Người con rể của chí sĩ Phan Châu Trinh

PHẠM LÂM 17/07/2022 06:38

Làng Phước Sơn (nay là khối phố Phước Sơn, Tân Bình, Hiệp Đức) vào cuối thế kỷ thứ 16 là nơi giao thương buôn bán nhộn nhịp giữa miền xuôi và miền ngược. Nơi đây có đình làng Phước Sơn cổ kính, có vạn Phước Sơn một thời vang bóng. Về sau, có đồn điền của cụ Đốc Ấm - con rể của chí sĩ Phan Châu Trinh.

Cụ Lê Ấm (1898 - 1976). Ảnh: Gia đình cung cấp
Cụ Lê Ấm (1898 - 1976). Ảnh: Gia đình cung cấp

Thân thế và sự nghiệp

Cụ Đốc Ấm tên khai sinh là Lê Ấm, sinh năm 1898, tại làng Gia Cát, nay là thôn Gia Cát, xã Quế Phong (Quế Sơn). Cụ là người con thứ 5 trong số 8 người con (4 nam, 4 nữ) của một gia đình khá giả, có lòng yêu nước.

Thân sinh của cụ là ông Lê Tự, một thầy giáo Nho học, cho nên ngay từ nhỏ anh chị em Lê Ấm được gia đình cho ăn học tử tế. Sau khi học ở trường làng thì Lê Ấm được gia đình đưa ra Huế học.

Tốt nghiệp tú tài toàn phần, cụ lại được gia đình cho ra Hà Nội học lấy bằng cử nhân. Cụ được bổ Đốc học ở Nghệ An, rồi về Huế tiếp tục dạy học, là một giáo sư của Trường Quốc tử giám Huế.

Năm 1922, Đốc Ấm kết duyên cùng Phan Thị Châu Liên, trưởng nữ của chí sĩ Phan Châu Trinh.

Tại Huế, hai người đã lần lượt sinh hạ 3 người con. Người con đầu lòng là Lê Thị Khoách (1923), về sau đậu đíp-lôm ở Quy Nhơn; người con thứ hai là Lê Thị Kinh, còn gọi là Phan Thị Minh (1925), về sau là Vụ trưởng Vụ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Italia.

Cả hai bà hiện sống tại Đà Nẵng. Người con thứ ba là Lê Thị Lộc, còn gọi là Lê Thị Phương Lộc (1928), hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh.

Sau một thời gian dạy học ở Huế, do cụ có xu hướng ủng hộ phong trào yêu nước, nên bị triều đình nhà Nguyễn tìm cách đưa khỏi kinh thành Huế, điều vào làm đốc học ở Trường Quốc học Quy Nhơn.

Tại đây vợ chồng cụ tiếp tục sinh hạ thêm 4 người con nữa, gồm Lê Khâm, tức nhà văn Phan Tứ (SN 1930, mất năm 1995 tại Đà Nẵng); Lê Thị Sương (1934, đã qua đời); Lê Thị Chi, còn gọi là Lê Thị Kim Chi (1938) và Lê Thị Trang (1941), cả hai hiện sống tại Đà Nẵng.

Vào khoảng 1935, sau nhiều năm tích cóp tiền, cụ Lê Ấm đã tìm đến làng Phước Sơn để lập đồn điền. Ngoài việc cấy trồng lúa nước, cụ còn cho phát triển các loại cây như cau, mít, dầu trẩu, quế, sa nhân, chè, làm gạch, ngói, chăn nuôi dê, bò, trâu… Kẻ mua người bán ngày thêm đông đúc, làm cho làng Phước Sơn càng thêm khởi sắc. Tên cụ Đốc Ấm được gắn liền với dân làng Phước Sơn kể từ đây.

Gần như cả vùng đất rộng lớn của làng Phước Sơn thuộc về đồn điền cụ Đốc Ấm, trong đó một phần cụ mua lại của người dân, một phần do cụ thuê mướn người khai khẩn. Cai quản thường xuyên ở đồn điền này là người chị gái của cụ là Lê Thị Bích và người con gái đầu của cụ là Lê Thị Khoách. Riêng cụ Đốc Ấm thi thoảng đi ngựa từ Quy Nhơn về đây vài ba hôm rồi đi.

Khu trung tâm điều hành đồn điền gồm một ngôi nhà ở với khung gỗ đồ sộ, tường xây bằng đá núi, mạch hồ bằng vôi và vữa nhớt cây bời lời. Kế tiếp là ngôi nhà bếp lớn phục vụ ăn ở của những người phục dịch và làm công ở đồn điền.

Chung quanh còn có những kho chứa lúa thóc, vỏ quế, cơ sở chế biến chè, bộng ép dầu trẩu, chuồng trâu, chuồng bò, chuồng ngựa, lò nung gạch, nung ngói… tạo thành khung cảnh liên hoàn gồm nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh.

Việc quản lý các loại cây rừng trong khu đồn điền rất nghiêm ngặt. Nếu ai đốn hạ chỉ một cây xanh cũng bị xử phạt nặng, như lao công giẫy cỏ, hoặc phạt tiền. Chính nhờ vậy mà cả một vùng đất nơi đây quanh năm không hề bị mất nước, cây cối tươi tốt bốn mùa. Sự hoạt động ngày đêm của đồn điền tạo nên cảnh náo nhiệt của vùng đất làng Phước Sơn một thời vang bóng.

Gia đình yêu nước

Khoảng đầu năm 1946, khi cuộc chiến chống Pháp xâm lược trở lại trở nên ác liệt hơn, toàn bộ gia đình cụ Lê Ấm rời khỏi Quy Nhơn chuyển về đồn điền Phước Sơn cư ngụ. Từ đây cụ Lê Ấm trực tiếp điều hành mọi hoạt động của đồn điền.

Với dáng người vừa tầm, to khỏe, phong cách điềm đạm, khuôn mặt hiền từ, đức độ, thường cưỡi trên lưng một con ngựa màu đỏ sẫm, cụ Đốc Ấm là người vừa thân thiện, vừa sang trọng trong mắt của dân làng nơi đây.

Bên kia khe Bà Ấm là nơi tọa lạc của trung tâm điều hành đồn điền cụ Đốc Ấm ngày xưa. Khu vực này hiện do ông Đỗ Đình Hùng (70 tuổi, khối phố Bình An, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) vào lập trang trại. Ảnh: VŨ QUANG HÙNG
Bên kia khe Bà Ấm là nơi tọa lạc của trung tâm điều hành đồn điền cụ Đốc Ấm ngày xưa. Khu vực này hiện do ông Đỗ Đình Hùng (70 tuổi, khối phố Bình An, thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) vào lập trang trại. Ảnh: VŨ QUANG HÙNG

Dần về sau các con của cụ lần lượt thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, và đồn điền Phước Sơn cũng trở thành nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và nuôi giấu các cán bộ cách mạng như Cao Đình Trung, Phạm Gạo, Lương Văn Giới (Lương Văn Phước)… Chị Lê Thị Kim Chi đã từng là người dùng thuốc tây chữa bệnh cho một số cán bộ cách mạng hoạt động bí mật thời bấy giờ.

Năm 1957, lo sợ đồn điền của cụ Lê Ấm trở thành điểm hội tụ của những người hoạt động cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thuyết phục cụ Lê Ấm chuyển gia đình về sinh sống tại số nhà 60, nay là số nhà 72 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng - Nhà lưu niệm, nhà thờ chí sĩ Phan Châu Trinh.

Về Đà Nẵng, cụ Đốc Ấm vào làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Dục Đức tại Vĩnh Điện, cùng gia đình tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ tại nhà.

Vợ cụ Đốc Ấm là bà Phan Thị Châu Liên cùng các con gái là bà Lê Thị Khoách, Lê Thị Phương Lộc, Lê Thị Kim Chi và cháu là Nguyễn Thị Thảo đều tham gia in ấn tài liệu, truyền đơn, may cờ Giải phóng tại nhà, tiếp tế thuốc men, vật dụng lên vùng giải phóng.

Trong quá trình tham gia công tác cách mạng, bà Lê Thị Khoách và cháu Nguyễn Thị Thảo bị địch bắt năm 1973 rồi sau đó được trả tự do. Sau giải phóng, bà Phan Thị Châu Liên là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Cụ Lê Ấm mất vào năm 1976 sau một thời gian lâm bệnh nặng. 

Với những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp vẻ vang của cách mạng, cụ Lê Ấm và nhiều người thân trong gia đình đã được chính quyền TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đặt tên đường, như đường Lê Ấm, đường Nguyễn Thúy, đường Phan Tứ. Đây là niềm tự hào cho vùng đất quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung và vùng đất Hiệp Đức, làng Phước Sơn nói riêng.

PHẠM LÂM