Tính cách Quảng trong Phan Châu Trinh

VU GIA 11/09/2022 05:19

Xem nhiều tác phẩm của Phan Châu Trinh, người đọc dễ dàng nhận ra tính “hay cãi” của người Quảng Nam đong đầy trong huyết quản của ông.

Chí sĩ Phan Châu Trinh.
Chí sĩ Phan Châu Trinh.

“Quảng Nam hay cãi”, câu nói này không biết có từ bao giờ, nhưng đã nói lên phần nào tính cách của người Quảng Nam. Dẫu biết “sự nhịn, chín sự lành”, nhưng có một số việc phải cãi đến nơi đến chốn, vì người cãi tin chắc lẽ phải về mình, cho dù thân cô thế cô dẫn đến cái chết cũng thỏa lòng, không hề hối hận. Sinh ra ở làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Nhà yêu nước Phan Châu Trinh (1872 - 1926) là người như thế.

Luận chiến trên báo

Hơn 2 năm ở nhà tù Côn Lôn, nhờ có sự vận động của Hội Nhân quyền ngay trên đất Pháp, tháng 8.1910, Phan Châu Trinh được đưa về đất liền, quản thúc tại Mỹ Tho. Tại đây, “không hoạt động gì được, ông viết thư cho Toàn quyền Đông Dương đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Lôn, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho nữa.

Vì vậy, nhân có Nghị định ngày 31.10.1908 của Chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật”.

Đến Pháp, Phan Châu Trinh tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng của mình. Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết bài báo gửi đến báo L’Humanité (Nhân đạo), nhưng không được đăng vì… “không đáp ứng được phong trào cộng sản thế giới”.

Sau đó, ngày 14.9.1922, báo L’Humanite có đăng bài chỉ trích và châm biếm Phan Châu Trinh với tiêu đề: “Một người An Nam than phiền… Nhưng người ấy muốn gì?”, mà không có tên người viết.

Phan Châu Trinh đọc xong liền viết bài trả lời, gửi cho Giám đốc báo L’Humanité, đề ngày 30.9.1922, với lời lẽ nhẹ nhàng, nhưng không thiếu phần sắc bén chẳng khác nào vỗ mặt đối phương.

- Đối phương viết: “Nhà nho này đang sống lưu vong ở Marseille, ông vừa diễn thuyết một buổi. Ông đã viết bài báo nhỏ in trong nhiều tờ báo khác nhau. Nhưng rồi sau này?

Chúng tôi được biết ông Phan Châu Trinh đặc biệt khó chịu và chống ông vua nhỏ của ông là Khải Định (contre son petit souverain). Chúng tôi có lá thư ngỏ, ông đã viết về vua Khải Định hôm 15 tháng 7 vừa qua. Nhưng chúng tôi thấy văn kiện này quá dễ thương do một người An Nam viết, nhất là người ấy đã từng bị đày ra Côn Đảo do chính phủ hành chánh Pháp quyết định, mà thế giới tưởng lầm nên đã trút việc ấy trên lưng chúng ta (ý nói nước Pháp)”.

- Phan Châu Trinh trả lời: “Luận điệu bài này đã dùng một giọng cãi vã (querelleuse). Mặc dầu người viết giấu tên, tôi cũng biết nhưng không đưa ra đây để làm vui lòng ông ta. Tác giả bài này có vẻ trách tôi là hay chiều ý đối với hành chánh Pháp. Nếu tôi đã như vậy, là vì tôi tôn trọng sự thật. Vả lại, tôi không ngại nói tốt cho cả những người đã làm hại tôi”.

- Đối phương viết: “Phan Châu Trinh đã bối rối khi người ta hỏi ông muốn có chế độ nào để thay thế chế độ quân chủ tại Huế”.

- Phan Châu Trinh trả lời: “Người ấy đã nói là tôi bối rối không biết sẽ đòi có chế độ nào ở nước tôi, khi tôi đòi bỏ chế độ quân chủ. Người ấy nên biết rằng, tôi chẳng có bổn phận gì phải đến trình bày những dự kiến của tôi. Hơn nữa, không phải một đề tài quan trọng như vậy có thể chỉ viết một vài hàng như người đấy đã viết”.

- Đối phương viết: “Phan Châu Trinh có phải như ông quan ba Huân ở trong đảng Jeune Annam? Hay ông ở trong đảng Lập hiến như số đồng nghiệp trên tờ La Tribune indigène (Diễn đàn bản xứ), hay ông là đảng viên Xã hội tham gia chính quyền tư bản?”.

- Phan Châu Trinh trả lời: “Sau cùng người ấy hỏi, có phải tôi ở trong đảng Jeune Annam như quan ba Huân? Tôi không biết đảng ấy cũng như ông Huân. Vả lại, nếu tôi là Xã hội, hay Lập hiến, hay Cộng sản… thì người ấy cũng chẳng có quyền gì mà hỏi tôi về vấn đề ấy, và tôi không bắt buộc phải nói ý kiến của tôi ra”.

Phan Châu Trinh kết thúc bài viết với yêu cầu… đúng theo luật báo chí: “Đó là những điều mà tôi yêu cầu báo L’Humanité đăng”.

Người dám nói thẳng

Sau khi dịch một số tài liệu của Phan Châu Trinh, Thu Trang (tác giả cuốn sách “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp” - NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh) viết: “Ông là người dám nói thẳng vào mặt những ai cần chỉ trích - và tất cả đều vì mục đích chung cho dân tộc.

Chẳng hạn việc Phan Văn Trường viết báo. Phan Châu Trinh đã nói: “nên viết những gì liên quan đến Việt Nam, chứ viết về nước Pháp, người Pháp thì có lợi gì””.

Điều Phan Châu Trinh nói với Phan Văn Trường làm rõ hơn tính cách xứ Quảng trong ông. Lưu vong sang Pháp để vận động hậu trường giúp cho nhân dân khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh mà viết về nước Pháp, người Pháp làm quách chi, chỉ khiến cho những người ủng hộ giảm niềm tin, chẳng ích lợi gì ngoài mấy đồng nhuận bút.

Trong một lần trả lời trên Vietnamnet, GS. Trần Ngọc Vương (Khoa Văn học, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng nhìn lại những việc đã làm của Phan Châu Trinh và những gì chúng ta có được ngày hôm nay “mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ”.

Một thời gian dài, chúng ta phê phán cách nghĩ, cách làm của Phan Châu Trinh, nhưng những năm gần đây, từ thực tế cuộc sống trong thế giới rộng mở, nhiều người đã nhìn lại như thế cũng là chuyện đáng mừng.

Những ý kiến của Phan Châu Trinh đưa ra ngày ấy, dù có người không ưa nhưng cũng khó bắt bẻ, và cũng không ai dám nói ông là kẻ bất đắc chí, bởi ông đỗ đại khoa, được triều đình bổ làm quan, nhưng ông từ quan, hô hào phá bỏ lối học mà bản thân ông nhờ nó được vinh danh.

Xem lại nhiều tác phẩm của Phan Châu Trinh, người đọc dễ dàng nhận ra tính “hay cãi” của người Quảng Nam đong đầy trong huyết quản của ông. Một mẩu chuyện nhỏ của Phan Châu Trinh lúc cuối đời, nay đọc lại, tôi vẫn thấy thú vị.

Chuyện kể rằng, “Ở Tây về đến cửa Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay), đem đồ hành lý vào tòa Thương chánh kiểm, quan Thương chánh hỏi tên họ, tiên sinh nói: “Đồ của tôi đó, ông hãy kiểm đi, không phải hỏi tên họ”. Quan Thương chánh giận nói rằng: “Tôi qua An Nam đã mười năm, chưa thấy người An Nam nào như anh”.

Tiên sinh nói: “Tôi ở Pháp mười bốn năm cũng không thấy người Pháp nào như ông”. Nói rồi giở túi lấy thuốc hút, quan Thương chánh hỏi: “Sao lại ở đây mà hút thuốc?”. Tiên sanh nói: “Tôi xem cả tờ yết thị dán đó, không thấy cấm hút thuốc”. Thương chánh cố cầm đồ lại mấy ngày, sau lại trả hết”.

Khi ông về với đất mẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên một sự thật: “Khắp trong nước đều có tổ chức truy điệu… Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử”.

(Bài viết có tham khảo và trích dẫn từ “Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm” - Nguyễn Q. Thắng)

VU GIA