Nhớ một người Gò Nổi
Cả một đời cống hiến cho cách mạng, nay tuổi cao sức yếu nhưng lúc nào ông Lương Thế Vân cũng thương nhớ quê nhà Gò Nổi với tấm lòng của một người con xa quê...
Sắt son cách mạng
Đến phường 4, quận 3 TP.Hồ Chí Minh, tìm đến cư xá Đô Thành hỏi nhà ông Lương Thế Vân, người dân ở đây ai cũng biết, tận tình chỉ đường tận nơi:
- Ông Ba Vân phải hông? Ổng là cán bộ tòa án về hưu ai cũng quý mến. Nhưng giờ ông già yếu nằm một chỗ. 90 tuổi rồi còn gì.
Đúng như mọi người thông báo, ông Ba giờ yếu, nhưng cái bắt tay của ông còn chặt và ấm áp. Đôi mắt còn tinh anh.
- Lâu lắm bác chưa về Quảng. Năm ni tính về thì sức khỏe kém nên đành chịu.
Sinh năm 1932, ông Ba Vân bước sang tuổi đại thọ 90. Tuổi cao sức yếu là chuyện thường, nhưng còn minh mẫn được như ông thì thật hiếm.
- Các cháu có biết vùng quê Gò Nổi, Quảng Nam không? Vùng đất "ngũ phụng tề phi" đó!
Ông Lương Thế Vân là chàng trai từ đất Gò Nổi ra đi làm cách mạng. Ông sinh ra ở làng Bảo An, xã Điện Quang, Điện Bàn. Sống trong gia đình có truyền thống hiếu học, thân phụ lại là ông giáo trường làng, từ nhỏ cậu Ba Vân đã được cha dạy dỗ kỹ lưỡng về chữ nghĩa, về cách làm người có ích cho đất nước. Năm 1947, tức là khi mới 15 tuổi, cậu Ba Vân đã tham gia sinh hoạt đoàn thiếu niên, rồi "Thanh niên cứu quốc".
Ông bồi hồi kể lại: "Hồi đó cực mà vui! Tui cùng các bạn thanh niên tham gia văn nghệ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của chính phủ trong việc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với nhiệt tình cách mạng, năm 18 tuổi cậu Ba Vân đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cán bộ tổng hợp tại các xã: Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Tiến...
Hòa bình lập lại sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, niềm vui chưa trọn thì nỗi buồn đất nước bị chia cắt 2 miền Nam - Bắc. Lẽ ra ông được ưu tiên tập kết ra Bắc, nhưng lại lựa chọn ở lại quê hương, tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Chính quyền họ Ngô tuyên bố "đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật", truy tìm, lùng sục những người hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1955, Ba Vân bị công an chìm bắt giam vào nhà lao Điện Bàn. Bị giam gần 1 tháng, người cha phải lặn lội ra Huế tìm mối quan hệ thân thiết, nhờ giải cứu con trai.
Ba Vân thoát khỏi tù tội, biết mình khó hoạt động tại quê nhà, nên đã ra Huế vừa ẩn trú và chờ thời cơ, với vỏ bọc nghề nhiếp ảnh dạo. Ba năm sau, có người cùng quê phát hiện ra Ba Vân, ông vội rời vào Đà Nẵng hoạt động. Đà Nẵng còn gần Quảng Nam hơn Huế, nên chẳng bao lâu ông lại bị lộ. Lần này Ba Vân đi xa hơn, vào tuốt Sài Gòn.
Năm 1960, Ba Vân chính thức có mặt tại Sài Gòn, nằm chờ cơ hội móc nối với cơ sở cách mạng. Sài Gòn rộng mênh mông, người tứ xứ đổ về kiếm sống. Tưởng dễ bề trà trộn, ai ngờ cuối năm 1962 ông bị một tên trong "đoàn mật vụ miền Trung" phát hiện và chỉ điểm cho cảnh sát.
Linh tính của người hoạt động bí mật cho thấy mình đang bị theo dõi, ông đã vạch sẵn trong đầu phương án đối phó, nhưng không kịp. Khoảng 20 giờ ngày 28.12.1962, trong khi dạo chơi trên bến Bạch Đằng ông bị mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ. Chúng đưa ngay ông vào thẩm vấn tại nhà lao P42, một nhà lao bí mật trong Thảo Cầm Viên.
Bốn tháng trời bị giam giữ, tra khảo, ông cắn răng chịu đựng, quyết giữ kín vỏ bọc của mình. Bọn địch chịu thua, chuyển ông về giam giữ tại trại Lê Văn Duyệt, thuộc quân khu Quân đội Việt Nam cộng hòa. Ngày 1.11.1963 đánh dấu sự sụp đổ của "nền đệ nhất" Việt Nam cộng hòa. Một số tù chính trị của chính quyền họ Ngô được xem xét lại hồ sơ. Ai không có chứng cớ rõ ràng thì được chính quyền Dương Văn Minh phóng thích.
Ông Ba Vân cũng được thả tự do tại nhà lao Tam Hiệp - Đồng Nai, phải trình diện hàng tháng tại Nha cảnh sát Sài Gòn. Tuy vậy, ông không chấp hành việc trình diện, trong suốt thời gian dài ông thay đổi chỗ ở liên tục để thoát khỏi khỏi sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.
Bị mất liên lạc với cơ sở khi ra tù, ông vẫn một mình tìm cách hoạt động phục vụ cách mạng, bằng cách tuyên truyền chủ trương chính sách của lực lượng cách mạng trong tầng lớp nhân dân lao động. Làm quen với một số sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa, vận động họ quay về với Mặt trận Giải phóng.
Một lòng thanh bạch
Tháng 4.1975, Sài Gòn giải phóng. Niềm vui vỡ òa trong lòng người chiến sĩ thầm lặng Lương Thế Vân. Ông vui sướng được trở về cùng đồng đội. Dù bị mất liên lạc đã lâu, nhưng Đảng bộ thành phố vẫn tin tưởng, giao nhiệm vụ cho ông công tác trong Ban cán sự của Quận ủy quận 3, phụ trách Ban tiếp dân của Ủy ban cách mạng lâm thời quận 3 (tới tháng 4.1976 mới có UBND).
Là người sinh sống lâu năm ở quận 3, nên ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp chính quyền non trẻ giải quyết những sự việc phức tạp sau ngày giải phóng về quyền lợi, tranh chấp nợ nần, nhà cửa, bất hòa trong gia đình, trong nhân dân...
Tháng 10.1976, ông được Quận ủy - UBND quận 3 phân công về công tác tại Tòa án nhân dân quận 3. Giai đoạn sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành tòa án phải giải quyết rất nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp từ chế độ cũ để lại. Đó là những tranh chấp về tài sản, nhà cửa, nợ nần... Những vấn đề này cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, thấu đáo để có cách giải quyết hợp tình, hợp lý.
Từ năm 1977 - 1978, ông và các cộng sự hòa giải được 77 vụ án dân sự, không phải đưa ra xét xử, đây cũng là mục tiêu cần thiết mà ngành tòa án đã đặt ra. Người dân quận 3 luôn kính nể một ông Ba Vân hết lòng vì công việc, vì lợi ích của người dân. Là một cán bộ ngành tòa án có tấm lòng nhân hậu, công tâm, luôn muốn giúp đỡ cho người nghèo, người yếu thế, cả đời sống thanh bạch, nên đến khi nghỉ hưu, cái tên Ba Vân vẫn là sự quý trọng, thương mến của đồng nghiệp và nhân dân địa phương.
Cội rễ quê nhà
Quê hương Gò Nổi vẫn là nỗi niềm trăn trở trong lòng ông Ba Vân. Những năm dài kháng chiến phải xa quê, chưa lúc nào ông quên được vùng đất màu mỡ cưu mang mình suốt thời thơ ấu. Nhớ dòng nước sông Thu Bồn xanh mát, hiền hòa.
Mùa xuân về, ba xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong thuộc Gò Nổi thường tổ chức cúng giỗ tộc họ và lễ hội vào dịp Thanh minh. Ông Ba Vân lúc còn khỏe vẫn về quê vào dịp này. Người xa quê, con cháu từ mọi miền đều tề tựu đầy đủ.
Đình làng Bảo An là một di tích lịch sử văn hóa, từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Những lần về quê, ông Ba Vân đã vận động bà con dòng họ và nhân dân trong làng xây dựng lại đình khang trang hơn. Các con cháu trong nhà thấy ông về hưu mà chưa chịu nghỉ việc, khuyên ông nên nghỉ ngơi.
Ông bảo còn sức khỏe, còn minh mẫn, làm gì được cho dân, cho quê hương thì nên làm. Nên vừa thấy ông về quê quyên góp công của dựng lại đình làng, động viên con cháu tu tạo nhà thờ tộc Lương, nay đã thấy ông về quận 3 tổ chức xây lại cổng cư xá Đô Thành.
Cùng bà con khu phố sửa sang vỉa hè, nắp cống. Không lúc nào nghỉ ngơi, ông đi quyên góp, đứng ra tổ chức các chuyến từ thiện cứu trợ đồng bào bị thiên tai, suốt từ Thanh Hóa, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... vào tới Tiền Giang, Cà Mau, lên tới Kon Tum.
Sau khi nghỉ hưu, ông Ba Vân tham gia công tác ở địa phương, như Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 4; Trưởng ban Mặt trận phu phố. Mấy năm trước, người dân ở quanh khu cư xá rất quen thuộc với dáng dấp nhanh nhẹn của ông, sáng sáng đi bộ tập thể dục quanh công viên Tao Đàn.
Giờ ông yếu mệt, không đi được nữa, nhưng vẫn nhắc con cháu siêng tập thể dục, để có sức khỏe mà công tác, cống hiến cho xã hội. "Mình là dân Gò Nổi mà. Ngày xưa có các cụ Hoàng Diệu, Phan Khôi. Sau này có Trần Thị Lý... Mình phải phát huy truyền thống quê hương".