Trần Văn Phúc và câu chuyện ký ức
Sưu tầm đồ vật cũ là cách để Trần Văn Phúc kể lại câu chuyện đời sống xưa một cách sinh động nhưng cũng đầy hoài niệm.
Đam mê sưu tầm
Nằm nép mình trong xóm nhỏ của thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, ngôi nhà vườn xinh xắn của anh Trần Văn Phúc như lọt thỏm giữa miên man cây lá miền thôn dã.
Khi đặt chân vào bên trong không gian ấy, bày biện trước mắt chúng tôi là cơ man hiện vật cũ một thời gắn bó với đời sống cần lao của bao lớp người nông dân một nắng hai sương. Những cối xay bột, cối giã gạo, gàu vai, ách đeo cày… từ khắp miền quê xứ Quảng hội tụ về đây để cùng làm nên câu chuyện sống động của ký ức.
“Những cối xay bột, cối giã gạo, gàu giai, ách đeo cày… từ khắp miền quê xứ Quảng hội tụ về đây để cùng làm nên câu chuyện sống động của ký ức”.
Sinh năm 1975, Trần Văn Phúc cũng như nhiều người cùng thời đã kịp lưu dấu trong ký ức bao hình ảnh thân thương gắn với cuộc sống lao động của người dân quê thời đất nước mới vừa qua cơn binh lửa chiến tranh. Đó là những ngày tháng gian khó “khoai cõng cơm” qua bữa, là con trâu đi trước cái cày theo sau cùng với bao nhiêu thứ đồ vật hiển hiện trong đời sống hằng ngày.
Phúc bảo, sinh ra ở quê nên tuổi thơ cũng trải qua thời nghịch ngợm gắn với ruộng đồng, bờ bụi… Ai ngờ, khi lớn lên cái tính tò mò tìm kiếm lại vận vào anh không rời. Phúc bắt đầu cuộc chơi của mình với thiên nhiên từ thú bonsai. Những hình dáng lạ, những loại cây quen mặt ở quê ẩn sâu bờ bụi đồng làng… đều được Phúc mang về cho khu vườn của mình rồi tập tò tạo thế tạo dáng và ngắm nghía.
Những năm 1990, từ niềm thích thú sưu tầm cây lạ, thế độc đã đưa Trần Văn Phước dấn thêm một bước với nghề chơi. Ấy là trong lúc đi tìm cây, tình cờ phát hiện những chiếc bình vôi cũ đủ loại nằm rải rác đây đó, anh nhặt nhạnh mang về, lau chùi cẩn thận, đặt ở nơi cao ráo theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Bình vôi về trong ngôi nhà anh bỗng dưng lấy lại hồn phách, mỗi chiếc là một màu sắc, kích cỡ…
Phúc đâm mê thú sưu tầm này và bắt đầu nghĩ đến chuyện tìm kiếm hiện vật cũ. Ngặt nỗi, lúc bấy giờ cuộc sống còn khó khăn, tiền không đủ lo trang trải cuộc sống, lấy đâu ra để mua đồ cũ. May mắn cho anh là những năm sau này, cây cảnh bon sai bắt đầu có giá, Phúc quyết định bán đi một số cây cảnh của mình để lấy kinh phí cho cuộc chơi sưu tầm đồ cũ.
Giữ cho mai sau
Bắt đầu từ năm 2007, Trần Văn Phúc chuyên tâm theo đuổi thú sưu tầm hiện vật cũ. Là tay chơi ngang, anh đặt ra tiêu chí riêng với từng món đồ cũ mình sưu tầm. Thứ nhất, là hiện vật gắn với đời sống nhà nông gồm bất cứ đồ dùng gì hiện hữu cùng với hành trình cuộc mưu sinh nơi thôn dã. Thứ hai, không xác định được thời gian tồn tại nhưng quan trọng mỗi hiện vật đều có câu chuyện riêng.
Ví dụ, hàng trăm chiếc cối xay bột được Phúc lặn lội tìm kiếm, săn lùng ở nhiều làng quê Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn… bao nhiêu năm qua, tự thân mỗi chiếc mang trong mình một thông điệp về thời gian, về cuộc sinh tồn gắn với bao lớp người.
Phúc bảo, anh rất mê các loại cối xay, giã vì đó là ký ức một thời tuổi thơ của anh. Vì thế, sợ rằng, mai mốt những loại đồ dùng này mất đi, thì câu chuyện về một thời gian khó của cha ông lấy đâu ra mà kể cho hậu thế. Nên nghe ở đâu còn giữ được chiếc cối xay, cối giã là anh lại lập tức lên đường tìm mua cho bằng được.
Bây giờ, hàng trăm chiếc cối được anh sắp đặt công phu trong không gian riêng của mình, khiến ai một lần chiêm ngưỡng đều phải trầm trồ. Mười mấy năm lặn lội tìm kiếm, sưu tầm, gia tài của Trần Văn Phúc đã lên đến hàng nghìn hiện vật.
Ngoài cối xay bột, cối giã gạo có số lượng lớn, Phúc còn sở hữu hàng trăm chiếc dĩa cũ với họa tiết rồng, cây lúa, ông tiên rồi những bi đông, thùng đạn, chum ché, nồi đồng, mâm đồng, ang đong lúa, ách cày, máy may thủ công, chén bát… cùng với hàng chục vật dụng của đồng bào dân tộc ít người xứ Quảng.
Điều khá đặc biệt, Trần Văn Phúc bài trí các hiện vật sưu tầm rất khoa học. Có loại anh sắp xếp cẩn thận vào tủ gương, giá gỗ trong phòng. Có loại như hũ sành, chum ché, anh bố trí xen kẽ với bon sai ngược trong vườn nhà… tạo nên không gian rất lạ lẫm và đẹp mắt.
Dạo quanh khu vườn nhỏ của anh, có thể cảm nhận được thiên nhiên tươi đẹp bởi tiếng chim, tiếng nước chảy róc rách và cả tiếng gió thổi miên man qua những vật dụng được anh treo trong khu vườn bonsai ngược.
Phúc bảo, mỗi lần mệt nhọc, anh làm một cuộc dạo quanh khu vườn này để lấy lại năng lượng. Điều thú vị nữa, trong cuộc chơi khá tốn công, tốn của này, Trần Văn Phúc nhận được sự hậu thuẫn từ người thân, nhất là vợ anh, chị Võ Thị Hương Dung. Chính chị Dung đã thêm ý tưởng, động viên để anh thủng thẳng đường dài với cuộc chơi của mình.
Chờ cuộc trưng bày
Trần Văn Phúc đưa tôi đi tham quan khu đất vườn gần năm nghìn mét vuông của anh nằm sát con đường bê tông chạy song song với đường cao tốc Bắc - Nam, nối từ đường đi Phú Ninh - Tiên Phước qua thôn Hòa Bình.
Trên khu vườn rộng lớn ấy, anh đang cho triển khai thi công những hạng mục phục vụ ý tưởng biến nơi đây thành khu trưng bày hiện vật cũ và du lịch sinh thái với vườn cây ăn trái, vườn bonsai ngược, ao sen, cánh đồng nhỏ trồng lúa nước để lưu giữ ký ức tát nước gàu giai, con trâu, cái cày…
Trần Văn Phúc khoe, sắp tới khu di tích địa đạo Gò Nông (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) tiến hành trùng tu tôn tạo cùng với di tích căn cứ Ao Lầy cách đó không xa… sẽ tạo nên một mắt xích quan trọng giúp anh triển khai ý tưởng cho khu trưng bày hiện vật chiến tranh mà bao năm nay anh đã sưu tầm. Một căn nhà dài đang trong giai đoạn hình thành là nơi để Trần Văn Phúc tha hồ bài trí hàng trăm hiện vật về một thời lửa đạn chưa xa.
Anh nói: “Tôi muốn làm sợi dây kết nối ký ức khi du khách đặt chân đến Phú Ninh, trải nghiệm địa đạo Gò công, căn cứ cách mạng Ao Lầy… và dừng chân ở khu trưng bày cá nhân này để tận mắt nhìn ngắm những hiện vật chiến tranh còn lưu lại. Đó chắc chắn là điều thú vị, có thể níu giữ bước chân những ai tìm về quá khứ”.
Ngoài ra, Trần Văn Phúc còn ấp ủ giấc mơ gầy dựng không gian văn hóa - lao động của đồng bào dân tộc ít người Quảng Nam bên cạnh những nét đặc trưng nông nghiệp lúa nước của người Kinh.
Hàng trăm hiện vật như cung nỏ, giáo mác, gùi ché… anh sưu tầm được đều đang nằm chờ một ngày hiển lộ trong không gian này. Nếu mọi ý tưởng ấy thành công, hy vọng tất cả sẽ cùng cất lên tiếng nói đồng điệu, xiển dương những nét đẹp một thời cần lao của bao lớp người trên mảnh đất Quảng Nam.
Lặng lẽ, đam mê và khát vọng cho cuộc chơi lâu dài với hiện vật cũ, Trần Văn Phúc đã tạo nên một dáng dấp rất riêng không lẫn vào đâu giữa xanh ngát miền quê Tam Thái. Mọi thứ đang ủng hộ Trần Văn Phúc xây tiếp mơ ước đẹp của mình từ những dung dị mến yêu mang tên hoài cổ.