Hai nhà báo người Quảng và cuộc tranh luận về đề tài lịch sử

LÊ THÍ 26/06/2022 09:36

Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi là hai nhà báo tiêu biểu của đất Quảng. Hai ông đã từng thể hiện “tính cách Quảng Nam” qua nhiều lần tranh cãi với nhau trên mặt báo.

Nhà báo Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà báo Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1946) là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của báo Tiếng Dân từ 1927 - 1943. Ông ký hàng chục bút danh khác nhau như Minh Viên, Sử Bình Tử, Khỉ Ưu Sinh, Tha Sơn Thạch, Chuông Mai…, là tác giả của nhiều sách như: Thi tù tùng thoại, Thư gửi Kỳ Ngoại hầu, Phan Tây Hồ tiên sinh tiểu sử, Huỳnh Thúc Kháng tự truyện…

Phan Khôi (1887 - 1959) là nhà báo cộng tác với rất nhiều tờ báo nổi tiếng (khoảng 27 tờ) và ông ký ít nhất 15 bút danh khác nhau: Chương Dân, K, Kh, CD, Tân Việt, Khải Minh Tử, TC, Thần Chung, PNTV, Thông Reo, T.A, Tuệ Tinh, Sao Đuôi, Hy Tô, Thạch Bổ Thiên…

Hai nhà báo tiêu biểu của đất Quảng

Đối với Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng là bậc đàn anh, lớn hơn Phan Khôi 11 tuổi và là lãnh tụ của phong trào Duy tân. Hai ông biết nhau từ rất sớm, có lẽ khi Phan Khôi còn là “học trò cưng” của Trần Quý Cáp ở trường làng Bất Nhị.

Năm 1906, tại Điện Bàn hai người cùng một lần cắt bỏ búi tóc củ hành, giã từ cuộc đời “nhà Nho” để làm “nhà Duy tân”. Năm 1908, nhân vụ cự sưu kháng thuế hai ông bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Phan Khôi bị kêu án 3 năm tù giam, Huỳnh Thúc Kháng bị kêu án chung thân đày biệt xứ Côn Đảo.

Trong nhà tù họ từng xướng họa thơ với nhau trước khi chia tay mỗi người đi một nhà ngục. Mấy bài thơ của Phan Khôi được Huỳnh Thúc Kháng, chủ soái thi đàn đánh giá: “trong thi các bạn tiễn có mấy bài tứ tuyệt của ông tú Khôi là xuất sắc hơn cả!”.

Nhưng về sự nghiệp làm báo, Phan Khôi lại là đàn anh. Khi Phan Khôi bắt đầu làm báo Nam Phong (1917) thì Huỳnh Thúc Kháng đang ngồi tù ở Côn Đảo. Phải 10 năm sau, ở tuổi 51 khi từ chức Viện trưởng Dân biểu Trung Kỳ, họ Huỳnh mới bắt đầu... viết báo (báo Tiếng Dân, năm 1927).

Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc trong tác phẩm Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, năm 2007) đã có những nhận xét xác đáng về hai nhà báo Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng.

Nói về Phan Khôi, ông viết: “Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu chỉ được chọn một nhà báo tiêu biểu nhất của xứ Quảng trong thế kỷ 20 tôi sẽ chọn lấy Phan Khôi. Đó là hình ảnh kỳ lạ nhất, cô độc nhất, bản lĩnh nhất của lịch sử báo chí Việt Nam hiện đại… Ngay trong cái cõi ta bà bụi bặm ông đã chọn thái độ sống như một cây thông…” (trang 270).

Đối với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng và tờ báo mà cụ chủ trương, ông viết: “Thời gian đã chứng minh, trước năm 1945, Tiếng Dân - tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Trung Kỳ, có uy tín nhất và sống lâu nhất trên đất Thần kinh.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, nhắc đến Tiếng Dân, lập tức ta nhớ đến những người làm báo có trách nhiệm, có lương tâm với nghề nghiệp và dũng cảm đối đầu với quyền lực đương thời…” (trang 259).

Phan Khôi là người “châm ngòi nổ” và có mặt hầu hết cuộc bút chiến. Ông gây ra “hiện tượng Phan Khôi” trên văn đàn. Vì thế giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng không tránh khỏi những lần “tranh cãi quyết liệt”.

Lần tranh luận đầu tiên về đề tài lịch sử

Lật lại những trang báo cũ ta thấy giữa Phan Khôi và Huỳnh Thúc Kháng có ít nhất 5 lần “cãi” nhau trên mặt báo vào các năm 1928, 1930 và 1931. Ngoài vài lần hai ông tỏ ra hơi gay gắt còn phần lớn đều rất “lịch sự” và Huỳnh Thúc Kháng bao giờ cũng thể hiện phong thái “đàn anh”, vừa thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng cũng vừa “bao dung” với người em “thông minh và ngổ ngáo”. Đặc biệt trong lần tranh cãi đầu tiên họ Huỳnh đã tỏ ra “tâm phục khẩu phục” nhà báo đồng hương. Cuộc tranh luận diễn ra vào tháng 5.1928.

Đúng ra lần đó Phan Khôi trên tờ Đông Pháp thời báo có nhiều bài báo chủ yếu phản bác gay gắt các quan điểm lịch sử sai trái của một số nhà sử học thực dân khi họ cho rằng “tổ tiên người An Nam mời người Pháp sang bảo hộ, rằng người Pháp đã giúp cho người An Nam chinh phục đất Nam Kỳ” để chỉ việc Bá Đa Lộc mang hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện nhằm biện minh cho hành động xâm lăng của người Pháp.

Không hiểu do vô tình hay cố ý vào thời điểm này trên báo Tiếng Dân có một bài xã thuyết của tác giả Mính Viên (bút danh của cụ Huỳnh) có chỗ viết rằng “Gia Long đã nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhất đất nước”.

Trên Đông Pháp thời báo số ngày 1.5.1928 dưới bút danh Chương Dân, Phan Khôi viết bài “Mấy cái quái trong sách và báo ta” phản bác ý kiến của Mính Viên. Ông nhắc người viết bài trên tờ Tiếng Dân rằng “bản điều ước ký khi hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc được phái sang Pháp cầu viện, rốt cuộc đã không được phía Pháp thực hiện. Vì vậy chỉ có việc Bá Đa Lộc được vài mươi người Pháp sang giúp Gia Long, song đó chẳng qua là người riêng của nước Pháp giúp chứ không phải chính nước Pháp giúp”.

Sau bài chỉ trích của Phan Khôi, trên báo Tiếng Dân số 79 (20.5.1928), Huỳnh Thúc Kháng viết bài “Nói điều lỗi của ta là sự may cho ta” để đáp lại. Bài báo có vài chỗ “biện minh” nhưng về cơ bản đã tiếp thu những nội dung Phan Khôi luận giải cùng hết lời ca ngợi và cám ơn Phan Khôi.

*
*         *

Như vậy, cách đây gần 100 năm cuộc “tranh cãi” của hai nhà báo hàng đầu của Quảng Nam đã góp phần làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử và đã “giải oan” cho vua Gia Long trong một sự kiện lịch sử đặc biệt mà mãi đến gần đây nhà nghiên cứu Thụy Khuê mới đề cập trong tác phẩm nổi tiếng của mình: Vua Gia Long & người Pháp (NXB Hồng Đức, năm 2017).

LÊ THÍ