Tư tưởng dân chủ trải hai vòng hoa giáp

NGUYỄN DỊ CỔ 11/02/2022 08:41

Lâu nay mọi người nhắc đến Phan Châu Trinh và tư tưởng của ông thường trong mốc thời gian của phong trào Duy Tân (1905 - 1908) và những giai đoạn sau đó. Nhưng thực ra, năm Nhâm Dần 1902 là mốc thời gian quan trọng nhất đánh dấu sự tiếp nhận và manh nha tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh.

Chân dung Phan Châu Trinh. Ảnh: TL
Chân dung Phan Châu Trinh. Ảnh: TL

Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh đến nay tròn 2 vòng hoa giáp, đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc giải phóng dân tộc trong quá khứ và sự nghiệp đấu tranh cho tiến bộ xã hội, đấu tranh giai cấp, giải phóng con người hiện nay. Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh đã trở thành chủ đề học thuật xuyên suốt trong thế kỷ 20 ở Việt Nam và thế giới.

Tam thập nhi lập

Phan Châu Trinh sinh năm 1872, đến năm 1902 tròn 30 tuổi, tuổi tam thập. Phan Châu Trinh đỗ đạt và làm quan (Thừa biện bộ Lễ) lúc tuổi đời 30, nhưng có lẽ “làm quan cũng là để cho có làm quan như mọi người sau khi học hành đỗ đạt, chứ qua thái độ và các bài thơ chữ Hán, chữ Nôm của ông hồi này, người ta thấy ông đã có con mắt nhìn rất khác lạ, không mưu cầu vinh thân phì gia, cũng không có ảo vọng gì ở triều đình và quan lại” - giáo sư Huỳnh Lý nhận định.

Trước đó, Phan Châu Trinh cũng đã tự thuật: “Đến khi thi đậu ra làm quan, thường thốt ra những lời than bi thời mẫn thế, quan bộ trưởng và các bạn làm quan cho là cuồng ngu hoặc hỏi cớ sao lại ngu cuồng như thế” (Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, tr.71). Việc làm quan đó của Phan Châu Trinh chưa phải là cái “nhi lập” như chí nguyện của ông.

Cái “nhi lập” ở “tam thập” của Phan Châu Trinh chỉ được tính từ câu chuyện ông tìm được tân thư, tân văn. Phan Châu Trinh đã tự thuật trong tác phẩm Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam rằng: Đến ngày kia có sách mới mà đọc, thì thích lắm, nói: “Đây chính là thời hữu dụng của kẻ ngu cuồng. Ta đem cái chí cuồng ngu của ta, thi hành cho kiến thức ngu cuồng của ta, chưa hẳn không có ích cho quốc dân”. Đồng thời, Phan Châu Trinh chú thích dòng chữ “sách mới” là “do Đào Nguyễn Phổ tặng năm Nhâm Dần 1902.

Huỳnh Thúc Kháng cho biết, Phan Châu Trinh “thường qua lại với ông Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ mượn sách ấy (tức tân thư - NV) xem, trong lòng ham thích quên ngủ, quên ăn, từ đó trong tư tưởng đổi hẳn ra một cách mới mẻ”.

Đào Duy Anh cũng viết rằng khi Phan Châu Trinh vào Phan Thiết được một người từng tham gia phong trào Duy Tân cho “cả một rương sách… gồm toàn những tân thư của Trung Quốc”, trong đó có đầy đủ hai bộ Thanh nghị báo và Tân dân tùng báo, các tác phẩm của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, bản dịch “Vạn pháp tinh lý” của Motesquieu, “cùng nhiều sách về địa lý, về lịch sử và về khoa học dịch của Nhật Bản” (Nhớ nghĩ chiều hôm).

Những bài nói chuyện của Phan Châu Trinh như “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” rõ ràng đã có sự tiếp nhận tư tưởng của J. Rousseau, Motesquieu hay bức thư gửi cho toàn quyền Đông Dương là Đầu Pháp chính phủ thư lợi dụng từ nội dung tuyên ngôn của Pháp.

Truyện thơ “Giai nhân kỳ ngộ” của Phan Châu Trinh được dịch từ bản dịch Hán văn của Lương Khải Siêu dịch từ cuốn truyện văn xuôi của Sài Tứ Lang người Nhật. Những tác phẩm này của Phan Châu Trinh thể hiện một sự mới lạ đương thời, là một “gió Á mưa Âu”, “thổ-nạp Đông Tây” của thời đại.

Hai vòng hoa giáp

Sau khi Việt Nam bị Pháp thống trị, trong nước đã hình thành hai xu hướng đấu tranh. Một xu hướng chủ trương đoàn kết nhân dân bạo động đánh đuổi thực dân Pháp, rồi tiến hành canh tân xã hội, Phan Bội Châu là người tiêu biểu.

Một xu hướng khác chủ trương đoàn kết nhân dân canh tân, dân chủ hóa xã hội, đánh đổ phong kiến, noi theo phương Tây tự cường dân tộc, giành độc lập, Phan Châu Trinh là người tiêu biểu.

Sau khi tiếp nhận tân thư, tiếp cận tư tưởng dân chủ phương Tây, tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh nhanh chóng được hình thành từ nền tảng truyền thống dân chủ làng xã, truyền thống trọng dân, thân dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà mỗi một người dân, đặc biệt là tầng lớp Nho sĩ Việt Nam thấm nhuần. Nói cách khác, tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh vừa mang đặc tính của tư tưởng dân chủ phương Tây, vừa mang dấu ấn văn hóa Việt Nam.

Theo Giáo sư Trần Đình Hượu, Phan Châu Trinh là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất, sâu nhất và nhất quán nhất. Tư tưởng cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh là yêu nước, chưa thuộc xu hướng cải lương.

Ý đồ của ông là “cùng với chí sĩ ba kỳ thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp tác, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tay sao mà chẳng vỗ nên bộp”.

Giáo sư Văn Tân luôn giữ quan điểm: “Phan Châu Trinh là một sĩ phu yêu nước, tiếp thu ý thức hệ tư tưởng tư sản, đã đứng trên lập trường tư sản dân chủ mà đề xướng và cổ vũ phong trào…

Ông là một tấm gương vừa phản chiếu yêu cầu của thời đại và tính chất của yêu cầu thời đại, vừa phản chiếu những hạn chế lịch sử của thời đại đó ở Việt Nam, qua những nét riêng biệt của ông”.

Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh đã ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước. Tại Trung tâm lưu trữ tài liệu hải ngoại của Pháp ở Aixen - Provence và trong các tài liệu Châu bản triều Duy Tân đã có hàng loạt thư, điện, báo cáo mật, trát sức, thông tư… tập trung theo dõi hoạt động, tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Chính quyền thực dân vẫn e ngại rằng tư tưởng cách mạng của Phan Châu Trinh sẽ ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, đe dọa nền thống trị Pháp. Viên Toàn quyền Đông Dương Klobukopky đã nhận định: “Những bài thơ (của ông) dưới một biểu hiện triết học phản ánh chủ yếu học thuyết và tư tưởng của những nhà cải lương Trung Hoa, nó ít dữ dội hơn về hình thức so với thơ văn đả kích của Phan Bội Châu, nhưng lại nguy hiểm hơn cho nền thống trị Pháp” (Báo cáo của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ Thuộc địa, ngày 3.7.1908).

NGUYỄN DỊ CỔ