn nheo nhưng mắt rất sáng, nét mặt và cử chỉ rất kiên quyết dứt khoát…” (Phan Thị Minh, Tạp chí Xưa & Nay số 461, tháng 7/2015).
Sau đó có một bữa tiệc đón tiếp Phan Châu Trinh diễn ra tại Chiêu Nam lầu. Tại bữa tiệc ông đã hé lộ một số thông tin với báo chí: sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh bất bạo động (để giữ thế hợp pháp lâu dài), đòi cải cách dân chủ, mở mang dân trí và nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân (như tinh thần của phong trào Duy tân); sẽ sống ở Sài Gòn bằng nghề viết sách báo, khi điều kiện cho phép và cần thiết mới về Trung và ra Bắc.
Chỉ mấy ngày sau khi về nước, bất chấp bệnh tật, Phan Châu Trinh đã lao vào nhiều hoạt động sôi nổi trong phong trào yêu nước. Ông về Trà Vinh, Mỹ Tho cùng Nguyễn An Ninh, Lê Ấm (rể) và Phan Thị Châu Lan (con gái út) để cảm ơn những người đã giúp đỡ ông những ngày ông bị an trí ở đây và có lẽ ngầm vận động ủng hộ cho những hoạt động của ông sắp tới (3/8 - 22/8).
Ông cùng nhóm của mình đề ra chương trình hoạt động trước mắt: Vận động xây dựng một nhà in để ra một tờ báo song ngữ Việt - Pháp, thành lập một trường học để vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề, lập một nhà hội để diễn thuyết, in một số sách báo để tuyên truyền vận động.
Ông đánh điện cho Khâm sứ Trung Kỳ gợi ý việc chấm dứt chế độ quân chủ vừa chuyên chế vừa bù nhìn ở Trung Kỳ nhân sự kiện vua Khải Định qua đời (7/11). Phan Châu Trinh cũng đại diện cho Trung Kỳ cùng Phan Văn Trường (đại diện cho Bắc Kỳ) và Nguyễn Phan Long (đại diện Nam Kỳ) gặp Toàn quyền Đông Dương Varenne đưa thỉnh nguyện thư đòi cải cách chế độ cai trị ở Việt Nam, mở rộng dân chủ và dành ưu tiên cho các hoạt động kinh doanh của người Việt (19/11/1925). Ông cũng đánh điện cho Toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho Phan Bội Châu (12/1925).
Đặc biệt là ông thực hiện hai buổi diễn thuyết với đề tài “Đạo đức và luân lý Đông Tây” và “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” vào ngày 19/11 và 27/11/1925. Sau buổi diễn thuyết lần thứ hai sức khỏe Phan Châu Trinh xuống hẳn. Các bác sĩ Trần Văn Đôn, lang y Nguyễn An Cư tỏ ra bi quan. Phan Châu Trinh đã cho mời Huỳnh Thúc Kháng vào, vừa có lẽ nôn nóng được gặp người đồng chí cũ vừa tin tưởng vào tài chữa bệnh của cụ Huỳnh.
Ngày 18/3/1926 thấy không còn hy vọng, các đồng chí của ông đã đưa ông về Bá Huê lầu (54 Pellerin) để chuẩn bị lo hậu sự. Ngày 24/3 Huỳnh Thúc Kháng vào đến nơi.
“Khi đến Sài Gòn bệnh Tây Hồ đã trầm trọng, không ngồi dậy được chỉ ngó nhau cười nhưng nhân khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: “Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi, can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều. Đêm đó Tây Hồ qua đời” (Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, NXB VHTT, trang 32). Lúc đó là 21h30.
Từ ngày về nước cho đến lúc đi xa chỉ vỏn vẹn 8 tháng 26 ngày, nhưng chưa bao giờ Phan Châu Trinh được thực sự nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Ông đã tranh đấu cho đến phút cuối cùng vì độc lập và sự tiến bộ của dân tộc.
Hai buổi diễn thuyết để đời của Phan Châu Trinh
Buổi diễn thuyết thứ nhất với đề tài: Đạo đức và luân lý Đông –Tây, diễn ra tại Nhà Hội Việt Nam (số 13, 15 đường Albert 1) vào ngày 19/11/1925. Buổi diễn thuyết được chủ trì bởi đoàn chủ tịch gồm 3 người là Nguyễn Phan Long, Nguyễn Tấn Văn và Nguyễn Tấn Được, đều là Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ.
Diễn giả Phan Châu Trinh trình bày một mạch bài diễn thuyết dài 10.878 từ của mình trong vòng 1 giờ 10 phút, từ 20h20 đến 21h30. Có hơn 200 người đến dự, thính phòng chính không đủ chỗ phải ngồi tràn sang phòng nhỏ bên cạnh (có cửa sổ thông với phòng chính) và nhiều người phải chen chúc ở cửa ra vào.
Nội dung chính của bài diễn thuyết là “Phan Châu Trinh thông qua phân tích mặt mạnh yếu của hai nền đạo đức và luân lý, để chỉ rõ nhược điểm và tồn tại bấy giờ trong nhân dân ta, kêu gọi lòng yêu nước, ý chí tự lập tự cường, gìn giữ cái hay của mình, bỏ cái dở, học tập cái hay của người, biết đoàn kết tổ chức đoàn thể, biết truyền bá xã hội trong dân. Ông nêu gương Nhật Bản đã thành công và Trung Quốc, Triều Tiên đang mở cửa phấn đấu canh tân đất nước để kêu gọi học tập gương họ” (Phan Thị Minh, bài đã dẫn).
Buổi diễn thuyết thành công ngoài mong đợi, diễn giả được nhiệt liệt hoan nghênh, với sáu lần phải dừng lại vì tiếng vỗ tay.
Buổi diễn thuyết thứ hai với đề tài “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” diễn ra ở địa điểm cũ với hơn 300 người tham dự. Lần này Phan Châu Trinh, Nguyễn Phan Long đã gửi đơn xin phép trước và cũng được 3 Ủy viên Hội đồng Quản hạt là Nguyễn Phan Long, Nguyễn Tấn Được, Nguyễn Tấn Minh chủ tọa. Diễn giả trình bày bài diễn thuyết dài 8.432 từ trong thời gian dài 1 giờ 40 phút, từ 20h đến 21h40.
Nội dung diễn thuyết lần này, Phan Châu Trinh lên án chế độ quân chủ chuyên chế và đặc biệt chế độ quân chủ chuyên chế dưới sự bảo hộ của thực dân (mà ông gọi là tên đầy tớ số 1).
Ông trình bày hình thức tổ chức chế độ cộng hòa, điển hình là Pháp, cùng với các chế độ quân chủ lập hiến rồi so sánh hai thể chế với nhau. Ông cũng nhấn mạnh nền quân chủ của ta là “sao chép từ Trung Hoa” mà người Trung Hoa đã phế bỏ qua cuộc cách mạng Tân Hợi. Dân ta nên noi gương họ. Cuối bài ông cũng đề nghị người Pháp thực hiện nền cộng hòa cho cả Đông Dương.
Dù bị sốt cao, lần này Phan Châu Trinh cũng cố gắng trình bày rất khúc chiết, rõ ràng, mạnh mẽ vì thế đã “được chào mừng bằng vỗ tay nhiệt liệt” như nhận xét của thanh tra mật thám Becrtin.
Hai buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh sau này được đánh giá là: “Hai trái bom nổ chậm thức tỉnh bao tấm lòng yêu nước” (Hồ Tường).