Bà Nguyễn Thị Bình trong ký ức người Quảng
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sắp đến kỷ niệm mốc lịch sử sự kiện này, tôi lại nhớ về bà - một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định.
Ôn chuyện cũ, tôi có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - một người con của đất Quảng, người đã trọn đời lo cho dân cho nước như tên một cuốn sách viết về bà của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2017 - “Nguyễn Thị Bình - tấm lòng với đất nước”.
Trân trọng một "Tính cách Quảng"
* Xin ông cho biết lần đầu tiên ông “tiếp kiến” bà Nguyễn Thị Bình là vào thời điểm nào và ấn tượng lưu lại ở ông là điều gì?
- Ông Nguyễn Sự: Tôi quen xưng hô với tư cách con cháu trong nhà nên thường gọi một cách thân thiết là “cô Bình” và xưng cháu. Từ khi lớn lên ở Hội An, thời chiến tranh, tôi đã nghe danh cô Bình, nhất là thời kỳ cô làm Bộ trường Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1973, sau 5 năm đấu trí, đấu bản lĩnh... để chính thức ký kết Hiệp định Paris. Với tôi, cô là một huyền thoại sống động, đáng kính.
Cô là nhân vật tôi hằng kính trọng nhưng cũng chỉ “văn kỳ thanh...”. Đến khi tôi làm Chủ tịch thị xã Hội An những năm 1994 - 1995 mới có cơ duyên gặp cô, lúc đó cô với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng về Cù Lao Chàm tiếp xúc cử tri.
Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là cô Bình rất gần gũi, giản dị, chân thành. Khi gặp mọi người, bất cứ ai, không phân biệt cán bộ hay người dân, cô lúc nào cũng bình dị, cởi mở. Trước những khó khăn, thách thức của thực tiễn đời sống, cô ân cần động viên mọi người. Trước những hạn chế, thiếu sót, cô lúc nào cũng bình tâm tìm hiểu, nhắc nhở, bảo ban chứ không lên giọng “dạy bảo” ở tư thế “bề trên”.
Sau này, qua nhiều lần tiếp xúc với cô - khi giữ cương vị Phó Chủ tịch nước từ năm 1992 - tôi thấy cô là người biết tôn trọng sự khác biệt, nhất là những ý kiến “phản biện” về nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhất là văn hóa.
Cô là người chịu khó lắng nghe, thích đi thẳng vào những vấn đề gai góc và trao đổi thẳng thắn không né tránh. Tôi nhận thấy - dòng máu “hay cãi” của người Quảng trong cô - mà điều đó chính là sự “phản tư”, một tư duy “phản biện” thường trực về mọi mặt của vấn đề mà ta từng cho là “đúng” là “sai” khi soi vào thực tế cuộc sống ở mỗi thời điểm, mỗi thời kỳ chứ không giáo điều, không bảo thủ, không cậy quyền lực, chức vụ để “áp đặt” người khác rồi cho mình luôn luôn “đúng”.
Tính cách đó theo tôi là “quý và hiếm” của người lãnh đạo. Qua trải nghiệm bản thân, tôi thấy có những người Quảng Nam “đặc biệt” mà tôi kính trọng, đó là Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng, Cao Hồng Lãnh, Nguyễn Thị Bình, Mai Thúc Lân...
Những suy nghĩ mang tầm chiến lược
* Bà Nguyễn Thị Bình cả một đời thao thức, luôn đau đáu khát vọng quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng, đất nước nói chung phải phát triển giàu mạnh, sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp văn hóa phải được chăm lo, đi lên cùng kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta học được gì, từ đó, thưa ông?
- Ông Nguyễn Sự: Điều rất trân trọng ở cô Bình là những suy nghĩ về quê hương, đất nước luôn nung nấu trong cô. Suốt 11 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976 - 1987), vấn đề con người là mối quan tâm, trăn trở của cô.
Nhờ sự tham mưu của cô và đồng nghiệp, Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho ngành giáo dục như cải tiến tiền lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh nhà giáo ngày 20.11, tôn vinh các danh hiệu cho nhà giáo... Sau này cô đảm trách các công tác của Quốc hội, đặc biệt cô là người có thâm niên 26 năm làm đại biểu Quốc hội (5 khóa từ 1976 - 2002), cô đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của một nhà lãnh đạo.
Về việc dạy người, cô luôn nhấn mạnh vấn đề giáo dục con người phải phát triển đầy đủ, con người có tri thức, có văn hóa, đạo đức, con người có đầu óc “khai phóng”, sáng tạo mà nhân ái, khoan dung chứ không học vẹt, rập khuôn hay bảo thủ...
Dù đã hưu trí, cô tham gia và là chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Chủ tịch Quỹ giải thưởng Kovalevskaia, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ văn hóa Hội An... Cô Bình luôn có những bài viết thể hiện những suy nghĩ mang tầm chiến lược, dám chấp nhận cái mới, dám thay đổi với kiến văn sâu rộng. Đó là những suy nghĩ của một người yêu nước, một đảng viên 75 năm tuổi Đảng.
Riêng trong lĩnh vực văn hóa, cô luôn quan tâm đến văn hóa Quảng Nam, văn hóa Hội An. Thời làm đại biểu Quốc hội, cô từng đề xuất Bộ Văn hóa hỗ trợ kinh phí khẩn cấp để trùng tu nhiều kiến trúc cổ đang xuống cấp nghiêm trọng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong thời kỳ Hội An làm du lịch, dịch vụ du lịch, cô đã tặng riêng tôi một cuốn sách về quản trị, kinh doanh du lịch, cuốn sách mới xuất bản vào thời điểm đó.
Về giáo dục, cũng vì tâm huyết với GS. Hoàng Tụy cô đã ủng hộ việc thành lập Đại học Phan Châu Trinh. Việc thành bại của đơn vị giáo dục này có nhiều nguyên do nhưng sự ủng hộ của cô là minh chứng tấm lòng nhà giáo Nguyễn Thị Bình.
Một kỷ niệm khó quên - khi Hội An xôn xao việc “làm cáp treo” trên sông Hoài - đoạn Thu Bồn chảy qua Hội An - nối với Duy Xuyên lúc tôi vừa nghỉ hưu trước tuổi - cô là người gọi điện khuyên tôi lên tiếng sao cho chính quyền dừng lại vì một đô thị di sản phải phát triển bền vững.
Cô Bình có khả năng quy tụ những trí thức lớn, trí thức tinh hoa của đất nước, mà đâu chỉ trong nước, nhiều nhà báo, nhà ngoại giao, học giả nước ngoài thường nói “ai chứ bà Bình nói thì tôi tin”!
Từ truyền thống gia đình đến con người yêu nước
* Với một bậc nữ lưu nổi tiếng như bà Nguyễn Thị Bình, theo ông điều gì đã hun đúc nên một con người hoàn hảo như vậy? Và ông có suy nghĩ gì về những người tài nhưng bị những cám dỗ vật chất mà tha hóa trong hiện tại...
- Ông Nguyễn Sự: Cô Bình vốn sinh ra trong bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt - bối cảnh mà bất cứ người yêu nước nào cũng lựa chọn con đường đấu tranh cho đất nước được tự do, độc lập, thống nhất.
Cô sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, cách mạng: ông nội tham gia phong trào Cần Vương, chiến đấu và hy sinh tại quê nhà Đồng Tháp; ông ngoại là nhà yêu nước, chí sĩ phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh.
Chính truyền thống gia đình, quê hương, tấm lòng và tài năng, cô đã tham gia các phong trào yêu nước của sinh viên, phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn, bị tù đày rồi tiếp tục con đường cách mạng với vốn liếng tri thức, kinh nghiệm đấu tranh và phẩm chất một chiến sĩ, một nhà lãnh đạo có uy tín đã được hun đúc từ khi trưởng thành... Cái trí lực, chí khí, phẩm chất hay nhân cách, đạo đức ấy đã làm nên con người yêu nước Nguyễn Thị Bình.
Về sự tha hóa vì sự cám dỗ vật chất, nhục dục của một số người tài hiện nay, theo tôi - ở họ không có sự lựa chọn nền tảng về đạo đức. Hiện nay, trong triết lý giáo dục người ta hay nhấn mạnh điều này, sự lựa chọn đạo đức khiến người ta trọng danh dự cá nhân hơn vật chất và cho dù là lựa chọn sự tiện ích vật chất, giữ đạo đức chính là giữ mức vật chất vừa đủ, vừa lâu dài, “bền vững” hơn là kiểu lựa chọn “ăn xổi ở thì”, những cám dỗ lợi ích nhất thời. Nói là nói giả thiết vậy thôi, tôi nghĩ không phải không có lý khi cha ông chúng ta khuyên dạy về sự “tri túc” - sự “biết đủ” về cả vật chất lẫn tinh thần để con người giữ phẩm hạnh và sự nhàn hạ về sau.
- Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!