Những vần thơ "rặt Quảng" của cụ Huỳnh

ANH QUÂN 26/06/2022 10:20

“Cụ ngang nhiên đưa vào thơ những tiếng địa phương hoặc tiếng cổ. Cụ sử dụng những tiếng khá thô thiển trong ngôn ngữ một cách đàng hoàng. Một nhà nho đạo mạo, một ông nghè uyên bác mà làm thơ như vậy quả là điều lạ”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân. Ảnh: Tư liệu
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân. Ảnh: Tư liệu

Đó là nhận xét của GS. Chương Thâu về thơ tự do của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng - chủ bút Báo Tiếng Dân. Nếu xét trên phương diện một “nhà nho” thì là điều lạ, nhưng xét về “tính-cách-Quảng” thì đó là điều thường thấy chăng?

Tiếng nói của dân nghèo

Trong cuốn sách dày dặn hơn 1.800 trang “Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập” (NXB Đà Nẵng) do GS. Chương Thâu và Phạm Ngô Minh chủ biên, bên cạnh thể loại văn, báo chí chiếm số lượng lớn, thì phần thơ tiếng Việt theo thể tự do xuất hiện khá khiêm tốn. Tuy nhiên, những bài thơ đó mang đậm chất Quảng về nội dung cũng như cách dùng từ.

Ngay từ bài thơ “Cái văn chương” sáng tác năm 1906 như là một “tuyên ngôn” về chuyện chữ nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng đã cho thấy rõ điều đó: “Cái văn chương là cái chi chi/ Mút ngòi viết mà hỏi cùng vũ trụ/ …Buông hơi sấm giữa cõi trần rân rác/ Tréo mảy lên, xưng ông nọ ông kia/ Ới ai ơi, tốt lốt chưa tề/ Nên sự nghiệp cũng nhờ ba chữ đó/ Tò mò hỏi, năm châu ai lớn nhỏ/ “Ủa! việc ngoại dương tau có biết mô na”.

Xuất thân từ một vùng nông thôn nghèo trung du xứ Quảng, dù đỗ tiến sĩ Nho học và theo con đường tân học để làm cách mạng, cụ Huỳnh luôn thấu hiểu và chia sẻ với đời sống của dân nghèo.

Trên hành trình đấu tranh cách mạng theo đường lối của mình và đồng chí, nhất là khi thành lập tờ báo Tiếng Dân (ngày 10.8.1927), nhà báo, nhà thơ Huỳnh Thúc Kháng luôn trăn trở và nói lên tiếng nói của dân nghèo. Không cách chi tốt hơn là bằng những bài thơ mộc mạc, chân thành.

Trong bài “Nhà nông nghèo ở thôn quê” (Tiếng Dân 9.4.1932), cụ không chỉ miêu tả đời sống nông dân cực khổ với cách quan sát cận cảnh, mà dùng những từ ngữ rất đắc địa: “…Nắng chang chang giữa tròn bóng/ Mặt mũi áo quần bùn chất đống/ Tối lại trời đen mò, tát nước gàu dai thở hù họng/ Mồ hôi nước mắt trộn làm phân/ Làm nhọc như thế bao giờ được ăn?/ Mưa hòa gió thuận còn có phần/ Rủi gặp chuột, sâu keo, cào cào, hạn lụt bão/ Ôi thôi nhăn răng!”.

Hay trong bài “Người cày” (Tiếng Dân, 2.3.1935): “Trông mưa lo hạn như sợ giặc/ Mãi mấy tháng trời đến mùa gặt/ Gặt xong chưa ăn gánh trả nợ/ Nhà giàu ăn lãi thiệt quá ngặt/ Đồng sạch bồ không, mặt buồn xàu”.

Lời thô giảng thanh

Theo nhận xét của GS. Chương Thâu “Cụ sử dụng những tiếng khá thô thiển trong ngôn ngữ một cách đàng hoàng”, bài “Tình cảnh quê tôi” (Tiếng Dân 26.3.1936) là một ví dụ: “…Ma đói giục sau đít/ Buộc mình bước chân đi làm thuê/ Nghe nói miệt trong, đường xe lửa/ Các ông đứng thầu làm nhiều sở/ Lật đật mang gói đi ngay vào/ Cùng bạn cu-li làm đọi bữa/... Chỉ lưa cái mình mộc/ Đi về dở cười lại dở khóc!”.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Một nhà nho thâm sâu về chữ nghĩa và tư tưởng, một nhà báo tranh luận sắc sảo trên nhiều mặt trận về quan điểm chính trị, văn hóa, xã hội…, lại dùng “Ma đói giục sau đít” để chỉ sự khốn cùng, quẫn bách của đói nghèo đối với nông dân; lại dùng từ địa phương “lưa” (còn lại) một cách gọn ghẽ, thì chỉ có thể là “bản chất Quảng Nam”?

Không chỉ vậy, trong bài thơ “Cảm tưởng đối với cuộc Trung Nhật xung đột” (Tiếng Dân 26.3.1932), cụ Huỳnh có cách dùng từ dí dỏm, trào lộng như: “…Quả bom rơi độp! độp!/ Lưỡi lê chạm nhau lốp cốp! lốp cốp!/ Ngọn lửa cháy nượp nượp!/ Thành phố lâu đài đổ rộp rộp!/ Người ta già trẻ, đàn bà, đàn ông chết sắp lớp!/ Hỏi họ làm cái gì? Chụp chốp…”. Cách “chơi chữ” đó để chỉ một sự thật trần trụi là: “Hội hòa bình, điều ước tài binh/ Chữ ký chèm bẽm rinh một rinh/ Rút cuộc chiến tranh hoàn chiến tranh!”.

Đọc lại những bài thơ theo thể tự do mang đậm tính cách Quảng đó của nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân, khởi đầu từ tháng 3.1932, chúng ta có thể liên tưởng đến sự hòa nhịp cùng phong trào Thơ mới cũng do một nhà nho, nhà báo xứ Quảng - Phan Khôi, khởi xướng với bài thơ “Tình già” đăng lần đầu tiên trên Tập văn Mùa Xuân của báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932.

Nên chăng, cần có sự đầu tư nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về những tính-cách-Quảng đó trong tầng lớp trí thức xứ Quảng - ít nhất là giai đoạn đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, để làm rõ nét hình hài một thế hệ!

ANH QUÂN